Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng hiệu ứng ‘khối ngoại’ cải thiện dòng tiền chứng khoán

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiệu ứng "khối ngoại" đã xuất hiện rõ ràng hơn trong tuần qua khi thị trường được dự báo sẽ có thêm dòng tiền từ các quỹ đầu tư ngoại, trở thành bệ đỡ quan trọng cho chỉ số VN-Index và giải toả tâm lý căng thẳng cho các nhà đầu tư.

Thông tin tích cực từ khối ngoại sẽ hỗ trợ dòng tiền chứng khoán trong nước đang "ảm đạm". Ảnh: L.V

Khối ngoại trở lại mua ròng

Tin tức về dòng tiền khối ngoại đang trở thành bệ đỡ tâm lý quan trọng thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. Suốt tuần qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân tỏ ra hào hứng trước thông tin quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF huy động vốn bổ sung đợt 5 là khoảng 160 triệu đô la Mỹ, tương ứng với hơn 3.800 tỉ đồng.

Nói nôm na là khi có thêm tiền, quỹ này sẽ giải ngân mua thêm cổ phiếu có trong danh mục, thị giá từ đó kỳ vọng tiếp tục tăng. "Trong bối cảnh dòng tiền yếu như hiện này thì số tiền giải ngân này sẽ rất đáng kể, là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong thời gian tới”, một môi giới có 10 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán bình luận với KTSG Online.

Việc quỹ ETF lớn thứ hai thị trường Việt Nam về giá trị tài sản ròng huy động thêm tiền và giải ngân cũng được xem là tin tức tích cực chung cho cả thị trường. Danh mục của Fubon tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, từ đó sẽ góp phần nâng đỡ chỉ số chung, cũng như tạo lực cầu cổ phiếu tích cực trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, quỹ này cũng từng nhiều lần huy động thêm vốn để mua vào khi thị trường ở trong trạng thái bi quan và tiêu cực, lần gần nhất là đợt mua ròng của khối ngoại hồi tháng 11 năm ngoái, khi chỉ số VN-Index tạo mức đáy của năm.

Tất nhiên, tín hiệu từ khối ngoại chỉ là một trong số các thông tin tích cực giúp thúc đẩy thị trường VNI-Index trong tuần qua, bên cạnh câu chuyện Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp hay Trung Quốc mở cửa thị trường du lịch.

Dù vậy, dòng tiền thực tế từ các quỹ ETF hiện được kỳ vọng sẽ giải ngân ngay trong tháng 3, sẽ giúp thị trường sôi động trở lại, đồng thời cũng là bệ đỡ quan trọng cho thị trường, ít nhất là về mặt tâm lý cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Các báo cáo mới đây cũng dự kiến dòng tiền khối ngoại chuyển động tích cực hơn. Bên cạnh Fubon, quỹ V.N.M ETF có thể mua khoảng 2.300 tỉ đồng (tương ứng 20% giá trị tài sản ròng hiện tại) trong thời gian tới, theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect mới đây.

“Tổng cộng, chúng tôi ước tính dòng tiền khoảng 6.100 tỉ đồng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tuần tới, và có thể chấm dứt hoạt động bán ròng của khối ngoại”, báo cáo của VNDirect nhận định.

Tính riêng trong tuần qua, nhóm tổ chức nước ngoài mua ròng hơn 900 tỉ đồng, ngược lại là nhóm nhà đâu tư cá nhân và tổ chức trong nước lại bán ròng. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset, nhóm quỹ mở huy động ròng khoảng 7,9 triệu đô la, tương ứng khoảng 186 tỉ đồng. Trong đó nhóm quỹ Hàn quốc huy động ròng 10,3 triệu đô la, nhưng VFM VN Diamond rút ròng khoảng 1,1 triệu đô la.

Còn trong tháng 2, theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 48.419 tỉ đồng, chiếm hơn 12,08% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 571,8 tỉ đồng.

Tháng 2 cũng ghi nhận tình trạng các nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại mua ròng trong khi tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng sau khi tích lũy cổ phiếu trong 3 tháng trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng bất động sản nhiều nhất (tập trung vào VHM, DXG và KDH), nhóm công ty đa ngành và tiêu dùng thiết yếu. Ở chiều ngược lại, nhóm này mua ròng tài chính và năng lượng.

Tuy nhiên, nếu tính lũy kế 2 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 2.100 tỉ đồng trên HOSE, nhờ đã mua đáng kể trong tháng 1. Nếu loại trừ việc thoái vốn của Ngân hàng Sumitomo khỏi Ngân hàng Eximbank thì con số mua ròng trong tháng 1 là khoảng hơn 300 triệu đô la. Tuy nhiên theo hãng tin Bloomberg mới đây, VPBank có thể bán 15% cổ phần Sumitomo Mitsui vào cuối tháng 3 với giá trị thương vụ ước tính khoảng 1,4 tỉ đô la. Đây cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường nói chung.

Giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên thị trường và dòng vốn ròng của các quỹ ETF ngoại trong giai đoạn qua.

Thị trường sẽ hồi phục ngắn hạn?

Thống kê cho thấy khối ngoại mua ròng 4 phiên liên tiếp trong tuần qua, kết thúc chuỗi dài bán ròng trước đó. Chỉ số VN-Index tăng 2,8%, lên mức 1.053,0 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-INDEX kết tuần 1,5%, chỉ số UPCoM-Index tăng 1,3%. Tâm lý tích cực giúp hầu hết các ngành nghề đều tăng điểm, tập trung vào hai lĩnh vực chính là ngân hàng và bất động sản.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường chủ yếu đi ngang trong vùng 1.000-1.120 điểm. Sau khi dòng tiền khối ngoại mua ròng thúc đẩy vào cuối năm ngoái, thị trường đi xuống vì câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp với tâm lý giao dịch tiêu cực.

Dù vậy, một điểm đáng chú ý trong tuần qua là sức cầu đang trở lại, thanh khoản thị trường hồi phục đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn tăng 13,4%, lên mức 9.912 tỉ đồng mỗi phiên (trong đó có phần đóng góp không nhỏ của khối ngoại khi mua ròng 915 tỉ đồng trên sàn HOSE).

Hầu hết nhận định của các nhóm phân tích đều cho rằng chỉ số sẽ hồi phục trở lại trong ngắn hạn.

Theo công ty chứng khoán VNDirect, trong tuần này thông tin hỗ trợ quan trọng cho thị trường sẽ đến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs ngoại, cũng như như hoạt động giải ngân của quỹ Fubonsau khi gọi vốn thành công.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng dòng vốn ngoại sẽ mua ròng mạnh mẽ trong tuần tới và là yếu tố giữ nhịp cho thị trường. Trong bối cảnh đó, chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng phục hồi và hướng tới vùng cản cũ quanh 1.070-1.080 điểm”, báo cáo VNDirect nhận định.

Còn theo Công ty chứng khoán SSI, xét về mặt kỹ thuật, trong tuần qua chỉ số VN-Index giữ vững thành công ngưỡng tâm lý 1.050 điểm, đi cùng đó là khối lượng giao dịch tích cực cho thấy trạng thái tích cực của lực cầu trong ngắn hạn.

“Trong các phiên tới, cung chốt lời có thể xuất hiện đan xen, tạo ra các nhịp rung lắc cho chỉ số. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền khối ngoại cũng như ETF đang giao dịch tích cực, nhiều khả năng đà hồi phục vẫn có thể duy trì trong ngắn hạn”, báo cáo của SSI nhận định.

Dù vậy, thách thức thị trường chứng khoán hiện vẫn còn lớn nếu nhìn từ thông tin quốc tế. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây phát tín hiệu có thể nâng mức tăng lãi suất cao hơn dự kiến trong kỳ họp tháng 3, hoặc thông tin tiêu cực mới đây về việc ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ) sụp đổ. Đây sẽ là áp lực cho thị trường chung và là thử thách tâm lý không nhỏ với các nhà đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới