Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gặp những người thợ dệt cuối cùng của Bảy Hiền

Minh Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những năm 1990, riêng làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) có khoảng 1.700 hộ làm nghề. Làng nghề tuy bé nhỏ nhưng tạo ra 70% GDP của một quận Tân Bình cũ rộng lớn (khi chưa tách một phần sang quận Tân Phú). Từ những số liệu này, tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn về làng dệt trên mảnh đất đang cưu mang mình.

Một thợ dệt bên khung dệt gỗ kiểu cổ mà di dân Quảng Nam mang vào dựng làng dệt tại Sài Gòn. Ảnh chụp tại nhà số 151 Nguyễn Bá Tòng, phường 11, quận Tân Bình.

Trước khi về sống ở cuối con đường nhỏ mang tên Sơn Cang (phường 12, quận Tân Bình), tôi chỉ biết đó là một xóm đạo yên bình lặng lẽ, tiện lợi cho con cái đi học. Nhưng ngay sau khi chuyển đồ đạc đến, tôi biết mình đã bị “hố” vì tiếng máy dệt ở xưởng bên cạnh nhà cứ lách cách ngày đêm.

Làng dệt Bảy Hiền có từ những năm 1950

Những ngày đầu sống ở đây, tôi thấy phiền hà vì tiếng máy dệt đánh thức mỗi sáng sớm. Nhưng những nhà hàng xóm nói họ không thấy ồn ào gì cả. Tôi bắt đầu biết mình đang sống trong một làng dệt lâu đời. Dân ở đây lớn lên trong tiếng khung dệt, tiếng máy dệt. Với họ, nó đã quen tới nỗi giống như tiếng sóng biển rì rào đối với người dân miền biển.

Mà đâu chỉ có con hẻm nhà tôi, đi trên các con hẻm hay con đường nhỏ thông nhau hướng về phía chợ Bà Hoa, tôi còn phát hiện những xưởng dệt khác. Dù họ cố tình đóng cửa để cách âm thì tiếng máy vẫn lọt ra ngoài, giòn vang. Cũng lại chẳng thấy ai có vẻ phiền hà về điều ấy, nên cũng rất nhanh - chỉ chừng sau vài tháng làm “thổ địa” - tôi hầu như không còn thấy tiếng máy dệt làm phiền mình nữa.

Tiếng máy dệt khác tiếng máy may. Tiếng máy dệt kiểu cũ cũng khác tiếng máy dệt kiểu mới. Cô Kim Khánh, một người gốc Quảng Nam bán bỏng bắp trên đường Phạm Phú Thứ, đã chỉ cho tôi cách phân biệt tiếng máy dệt và tiếng máy may. Âm thanh tiếng máy dệt kiểu cũ lớn, mạnh, nghe lách cách là do khung gỗ đập vào nhau, còn tiếng máy dệt kiểu mới thì êm hơn; và âm thanh của máy may và máy thêu thì còn êm nhẹ hơn nữa, vì chỉ là tiếng dàn kim phập vào vải.

Cô Khánh năm nay 68 tuổi. Cô kể cha mẹ cô di cư từ Điện Bàn (Quảng Nam) vào Sài Gòn từ những năm 1950. Họ đi theo người làng và mang theo nghề dệt, lập nên làng dệt vải ở ngã tư Bảy Hiền. Cô cũng nói, tuy con đường Phạm Phú Thứ nhộn nhịp xe hàng vải đủ sắc màu vào dịp cuối năm là vậy, nhưng hầu hết họ là người nơi khác tới buôn bán, chứ ngay trong khu Bảy Hiền, bây giờ còn rất ít hộ gia đình theo nghề. Rồi cô kể nhà cô và cả dãy nhà hàng xóm, mỗi nhà đều từng là một xưởng dệt…

Khi khung dệt bị đem chẻ làm củi

Nghề dệt thời cực thịnh từng nuôi sống cả gia đình, giúp con cái học hành giỏi giang và cả đi xa du học. Nhưng từ khi hàng vải Trung Quốc, rồi Hàn Quốc tràn vào, quá đẹp và quá rẻ, vải Bảy Hiền không thể cạnh tranh.

Cô Khánh cho biết vào những tháng ngày nghề vải mất sức sống, người làng dệt đói khổ, phải ăn cơm mắm từ miền Trung gửi vào để qua ngày. Cho tới khi nhà nhà đập bỏ khung dệt, ngăn phòng cho thuê thì mới giải được bài toán kinh tế. Một số hộ mạnh vốn liếng thì chuyển đổi công nghệ từ những năm 2000-2010. Họ mua máy mới từ Trung Quốc, kể cả là từ Đức để chuyển sang dệt kim, dệt nước, cho ra những loại vải dày dặn và hiện đại hơn như vải thun, vải visco… Dù vậy, ngay cả những hộ chạy máy hiện đại cũng khó sống khi mà tiền công dệt cứ mỗi lúc càng thêm rẻ.

Cũng bởi những khung dệt gỗ quá to, quá cồng kềnh nên hầu như không ai có thể giữ lại trong nhà, dù cho đó có là “một trời kỷ niệm”. Cô Khánh kể: “Nhà tôi đóng máy hồi năm 1990, khung dệt được đem chẻ làm củi nấu bánh chưng. Những nhà khác không cần củi nấu thì đem cho người vùng ven làm củi hoặc làm gì đó. Những phần máy móc bằng sắt thì chúng tôi đem bán ve chai...”. Trong vẻ cười buồn, cô miên man tâm sự: “Bán máy, chúng tôi buồn lắm. Gần cả đời gắn với tiếng ồn, bỗng mọi thứ tắt phụt: tiếng máy tắt, tiền không có, việc không còn. Cũng liêu xiêu đó chứ!”.

Rồi cô kể người làng dệt phải đổ xô ra đường buôn thúng bán bưng. Có một vài chủ xưởng mua đất quanh khu công nghiệp Vĩnh Lộc (thời đó đất ở Bình Chánh còn rẻ) và cho chuyển xưởng về đó. Lúc bấy giờ, một bộ phận người dân làm nghề may ở Vĩnh Lộc là có gốc từ Bảy Hiền.

Bám nghề đến cùng cũng chỉ vừa đủ sống

Tôi tìm gặp anh Ngọc Minh, chủ một hộ trên đường Năm Châu. Trong tiếng máy dệt ồn ã, anh kể lại: “Năm 1990, nhà tôi mua bốn máy dệt Trung Quốc, coi như cả cơ nghiệp trong đống sắt này…”.

Bốn cái máy đó, nay vẫn chưa được chạy hết công suất. Mỗi ngày anh Minh dệt 100-150 mét vải, sợi của khách đem tới, anh chỉ gia công giá 3.000 đồng/mét, vừa đủ sống. Lý giải việc vẫn bám theo nghề khi mà hàng xóm đều đã bán máy hoặc treo máy, anh Minh nói anh vẫn đặt máy ở trong nhà và tự anh vận hành nên không phải mất tiền thuê xưởng hay trả công thợ.

Chỉ tay vào chậu dầu vừa được thay ra, sóng sánh một màu đen, anh nói thêm: “Cái máy này nó ngốn dầu và chi phí bảo trì ghê lắm. Các xưởng lớn đều phải chuyển xuống Vĩnh Lộc. Nghề này phải có xưởng lớn, máy móc nhiều, lấy số lượng bù lại thì mới trang trải được”.

Lấy cho tôi xem một mẫu vải vừa từ máy chạy ra, anh Minh “giảng giải”: “Đây là loại vải để may quần tây, chất vải lì, không nhăn, khi may sẽ rất “đứng quần”. Vải này thương lái bán ngoài chợ giá 30.000 đồng/mét. Cũng nhờ nỗ lực mày mò đổi mới, chứ nếu không, thợ dệt Bảy Hiền đã không thể dệt được loại vải hai da (mặt phải và mặt trái) đẹp đều như thế”.

Cũng theo anh Minh, các máy dệt truyền thống chỉ chủ yếu dệt các mặt hàng cotton thô mộc, sau này thì gia công các loại vải lót có giá bán rất rẻ, nên tiền gia công càng rẻ.

Cũng là dân gốc Quảng Nam, sau thế hệ cha mẹ di cư, anh Minh là thế hệ thợ dệt thứ hai của khu Bảy Hiền. Anh cũng nhắc về những năm tháng hoàng kim khi vải Bảy Hiền nổi tiếng cả nước, được thương lái săn đón, đặc biệt là ở chợ Tân Bình và Chợ Lớn.

Giờ đây, thế hệ con cái của anh đã lớn, đã ổn định với những nghề khác. Với anh, mỗi ngày bật cầu dao chạy máy cũng là niềm vui buổi xế chiều, dù “việc này phải trông coi như trông con mọn, không thể bỏ ra đầu hẻm uống cà phê được!”. “Máy móc tôi mua cũng đã mấy chục năm rồi, chúng ưa dừng lúc nào thì dừng. Dệt vải, dù nhiều kinh nghiệm, vẫn cứ phải đeo mắt kính quan sát từng chút, chứ để lỗi là bị loại cả cuộn vải, coi như mất trắng”, anh chia sẻ.

Tết Quý Mão và mẻ vải cuối cùng từ khung dệt gỗ

Khi được hỏi liệu hiện còn một chiếc máy dệt kiểu truyền thống nào của thế hệ lập nên làng dệt hay không, anh Minh khẳng định rằng cả làng không còn một chiếc nào. Nhưng nhờ sự chỉ dẫn của anh Trương Hải Hồ - người sống gần chợ Bà Hoa, và anh Thế Hiển - công an phường 11, tôi đã tìm ra được xưởng dệt truyền thống cuối cùng.

Đó là căn nhà gắn bảng số 151 đường Nguyễn Bá Tòng, có lớp sơn tường ngoài màu xanh dịu nhẹ. Buổi trưa khi tôi tới, cửa chính đóng im ỉm. Lén nhìn qua song cửa sổ, tôi thoáng thấy bộ khung dệt gỗ đen bóng cùng thời gian nên cố công ngồi chờ tới giờ máy khởi động.

Đầu giờ chiều, ba người chủ tóc đã bạc trắng đón tiếp tôi trong tiếng máy lách cách vui tai. Cô Trương Thị Hoa, năm nay 62 tuổi, khẳng định với tôi rằng cô và anh trai, và em trai của cô là những thợ dệt truyền thống cuối cùng: “Cô có đi tìm khắp Sài Gòn cũng không còn nơi nào dệt vải khung gỗ đâu”.

Rồi cô buồn rầu thông báo những ngày giáp Tết năm nay cũng là những ngày chạy những mẻ vải cuối cùng, trước khi gia đình cô dỡ bỏ những khung dệt đã trở nên nổi tiếng trên các trang web du lịch trong nước và quốc tế. “Tôi nghỉ. Vì còn ai thuê mình làm hàng nữa đâu”, cô Hoa buồn bã nói.

Nghe hỏi: “Sắp tới cô sẽ làm gì hay cũng cho thuê nhà như các hộ khác?”, cô Hoa lắc đầu quầy quậy: “Không, cho thuê nhà thì ba anh em tôi ở đâu. Chắc tôi sẽ xin đi làm giúp việc, hoặc nếu may mắn có người thuê thì tôi đi bán hàng”.

Tôi xin phép được chụp hình những thước vải dệt khung gỗ cuối cùng. Làn sợi trắng trong khung gỗ óng lên dưới ánh sáng mờ tỏ của bóng đèn neon. Giữa căn nhà bừa bộn và khá tối, cô Hoa và người em trai không thể nở nổi một nụ cười trong loạt hình tôi xin chụp.

Về nhà, xem bức hình cô Hoa cầm con thoi gỗ đã nhẵn bóng màu thời gian, tôi có cảm giác như cô đang mếu. Tôi chợt nhớ lại phút chào tạm biệt cô Khánh bán bỏng bắp trên đường Phạm Phú Thứ. Khi ấy, cô cứ níu hỏi vì sao tôi lại biết nơi này từng là làng dệt vải. Bởi chuyện dường như đã xưa hơn cả xưa, cũ hơn cả cũ, có ai còn nhớ…

2 BÌNH LUẬN

  1. Người giữ nghề truyền thống bởi họ có lòng đam mê yêu nghề mãnh liệt. Rất may mắn khi bám giữ lấy nghề vừa đủ sống nên họ còn duy trì nghề để lưu giữ lại giá trị truyền thống văn hóa nghề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới