(KTSG Online) – Mới đây, khi “cơn sốt” sử dụng phần mềm trả lời tự động ChatGPT lan rộng trên toàn cầu, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được nhiều người Việt Nam biết đến hơn. Trên thực tế, AI là công nghệ đã được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Do AI được đánh giá là một trong những công nghệ quan trọng nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm AI.
- TPHCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cứu sống 48% bệnh nhân đột quỵ thoát khỏi tàn phế
- Góc nhìn lạc quan về chuyện ChatGPT thay thế con người
Công nghệ AI, trợ lý ảo hiện diện nhiều nơi
Cuối tháng 12 vừa qua, thành phố Thủ Đức đã công bố việc ứng dụng camera thông minh, tích hợp AI để quản lý an ninh trật tự trên địa bàn. Theo lãnh đạo thành phố này, với quy mô dân số hơn 1,2 triệu người Thủ Đức cần thực hiện nhiều biện pháp để giữ an ninh, trật tự. Hệ thống camera an ninh tích hợp công nghệ AI này sẽ hỗ trợ lực lượng chức năng theo dõi an ninh, truy vết tội phạm. Với khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện biển số xe, mô phỏng và dự đoán lộ trình di chuyển của phương tiện, camera AI được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an Thủ Đức khi thực thi nhiệm vụ trong thời gian tới.
Không chỉ ứng dụng camera AI, một số bệnh viện tại TP.HCM đã ứng dụng công nghệ AI để giúp xử lý hình ảnh trong hoạt động chụp chiếu x quang, xử lý dữ liệu... giúp nâng cao hiệu suất làm việc cho nhân viên y tế.
Ngoài ra rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đang ứng dụng các phần mềm trả lời tự động bằng tin nhắn hoặc giọng nói để giải đáp các thắc mắc đơn giản của khách hàng. Những thắc mắc phức tạp, chuyên sâu mới được chuyển đến các tổng đài viên...
AI không chỉ được ứng dụng ở những thành phố lớn hay đầu tàu kinh tế cả nước như TPHCM, nó còn được triển khai rộng rãi khắp cả nước. Tại tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh miền núi biên giới phía bắc, AI cũng đã được sử dụng hơn một năm nay với trợ lý ảo “iSee Lạng Sơn”. Đây là nền tảng trợ lý ảo ứng dụng AI hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này thực hiện các thủ tục hành chính công, dịch vụ công.
Để sử dụng trợ lý ảo này, người dùng tải ứng dụng trợ lý ảo này trên các kho ứng dụng CH Play và AppStore. Trợ lý ảo trên có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính công tại Lạng Sơn từ người truy vấn và cung cấp cho họ câu trả lời có liên quan. Dựa trên công nghệ AI, trợ lý ảo được nhập nhiều dữ liệu và đủ thông minh để tạo cuộc trò chuyện và cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi cụ thể. Với các câu hỏi phức tạp hơn mức có thể xử lý, trợ lý ảo sẽ phân luồng và chuyển câu hỏi đó cho các bộ phận chức năng.
Trợ lý ảo iSee Lạng Sơn đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hơn 12.000 câu hỏi phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến qua dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2022, đã có trên 34.000 lượt tương tác của người dân, doanh nghiệp với trợ lý ảo này.
So kè nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm AI
Tỉnh Lạng Sơn sử dụng phần mềm iSee Lạng Sơn do tập đoàn VNPT phát triển. Không chỉ cung cấp trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI cho Lạng Sơn, VNPT còn kí kết hợp tác với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước để cung cấp các giải pháp công nghệ phục vụ số hóa hoạt động của các tỉnh này. Ngoài giải pháp trợ lý ảo, VNPT còn phát triển và cung cấp giải pháp VNPT Smart Voice (nền tảng giọng nói thông minh) – giúp các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi văn bản thành giọng nói, cũng như như khả năng chuyển đổi ngược lại từ giọng nói thành văn bản. Đồng thời, VNPT Smart Voice hỗ trợ định danh cá nhân thông qua sinh trắc giọng nói giúp tăng cường bảo mật trong các giao dịch trực tuyến và sử dụng thiết bị.
Việc ứng dụng VNPT Smart Voice giúp góp phần tối ưu quy trình nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí và thời gian cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong các lĩnh vực như tổng đài tự động, Voicebot, bóc băng hội thoại, sách/báo nói, bài giảng điện tử, đọc hồ sơ bệnh án…
Còn sản phẩm VNPT Smartbot sử dụng công nghệ AI sẽ hỗ trợ chuyển đổi giọng nói thành văn bản và chuyển đổi văn bản thành giọng nói... giúp cho các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng...
VNPT là một trong những tập đoàn có những đầu tư khá lớn cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm AI để cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên tập đoàn này không tiết lộ con số đã đã đầu tư bao nhiêu tiền để nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ AI.
Trong khi đó, FPT cũng là một tập đoàn công nghệ đầu tư khá lớn cho phát triển các sản phẩm ứng dụng AI. Nói tại Techday 2022 được tổ chức mới đây, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT cho biết trong 3 năm tới tập đoàn này sẽ đầu tư ít nhất 300 tỉ cho công nghệ này.
Được biết trước đây FPT đã đầu tư khá lớn cho nghiên cứu và phát triển AI. Từ năm 2013, ngay khi AI còn là khái niệm rất mới ở Việt Nam, FPT đã đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp. Hiện hệ sinh thái AI của FPT có hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm.
FPT cũng đã ứng dụng AI vào nghiên cứu phát triển công nghệ thông minh cho xe hơi. Bộ sản phẩm NextDrive ứng dụng AI là trợ lái đắc lực đồng hành và cảnh báo các nguy hiểm, hỗ trợ, giảm thiểu nguy cơ, đảm bảo an toàn trong khi lái xe. Dựa trên công nghệ phân tích dữ liệu, NextDrive phân tích tình trạng của người lái thông qua độ tập trung, độ tỉnh táo, thói quen, dáng điệu và cảm xúc để cảnh báo ngay khi có bất thường. Hệ thống linh động tích hợp với nhiều loại phương tiện từ xe hơi, xe tải đến xe xây dựng và đã được nhiều hãng xe tích hợp vào sản phẩm của mình.
Được biết, FPT hiện có 3.000 kỹ sư công nghệ ô tô và đang có kế hoạch tuyển thêm 27.000 nhân sự trong mảng này trong vòng 3-5 năm tới.
Một gương mặt khác cũng đầu tư lớn cho phát triển các sản phẩm AI là Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Tập đoàn Vingroup). Tại sự kiện Ngày Trí tuệ nhân tạo 2022, GS.TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, cho biết nhằm hướng tới sự an toàn khi lái xe ô tô, VinAI đã nghiên cứu và ứng dụng thành công 2 sản phẩm hỗ trợ người lái xe, gồm hệ thống giám sát người lái và quan sát toàn cảnh 360 độ.
Chia sẻ lý do VinAI nghiên cứu các sản phẩm trên, ông Bùi Hải Hưng dẫn số liệu trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông, trong đó 60% nguyên nhân là do tài xế mất tập trung, 20% là do tài xế ngủ gật. Việc VinAI phát triển hệ thống giám sát người lái và công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích hành vi của tài xế nhằm hướng đến mục tiêu giúp giảm thiểu rủi ro trong giao thông do các hành vi thiếu tập trung của người lái gây ra.
Dựa trên công nghệ nhận diện khuôn mặt, giải pháp của VinAI sử dụng camera hồng ngoại và hệ thống cảm biến trên xe để nhận biết các trạng thái của người lái như buồn ngủ, mệt mỏi và những hành vi nguy hiểm khác như mất tập trung hay sử dụng điện thoại, nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo.
Nhằm giúp lái xe có được trải nghiệm dễ dàng và thuận tiện hơn, VinAI cũng phát triển tính năng điều chỉnh gương ô tô tự động thay vì phải điều chỉnh gương theo cách “thủ công” như các sản phẩm xe truyền thống.
Ngoài sản phẩm trên, VinAI còn phát triển hệ thống cung cấp cái nhìn toàn cảnh 360 độ với tầm nhìn từ trên xuống, từ phía sau, bên cạnh bánh xe, và chế độ xem 3D để hỗ trợ người lái khi di chuyển qua những con phố đông đúc, trên những con đường hẹp hoặc trong bãi đậu xe. Hệ thống này giúp người lái nhận thức đầy đủ về khung cảnh xung quanh xe và xác định các chướng ngại vật tại các điểm mù.
Các giải pháp trên hiện đã được tích hợp trên sản phẩm ô tô của VinFast sản xuất, và VinAI cũng mời chào cơ hội hợp tác cùng các hãng ô tô khác.
Đi vào hoạt động được 3 năm, VinAI hiện có nhiều nghiên cứu, sản phẩm đã đi vào quá trình phát triển. Doanh nghiệp này được tổ chức Thundermark Capital xếp hạng trong Top 20 công ty toàn cầu dẫn đầu trong hoạt động nghiên cứu về AI trong năm 2022.
VinAI không công bố khoản kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ AI. Tuy nhiên, để có được đội ngũ nhân sự lên đến hàng trăm chuyên gia và kỹ sư công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nguồn lực không nhỏ. Các nguồn tin không chính thống dự đoán khoản đầu tư cho hoạt động của VinAI trong 3 năm qua vào khoảng vài trăm đến cả ngàn tỉ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp lớn đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm AI, còn nhiều doanh nghiệp Việt khác tham gia phát triển các sản phẩm này. Mới đây công ty Global Care cũng đã ra mắt giải pháp công nghệ AI giám định xe cơ giới thông minh tại Việt Nam. Giải pháp này cho phép tích hợp linh hoạt vào các ứng dụng (application), trang web, nền tảng bán hàng của nhà bảo hiểm hoặc xây ứng dụng riêng cho nhà bảo hiểm.
Việc ứng dụng công nghệ giám định xe thông minh, sẽ mang đến cho nhà bảo hiểm nhiều lợi ích như giúp tiết giảm chi phí nguồn nhân lực tối đa; chụp ảnh và đánh giá tổn thất theo thời gian thực được dễ dàng thực hiện bởi bất kỳ ai với hướng dẫn của AI, việc này trước đây phải do chuyên viên giám định xe chụp ảnh, đánh giá, lưu trữ; phát hiện và ghi nhận các tổn thất; sẵn sàng cấp đơn bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi trên thiết bị di động trực tuyến.
Còn trong lĩnh vực sản xuất camera AI, cũng có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt như: Bkav, Viettel, VNPT, Hanet Technology... camera AI không chỉ được dùng trong lĩnh vực giao thông mà còn được nhiều hộ gia đình Việt sử dụng để cảnh báo người lạ vào nhà. Bởi camera AI có thể tự động nhận diện khuôn mặt và báo động cho chủ nhà khi có người lạ đột nhập.
Bắt đầu bàn thảo về khung pháp lý liên quan đến AI
Mới đây, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TPHCM cùng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng AI: thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Tại hội thảo trên, ông Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM cho rằng không thể quy định một đạo luật chung nhất điều chỉnh trách nhiệm pháp lý khi ứng dụng AI. Theo ông, trong mỗi lĩnh vực khác nhau, tùy theo mức độ ứng dụng khác nhau, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể khi ứng dụng AI là không giống nhau. Vì thế ông Dũng đề xuất, mỗi lĩnh vực cần xây dựng các quy định chuyên biệt để điều chỉnh trách nhiệm pháp lý liên quan tới AI.
Với sự phát triển khoa học công nghệ, pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước nói chung đang phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ liên quan đến trách nhiệm pháp lý phát sinh từ ứng dụng AI. Tất cả những vấn đề này chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật các quốc gia và Việt Nam. Từ đó khiến cho các hoạt động liên quan đến AI gặp khó khăn và dễ xảy ra nhiều bất cập.
Tại sự kiện Smart Banking 2022 diễn ra gần đây, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, cho biết hiện nay các ngân hàng tại Việt Nam đều đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ mới để tăng tính cạnh tranh. Do đó, AI đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của ngân hàng như chăm sóc khách hàng hay quản trị rủi ro, vận hành. Tuy nhiên, không ít bên vẫn còn tâm lý e dè và lo ngại các nguy cơ.
Ông Việt cho biết có ngân hàng rất thận trọng vì liên quan đến những vấn đề như dữ liệu để vận hành giải pháp AI sẽ xử lý thế nào, AI đóng vai trò là công cụ máy móc hỗ trợ con người, vậy ai là người chịu trách nhiệm chính...
Tuy nhiên, theo ông Việt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, trong khi người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ rất nhanh nhạy với những đổi mới công nghệ, việc chần chừ có thể khiến ngân hàng bỏ lỡ việc tiếp cận một tập khách hàng quan trọng. Vì vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính nên mạnh dạn thử nghiệm hơn nữa những công nghệ mới như AI và điện toán đám mây bởi còn rất nhiều tiềm năng chưa khai phá hết.