Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Không tìm ra người để ‘biếu không’ doanh nghiệp

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nước Nhật đang rơi vào tình trạng lão hóa quá nhanh đến nỗi tuổi bình quân của chủ doanh nghiệp ở nước này nay lên đến 62 tuổi. Nhiều người trong số họ muốn chuyển giao doanh nghiệp cho người khác để về hưu, an hưởng tuổi già nhưng con cái không chịu nhận. Hidekazu Yokoyama, năm nay 73 tuổi là một trường hợp như thế.

Theo New York Times, Hidekazu Yokoyama đã bỏ ra cả ba thập niên, xây dựng một doanh nghiệp logistics thành công ở đảo Hokkaido, hòn đảo phủ đầy tuyết ở phía Bắc Nhật Bản. Công ty ông tham gia vào việc phân phối sản phẩm sữa ở đây đến khắp nước Nhật. Năm ngoái ông quyết định đem doanh nghiệp biếu không cho bất kỳ ai muốn tiếp nhận để nghỉ ngơi.

Đóng cửa doanh nghiệp là chuyện không khả thi vì, theo ông, nhiều nông dân phụ thuộc vào công ty ông; con cái đã lớn, dọn đi làm ăn nơi khác, nhân viên cũng không ai chịu đứng ra tiếp nhận. Cuối cùng ông phải sử dụng một dịch vụ giúp chủ các doanh nghiệp ở những vùng xa, vùng sâu tìm người tiếp quản: giá rao bán công ty bằng 0.

Khó khăn của ông Yokoyama cũng là nỗi lo của chính quyền nước này: nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đóng cửa khi hàng loạt ông chủ phải về hưu do tuổi già. Bộ Thương mại Nhật Bản từng dự báo đến năm 2025, sẽ có chừng 630.000 doanh nghiệp đang có lãi phải đóng cửa, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 165 tỉ đô la và làm mất đến 6,5 triệu việc làm.

Chính quyền phải tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm giúp các chủ doanh nghiệp lớn tuổi biết được những chọn lựa cho tương lai cũng như tổ chức các dịch vụ hỗ trợ họ tìm người kế tục. Để khuyến khích việc chuyển giao, chính quyền Nhật cũng đề ra nhiều ưu đãi thuế và trợ cấp cho chủ mới.

Tuy nhiên việc chuyển giao cũng không dễ diễn ra, chủ yếu do thói quen truyền thống. Dân Nhật không thích bán doanh nghiệp cho người lạ, càng không muốn để doanh nghiệp rơi vào tay đối thủ cạnh tranh. Hoạt động mua bán, sáp nhập không được xem trọng.

Năm 2021, các trung tâm hỗ trợ của Chính phủ Nhật chỉ tìm ra người mua cho 2.413 doanh nghiệp trong khi 44.000 doanh nghiệp khác bị đóng cửa. Trên 55% vẫn đang ăn nên làm ra khi đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp như thế lại nằm ở các thành phố nhỏ; việc đóng cửa một doanh nghiệp thường có tác động lớn lên cộng đồng làm các địa phương này càng chật vật ngăn dòng di dân ra thành phố lớn.

Sau khi các trung tâm hỗ trợ của chính phủ không tìm ra được người kế tục, ông Yokoyama quay sang Relay, một công ty môi giới nằm ở Kyushu, cực Nam nước Nhật. Ngay cả với Relay, công ty của ông cũng không dễ gì chuyển giao cho người khác, dù giá là không đồng.

Thành phố Monbetsu nơi công ty đóng trụ sở chỉ có 20.000 dân; mùa đông kéo dài, lúc đó hầu hết các công ty khác trong ngành đánh cá và làm nông phải ngưng hoạt động, rơi vào tình trạng ngủ đông.

Năm 2001, Monbetsu xây một ngôi trường tiểu học gần công ty ông Yokoyama nhưng 10 năm sau phải đóng cửa. Trẻ em ngày càng thưa thớt vì giới trẻ bỏ đi lập nghiệp ở thành phố lớn. Tòa nhà lớn nhất thành phố là bệnh viện mới xây.

Công ty Yokoyama chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các nông dân đã lớn tuổi như giúp thu hoạch hay dọn tuyết. Hàng ngày ông thức lúc 4 giờ sáng và đến 7 giờ tối mới lơi tay. Giả thử Công ty Yokoyama ngưng hoạt động, hàng loạt nông trại ở đây sẽ điêu đứng.

Mặc dù số nợ của công ty hiện ở mức chừng nửa triệu đô la, lãi suất thấp và nguồn trợ cấp chính phủ cao đã giúp công ty luôn có lãi. Biên lợi nhuận của công ty hiện ở mức 30%. Ai đồng ý tiếp nhận sẽ phải gánh khoản nợ này nhưng đồng thời sẽ làm chủ sở hữu các máy móc, trang thiết bị của công ty và gần 150 mẫu đất nông nghiệp và lâm nghiệp loại tốt.

Sau lời rao của Relay, có chừng 30 người tỏ ra quan tâm, bao gồm một cặp vợ chồng và cả một doanh nghiệp muốn mở rộng sang vùng này. Cuối cùng ông Yokoyama chọn Kai Fujisawa, một thanh niên mới 26 tuổi. Sau khi một người bạn chỉ cho anh mẩu quảng cáo của Relay, Fujisawa nhảy lên xe chạy ngay đến nhà ông Yokoyama, gây ấn tượng tốt với ông nhờ lòng nhiệt tình của tuổi trẻ.

Việc chuyển giao thật ra cũng không phải suôn sẻ; ông Yokoyama chưa tin Fujisawa là người có thể thay ông - nhân viên công ty cũng chưa tin Fujisawa sẽ như ông chủ vững chải của họ.

Hầu hết 17 nhân viên của công ty cũng đã lớn tuổi, không biết Fujisawa sẽ tìm ra đâu người để thay chân họ khi họ về hưu. Thế nhưng tìm ra người chịu tiếp nhận đã là nửa chặng đường khó khăn. Theo New York Times, Fujisawa đã tuyên bố sẽ gắn bó với nơi mới suốt cuộc đời còn lại của anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới