(KTSG Online) - UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất các phương án nắn chỉnh một số đoạn của tuyến Vành đai 4 để giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giúp tiết kiệm khoảng 4.000 tỉ đồng và giảm ảnh hưởng đến 699 hộ dân.
- Trình dự án Vành đai 4 TPHCM vào cuối năm 2023
- Giá đất bồi thường dự án đường vành đai 3 có thể lên đến 40 triệu đồng/m2
Theo Cổng thông tin UBND TPHCM, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án liên quan đến việc triển khai tuyến Vành đai 4 theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, phương án một, tuyến này gần như đi trùng quy hoạch, dài hơn 17 km, phạm vi giải tỏa gần 155 héc-ta. Theo phương án này, tổng mức đầu tư dự án gần 17.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng lên đến hơn 10.600 tỉ đồng còn lại là xây lắp.
Với phương án hai, dự kiến đoạn đầu tuyến dài khoảng 9,7 km sẽ nắn chỉnh về phía Nam, tránh đường Bàu Lách và Nguyễn Thị Rành. Gần 4km tiếp theo cũng nắn lại để tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo. Theo phương án này, kinh phí đầu tư giảm còn khoảng 13.800 tỉ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng là hơn 6.900 tỉ đồng.
Với phương án ba, tuyến nắn chỉnh sẽ khoảng 14,1km về phía Nam để tránh các đường hiện hữu, tổng kinh phí khoảng 13.600 tỉ đồng. Trong đó, phần bồi thường chiếm gần 6.700 tỉ đồng. Cách này được Sở Giao thông Vận tải TPHCM đánh giá là khả thi vì tuyến đi thẳng, ngắn, chi phí đầu tư thấp hơn các hướng còn lại.
Theo đó, phương án ba cũng hạn chế ảnh hưởng đến người dân vì chỉ di dời khoảng 481 căn nhà và công trình, trong khi phương án một cần giải tỏa 1.150 trường hợp, còn phương án hai cần giải tỏa 486 trường hợp.
TTXVN đưa tin, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Công điện số 57/CĐ-TTg phân công giải quyết vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo việc triển khai các dự án giao thông cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư để giảm khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.
Tuyến Vành đai 4 dài gần 200km đi qua TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại TPHCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè.
Trong năm nay, dự án đường tuyến Vành đai 4 sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào quí 4-2024. Dự kiến, công trình cơ bản sẽ hoàn thành năm 2027 và khai thác 1 năm sau đó.
Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ và sân bay. Đặc biệt, tuyến đường kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.