(KTSG) - Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của TPHCM phải kể đến hai dự án sẽ tiến hành trong năm nay đang được kỳ vọng tạo những tác động tích cực cho thành phố.
- Đã phân bổ hơn 638.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023
- Sóng đầu tư công sẽ gọi tên doanh nghiệp nào?
Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài
Dự án cao tốc này nhằm thực hiện chủ trương liên thông đường bộ ASEAN từ TPHCM qua Campuchia, Lào, Trung Quốc và Thái Lan. TPHCM đã bố trí 6.000 tỉ đồng từ ngân sách và kỳ vọng nó sẽ tạo bước ngoặt lớn cho phát triển vùng đất phía Tây Bắc thành phố.
Còn nhớ cách nay khoảng 10 tháng, huyện Củ Chi trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và các nhà đầu tư khi báo chí đưa tin Củ Chi sẽ tiến thẳng lên thành phố. Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi do UBND TPHCM tổ chức ngày 12-4-2022 đã giới thiệu 55 dự án với tổng vốn dự kiến hơn 12 tỉ đô la Mỹ (tương đương hơn 285.000 tỉ đồng); trao 10 giấy phép đầu tư; ký 31 biên bản ghi nhớ với số tiền hàng trăm ngàn tỉ đồng… Đất đai lên giá, cò đất kéo về, người dân nôn nao, nhưng mọi chuyện lại mau chóng yên ắng trở lại. Từ đó đến nay, hầu như chưa có một nhà đầu tư nào thực sự “đổ bộ” vào Củ Chi. Tình hình này có thể còn kéo dài nếu vẫn chưa có những dự án đột phá hoặc những cú hích chiến lược.
Một điểm nghẽn cho đầu tư vào Củ Chi chính là hạ tầng giao thông. Dù tình hình giao thông hiện đã tốt hơn 10 năm trước nhưng vẫn chưa đủ. Trục đường chiến lược Xuyên Á từ trung tâm thành phố đến Củ Chi chỉ chừng 35 ki lô mét nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, nếu vào giờ cao điểm thì có thể lên đến 3 giờ đồng hồ. Do vậy, cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đi ngang qua Củ Chi sẽ có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Dự án cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm
Dự án nạo vét - cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, dài 8,2 ki lô mét) có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.700 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2028.
Từ hiệu quả dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đó, người dân thành phố nói chung đã không còn nghi ngờ gì về hiệu quả của dự án rạch Xuyên Tâm. So với dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hồi 1993, việc thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm hiện nay thuận lợi hơn gấp nhiều lần khi đã có đủ vốn và kinh nghiệm; trình độ và kỹ thuật thi công đã nâng cao; người dân đã nhận thức đầy đủ và hợp tác tốt hơn.
Dự án được hoàn thành sẽ giúp khai thông hệ thống kênh rạch thoát nước tự nhiên, góp phần giải quyết tình trạng ngập nước mưa và triều cường cho khu vực Đông Bắc thành phố. Cùng với đó là việc hình thành hai trục giao thông dọc theo tuyến kênh, giảm tải cho khu vực trung tâm và lân cận. Dự án cũng sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường cho cả khu vực rộng lớn, trả lại các con kênh xanh sạch, tạo vi khí hậu làm giảm nhiệt độ khu vực, thiết lập cảnh quan sạch đẹp hơn… Nếu việc nạo vét kênh đủ độ sâu và cải tạo các cây cầu đủ độ tĩnh không thì còn có thể đưa vào khai thác giao thông đường thủy, khai thác du lịch và hình thành hệ thống dịch vụ thương mại, thể thao dọc theo tuyến kênh.
Dự án đang được kỳ vọng thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội cho hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Nếu tính toán tốt còn có thể góp phần phục hồi một Sài Gòn - thành phố sông nước…
Nhớ dòng kênh xanh xanh, những trưa hè cho giấc ngủ ta yên lành. Sài Gòn sóng nước hữu tình sẽ trở lại và còn lợi hại hơn xưa!