(KTSG Online) - Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới... Cùng với đó là xây dựng các hành lang kinh tế, hành lang ven biển, quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông được xây dựng để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng; xây đô thị hai bên bờ sông Hồng, thí điểm khu kinh tế biên giới Việt – Trung.
- Tạo sự đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng
- Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng
Theo Baochinhphu.vn, Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết xác định mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 của vùng đạt khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 55%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, chương trình hành động của Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền phổ biến thông tin, đặc biệt là hoàn thiện thể chế chính sách để đẩy mạnh liên kết vùng.
Trong đó, tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững gắn với việc phát triển các hành lang kinh tế: Bắc - Nam; Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đồng bộ, kết nối giữa các cực tăng trưởng trong vùng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nội vùng, liên vùng, các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến, hành lang kinh tế.
Kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng cũng sẽ được tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, gắn với các hành lang công nghiệp. Bao gồm: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Việt Trì qua thành phố Vĩnh Yên, Hà Nội - Lạng Sơn và vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Trong đó, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng. Hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với phát triển khu công nghiệp, khu đô thị - dịch vụ.
Lĩnh vực nông nghiệp sẽ trên cơ sở bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao. Gắn với đó là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại, khai thác hiệu quả các FTA, đầu tư logistics, hạ tầng hiện đại…
Theo TTXVN, Nghị quyết cũng tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại khu vực Đông Nam Á với Hà Nội là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại, là cửa ngõ ra biển, kết nối các tuyến hành lang, vành đai kinh tế.
Trong phát triển kinh tế biển, sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á. Đây sẽ là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Ninh.
Về hệ thống đô thị, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ tập trung phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng.
Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định gắn với phát triển kinh tế biển; chuỗi đô thị tại tỉnh Hưng Yên và Hà Nam gắn với hạ tầng y tế - giáo dục cấp vùng và giảm tải cho các đô thị lớn; chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics.