Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì một cái Tết trọn vẹn cho người lao động

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ yêu cầu các bên tạo điều kiện để người lao động có một cái Tết Quý Mão “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm” trong điều kiện thị trường lao động nhiều xáo trộn. Để làm được điều này, người lao động và doanh nghiệp cần nhiều hơn những lời kêu gọi.

Những vấn đề lao động trong dịp Tết

Ngày 23-12-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ thị của Thủ tướng điểm tới những mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh các vấn đề của thị trường lao động Việt Nam. Yêu cầu của Chính phủ đặt ra trong bối cảnh thị trường lao động năm nay có nhiều biến động hậu dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chuỗi cung ứng lao động có thể đứt gãy nếu như lao động không có việc làm phải về quê ăn Tết sớm và không trở lại những nơi cần lao động sau Tết. Ảnh: LÊ VŨ

Mảnh ghép thứ nhất là về tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong thời điểm hiện nay. Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Những năm trước, vấn đề lao động của doanh nghiệp sau Tết luôn là một bài toán khó cho doanh nghiệp do lao động không trở lại làm việc. Năm nay, thị trường phát sinh thêm vấn đề lao động không có việc làm trước Tết.

Mảnh ghép thứ hai là quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm. Đây là hậu quả cần được khắc phục do tình trạng thiếu việc làm trong giai đoạn trước Tết.

Mảnh ghép thứ ba là thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Chuỗi cung ứng lao động có thể đứt gãy nếu như lao động không có việc làm phải về quê ăn Tết sớm và không trở lại những nơi cần lao động sau Tết. Vì thế việc kết nối, đưa thông tin phù hợp đến người lao động là cần thiết. Người lao động sẽ sắp xếp trở lại thành phố lớn để làm việc nếu họ có thông tin chắc chắn rằng họ có việc làm ngay khi trở lại thành phố.

Mảnh ghép thứ tư là tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thường xảy ra tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động. Vì vậy, các đơn vị cần có biện pháp để giúp người lao động được bảo đảm các quyền lợi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mảnh ghép thứ năm là thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động mất việc do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thay đổi cơ cấu, không có đơn hàng... trong thời điểm này sẽ là đối tượng được hưởng các chế độ bảo hiểm liên quan. Việc chi trả chế độ bảo hiểm kịp thời sẽ giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn trong thời điểm khó khăn, đồng thời tăng thêm lòng tin của người lao động đối với các chế độ mà họ đang tham gia.

Mảnh ghép thứ sáu là chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Dịp Tết được xem là “mùa đình công”. Những năm trước, nguyên nhân chủ yếu do các chế độ lương, thưởng, phụ cấp không công bằng hoặc không thỏa đáng cho người lao động. Năm nay tình thế có thể khó khăn hơn. Bởi vì, tranh chấp có thể ở vấn đề đảm bảo việc làm và các chế độ liên quan, trong khi doanh nghiệp đã cố gắng hết sức vẫn không đủ việc cho người lao động.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

Để thực hiện những vấn đề trên được tốt, cần thật nhiều sự thiện chí, hợp tác của doanh nghiệp. Bởi hơn ai hết, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trăm bề. Chính phủ có thể giải quyết vấn đề khó khăn của doanh nghiệp ở tầm vĩ mô nhưng những giải pháp vĩ mô thường thấm rất lâu.

Ngay lúc này, điều doanh nghiệp muốn là cải thiện về thủ tục hành chính. Cuối năm, nhiều việc liên quan tới thủ tục hành chính cần giải quyết. Đây là lúc doanh nghiệp cần cơ quan nhà nước thực hiện nhanh chóng các thủ tục để doanh nghiệp yên tâm tập trung vào mục tiêu sản xuất kinh doanh và chăm lo cho đời sống người lao động tốt hơn.

Thủ tục xuất, nhập cảnh cho người nước ngoài cần thông suốt. Đây là thời điểm người lao động Âu, Mỹ nhập cảnh trở lại Việt Nam sau mùa lễ hội theo truyền thống văn hóa của họ. Và Tết Nguyên đán nghỉ dài ngày cũng là dịp người lao động nước ngoài về nước, du lịch thăm thú, thậm chí tìm kiếm các cơ hội khác.

Cuối năm, các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách lưu thông nhiều. Thủ tục đăng kiểm xe cần được tháo gỡ nhanh chóng thuận tiện. Việc ùn ứ đăng kiểm sẽ cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp và lưu thông của người dân.

Bên cạnh đó, đầu năm cũng là dịp các nhà đầu tư, tập đoàn sắp xếp lại nhân lực là lao động nước ngoài. Do đó, việc đăng ký giấy phép lao động mới hay gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài cần được tiến hành thuận lợi trong giai đoạn này.

Ngoài ra, vấn đề nhà ở của người nước ngoài tại các khu công nghiệp cũng cần được quan tâm. Với người lao động nước ngoài cư trú trong khuôn viên của doanh nghiệp, phần đất xây nhà ở này thuộc phần diện tích đất mà doanh nghiệp thuê tại đó. Phần đất này không được quy hoạch là diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp. Doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể để có thể tận dụng được phần diện tích này.

Một bàn tay không thể vỗ nên tiếng. Các cơ quan nhà nước không thể hô hào, cổ vũ, kêu gọi doanh nghiệp lo Tết cho người lao động. Ở đây, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần phải chung tay làm tốt công việc của mình, hỗ trợ hợp tác để mọi việc thuận lợi. Như thế, người lao động mới có cái Tết vẹn tròn như mong muốn của Chính phủ.

Tâm thế mới trước biến chuyển thị trường

Đại dịch Covid-19 đi qua đặt ra vấn đề mới về việc làm. Một số công việc có thể không cần người lao động làm việc tại chỗ. Công việc đó có thể thuê dịch vụ bên ngoài thay vì nuôi lao động với chi phí văn phòng và nhiều chế độ theo luật. Nếu không có đại dịch, không có khó khăn, có thể nhiều doanh nghiệp không nghĩ tới điều này. Bài toán cần giải là cân đối giữa chi phí và hiệu quả công việc khi chuyển đổi lao động làm việc từ xa hoặc sử dụng lao động bên ngoài. Sau hai năm trải nghiệm, thời điểm này là lúc doanh nghiệp có thể biết được đâu là phương án có lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc thay đổi công nghệ, tái cấu trúc tổ chức hoạt động cũng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn này trước tác động của nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Thêm một lần nữa, doanh nghiệp được đặt vào tình thế phải cân nhắc chi phí và hiệu quả sử dụng lao động.

Khi doanh nghiệp tái cơ cấu lại tổ chức hoạt động, người lao động sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Hệ quả xấu nhất là mất việc làm. Trong tình huống này, người lao động thuộc đối tượng mất việc làm do thay đổi cơ cấu cần biết một số thông tin pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 42 Bộ luật Lao động quy định doanh nghiệp phải có một số nghĩa vụ trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Việc thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế khiến cho nhiều người lao động bị mất việc làm còn phải tuân thủ theo những thủ tục do luật định.

Khoản tiền trợ cấp mất việc, các chế độ khác liên quan có thể là một nguồn thu nhập đáng kể để người lao động yên tâm ổn định cuộc sống sau khi mất việc làm. Điều quan trọng hơn là người lao động cần chuẩn bị tâm thế có thể mất việc, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Covid-19 và khủng hoảng kinh tế đem đến cho doanh nghiệp những bài toán về quản trị, cũng mang đến cho người lao động những cơ hội và thách thức về việc làm. Công việc hiện tại không phải là mãi mãi. Vị trí công việc của mình có thể được thay thế bởi dịch vụ bên ngoài, máy móc hoặc thậm chí biến mất do thị trường không cần nữa. Người lao động cần chấp nhận thực tế đó và luôn chuẩn bị cho mình một cơ hội nghề nghiệp khác.

Người lao động trong thời đại này nên xem bản thân như một “doanh nghiệp nhỏ”. “Doanh nghiệp” của mình cũng có những lúc khó khăn, lúc thuận lợi. Người lao động cần chuẩn bị khả năng thích nghi, sẵn sàng thử sức cùng một số kỹ năng cần thiết để bắt đầu một công việc mới. Cả người lao động và doanh nghiệp đều phải đối mặt với tình huống sẽ có những cánh cửa đóng lại và sẵn sàng đón cánh cửa mới mở ra, doanh nghiệp và người lao động sẽ tìm thấy cơ hội mới để phát triển.

Phan Thị Ngọc Thắng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới