(KTSG Online) - Sau khi tăng mạnh và liên tục, hiện tại giá phân bón đang giảm nhưng vẫn ở mức rất cao. Việc duy trì giá phân bón ở mức cao trong thời gian tới còn phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu trên thế giới.
- Giá phân bón giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng
- Phân Bón Cà Mau: Nỗ lực không ngừng, thay đổi phát triển
TTXVN đưa tin, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết giá phân bón năm 2021-2022 có mức tăng từ 1.000 đến 1.900 đồng/kg, tăng nhanh trong vòng 50 năm trở lại đây.
Theo khảo sát ở một số doanh nghiệp và đại lý phân bón, hiện giá phân bón u-rê Phú Mỹ ở ngưỡng 10.500 đồng/kg, phân SOP (kali sulphate) có giá 19.000 đồng/kg, giá phân DAP dao động từ 17.000 đến 25.500 đồng/kg tùy loại…
Với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón như trước, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới đã dồi dào nên giá phân bón cũng bắt đầu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, với đặc thù giá gas và giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất phân bón, nhiều chuyên gia phân bón và tài chính thế giới dự báo giá phân bón vẫn ở mức cao dù đã hạ nhiệt so với năm ngoái.
Cũng theo TTXVN, nguồn cung phân bón cho vụ đông xuân 2022-2023 đang vượt xa nhu cầu. Bốn nhà máy sản xuất phân đạm u-rê thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã sản xuất 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước ở ngưỡng 1,6 đến 1,8 triệu tấn/năm.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị 653/CT-BNN-BVTV về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao.
Theo đó, các doanh nghiệp chủ động tham gia liên kết sản xuất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, địa phương liên quan để hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Xây dựng mô hình hướng dẫn nông dân tham gia sản xuất, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Ngoài ra, chỉ thị cũng nêu rõ Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang đổi sang sử dụng phân bón lân vi sinh, phân hữu cơ. Việc này giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất chất lượng cao.