(KTSG) - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không có ý nghĩa nhiều về sự thịnh vượng của một quốc gia, nên đã đến lúc phải bổ sung cho nó các chỉ số khác nhau để đo lường sự phát triển của con người và chất lượng môi trường, theo tạp chí Anh Nature.
- GDP năm 2022 tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022
- Forbes: GDP Việt Nam ấn tượng nhất thế giới trong 15 năm qua
Với tốc độ như hiện nay, thế giới sẽ khó đạt được hầu hết 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Liên hiệp quốc đặt ra nhằm bảo vệ môi trường, chấm dứt nghèo đói và sự bất bình đẳng vào năm 2030. Theo nhà kinh tế Pedro Conceição, tác giả chính của “Báo cáo Phát triển con người” của Liên hiệp quốc, thế giới đang đối mặt với “một loạt bất ổn mới”.
Chỉ số HDI được ủng hộ
Từ năm 2019, Chỉ số phát triển con người (HDI), kết hợp ba yếu tố: trình độ học vấn, thu nhập (tổng thu nhập ròng của quốc gia) và tuổi thọ con người, đã giảm (hai năm liên tiếp) tính từ khi được đưa ra vào năm 1990. “Tôi không nghĩ đây là một ngoại lệ, một sự bất thường. Điều này chắc chắn tương ứng với một thực tế mới”, Conceição nhận xét.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres thì lo lắng: “Chúng ta phải khẩn trương bảo vệ các SDG”.
Tạp chí Nature cho rằng, nếu ngừng sử dụng chỉ số GDP làm thước đo chính cho sự thịnh vượng, và bổ sung vào đó một bảng chỉ số liên quan đến SDG, đó sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong cách đo lường kinh tế kể từ khi GDP được sử dụng vào năm 1953.
“GDP chỉ cung cấp một phần của bức tranh, và không đầy đủ về các tiến bộ kinh tế” (Nhà kinh tế Mỹ Eli Fenichel)
Ngay từ năm 2008, Tổng thống Pháp hồi đó là ông Nicolas Sarkozy đã ủng hộ lời kêu gọi làm như trên của một nhóm các nhà kinh tế, trong đó có Amartya Sen và Joseph Stiglitz, những người đoạt giải Nobel kinh tế. Báo cáo của họ khuyến nghị bổ sung GDP bằng các công cụ đo lường phúc lợi - sức khỏe, môi trường, giáo dục, hoạt động phi thị trường,...
Hồi tháng 8-2022, Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch 15 năm với mục đích tạo ra một công cụ thống kê tổng hợp mới ghi nhận và cho thấy những thay đổi về tài nguyên thiên nhiên, tức của cải mà các nền kinh tế đều phải phụ thuộc, ảnh hưởng đến GDP của Mỹ như thế nào. Theo nhà kinh tế Eli Fenichel, thuộc Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng, ý tưởng này là nhằm giúp xã hội xác định liệu mức tiêu dùng ngày nay có phải trả giá bằng những gì thiên nhiên có thể cung cấp cho chúng ta vào ngày mai hay không.
Theo ông, “GDP chỉ cung cấp một phần của bức tranh, và không đầy đủ về các tiến bộ kinh tế”.
Nhưng, tạp chí Nature cho biết, từ 70 năm nay, GDP đã trở thành chỉ số chính đo lường tiến bộ kinh tế trên thế giới. Khi chính phủ và doanh nghiệp nói về kích thích tăng trưởng kinh tế, họ muốn nói đến việc thúc đẩy sao cho GDP tăng lên.
GDP là quy chiếu có ích, nhưng...
Nhưng GDP còn là điểm quy chiếu để các nước dựa vào đó so sánh với nhau. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP. GDP cũng có tầm quan trọng lớn đối với các nhà chính trị.
Rutger Hoekstra, một nhà nghiên cứu nghiên cứu các chỉ số bền vững tại Đại học Leiden, Hà Lan, tác giả của cuốn “Thay thế GDP vào năm 2030” cho rằng vấn đề với việc sử dụng GDP để ước tính sự thịnh vượng là nó không tính đến các chỉ số quan trọng không kém, nhưng đi theo hướng ngược lại.
Theo tạp chí Nature, mặc dù GDP toàn cầu đã tăng theo cấp số nhân kể từ Cách mạng công nghiệp, nhưng điều này lại xảy ra đồng thời với mức độ bất bình đẳng về thu nhập và của cải ngày càng cao. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Mahbub ul Haq, từng là nhà kinh tế trưởng của Pakistan, bình luận: “Chúng ta phải nhận ra rằng tăng trưởng kinh tế là một quá trình tàn bạo và bẩn thỉu”.
Để cải thiện GDP, các quốc gia buộc phải làm ngơ cho những hành vi có hại cho môi trường.
António Guterres từng viết: “Chúng ta càng đánh bắt nhiều, càng phá rừng, càng đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch thì lại càng làm cho GDP tăng. Thật quá vô lý, ngay cả khi chúng ta hủy hoại thiên nhiên, chúng ta vẫn ghi nhận sự gia tăng của cải!”.
Vào năm 1990, một nhóm các nhà kinh tế do Mahbub ul Haq và Amartya Sen đứng đầu đã nghĩ ra chỉ số HDI. Đó là sau khi họ phát hiện rằng, tốc độ tăng trưởng thường rất ấn tượng của đất nước họ (Pakistan) đã che giấu một thực tế nghiệt ngã hơn về chất lượng cuộc sống, đặc biệt là về tuổi thọ, giáo dục.
Carlos Manuel Rodríguez, cựu Bộ trưởng Môi trường của Costa Rica, cho biết ông đã thúc giục các đồng nghiệp phụ trách tài chính và kinh tế của đất nước tính đến tác động của phát triển kinh tế về nước, đất, rừng và cá. Tuy nhiên, các bộ trưởng lo ngại điều đó sẽ làm giảm GDP.
GDP xanh có dễ?
Ở Trung Quốc, vào năm 2006, các nhà hoạch định chính sách môi trường cũng phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi họ cố gắng thực hiện kế hoạch “GDP xanh”. Theo đó, các chính quyền địa phương phải đánh giá cho được chi phí kinh tế do ô nhiễm và thiệt hại môi trường gây ra, khấu trừ chúng khỏi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vic Li, nhà kinh tế chính trị tại Đại học Sư phạm Hồng Kông, nhận xét: “Họ hoảng sợ và dự án đã bị hủy bỏ”.
Vậy, liệu nỗ lực bổ sung GDP mới có khả năng thành công hay không?
António Guterres và các đồng nghiệp đề xuất cần tính đến từ 10 đến 20 chỉ số khác cộng vào GDP. Nhưng ý tưởng này không thành, bởi các quốc gia thấy rất thuận tiện khi chỉ dựa vào một chỉ số.
Theo tạp chí Nature, để khái niệm GDP có yếu tố môi trường được chấp nhận, tất cả quốc gia sẽ phải đồng thời tuân thủ cách tính mới. Về lý thuyết, chuyện này có thể được thực hiện vào lúc sửa đổi các quy tắc về GDP, được quy định trong Hệ thống Tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc với phiên bản mới nhất đưa ra vào năm 2008. Thường, đây là một sự kiện chỉ diễn ra hầu như 15 năm một lần.
Lần sửa đổi tiếp theo, tạp chí Nature cho biết, đang được tiến hành. Dự kiến nó sẽ kết thúc vào năm 2025. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi Ủy ban Thống kê Liên hiệp quốc, bao gồm cả những người đứng đầu cơ quan thống kê của các quốc gia khác nhau cùng Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.
Một số nhà thống kê quốc gia đang nghiên cứu cách đo lường mức độ hạnh phúc và tính bền vững. Họ cũng tìm cách cải thiện cách thức đánh giá sự đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số.
Các nhà kinh tế Diane Coyle và Annabel Manley thuộc Đại học Cambridge, Anh, tin rằng lĩnh vực công nghệ và dữ liệu có lẽ đang được định giá thấp trong các tài khoản quốc gia.
Tuy nhiên, theo nhà thống kê Peter van de Ven, không chắc rằng một số phần của việc đánh giá nền kinh tế kỹ thuật số, cũng như việc gán giá trị cho môi trường, được đưa vào công thức tính GDP sửa đổi. Đơn giản là vì các nhà thống kê quốc gia chưa thống nhất phương pháp định giá môi trường, cũng như cách ước tính giá trị của các dịch vụ kỹ thuật số.
Theo tạp chí Nature