(KTSG Online) - TPHCM hiện có 311 đường trùng tên trải dài nhiều quận, huyện; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, nhiều tên đường đặt chưa phù hợp… Quá trình thay đổi tên, cập nhật và chỉnh sửa tên đường hiện cũng chưa có sự thống nhất ý kiến từ các ngành chức năng.
Tại hội thảo xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM vừa diễn ra, các ý kiến chuyên gia thống nhất đánh giá, hệ thống đường tại TPHCM là một mạng lưới đồ sộ, phủ chằng chịt khắp trên vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hóa.
Do lịch sử, nhiều đường được đặt tên từ thời Pháp, nhiều đường có tên trước năm 1975, một số đường được đặt tên vào những năm 1980, 1990 kéo theo đó là hệ thống tên đường rất phức tạp, khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.
TPHCM hiện có 311 đường trùng tên trải dài nhiều quận, huyện; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa; cùng với đó là những tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến…
Theo TTXVN, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển xác định tại khu vực trung tâm thành phố, tên đường đã ổn định, không phát sinh nhưng còn tình trạng tên đường sai, tên đường trùng gây khó khăn cho công tác quản lý; người dân, doanh nghiệp vận tải, chuyển phát hàng hóa cũng vất vả trong việc tìm kiếm, xác định địa chỉ.
Bên cạnh đó, nếu muốn đồng bộ hóa, thay đổi tên đường để tránh trùng lặp cũng gặp nhiều hạn chế, do thay đổi tên đường sẽ dẫn đến xáo trộn lớn về nhận diện địa danh, khu vực, chi phí biển số nhà, bảng biển hiệu kinh doanh gây thiệt hại cho người dân. Vì thế theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, hiện việc đổi tên cần hạn chế tối đa và ưu tiên đổi 38 tên đường không chính xác.
Việc nâng cao công tác quản lý tên đường, đưa ra các giải pháp hợp lý để quy hoạch, đặt tên đường và lập kế hoạch đổi, cập nhật gần 400 tên đường có sai sót, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển đã phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM đưa ra giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu WebGIS.
Việc ứng dụng công nghệ GIS vào hệ thống đường và công trình công cộng giúp công tác quản lý tên đường, công trình công cộng; việc công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại địa phương thuận lợi hơn.
Nếu áp dụng cơ sở dữ liệu WebGIS, các hội thảo, tọa đàm về lịch sử, văn hóa, bổ sung thông tin địa danh, tên đường sẽ được cập nhập liên tục, khoa học, đảm bảo ý kiến thống nhất, khách quan, tránh tình trạng đặt tên đường chưa phù hợp địa danh, đặt tên đường nhưng chưa thống nhất thông tin dữ liệu công bố.
Bản đồ nền sử dụng dự kiến cho hệ thống dự kiến được xây dựng từ bản đồ nền địa hình thành phố tỉ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000 theo hệ VN-2000 do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp để đảm bảo tính thống nhất, khả năng liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu GIS của thành phố. Từ đó, mỗi tên đường có một QR code cung cấp thông tin; mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng việc bổ sung tên các nhân vật lịch sử có công với đất nước và các nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của thành phố ở các thời kỳ.