Thứ Năm, 22/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất về sở hữu chung cư có thời hạn

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để có thể xây dựng lại những chung cư cũ, xuống cấp, đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân và văn minh đô thị, Chính phủ muốn quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Nhưng tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý vì cho rằng đã can thiệp quyền sở hữu tài sản của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở sửa đổi – Ảnh: Quochoi.vn

Theo Quochoi.vn, tiếp tục Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền Thủ tướng đọc tờ trình dự thảo luật, trong đó có đề xuất đang được dư luận quan tâm là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, niên hạn nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn về vấn đề này, ông Nghị giải trình, dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt…

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhà ở là tài sản lớn của người dân, quyền sở hữu của người dân sẽ không được xác lập, phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý khi kiểm định nhà chung cư.

Nên nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, quy định như vậy sẽ dẫn tới mất cân đối cung cầu nhà ở, người dân tăng mua đất thay vì mua chung cư và giá nhà đất có thể tăng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, dự thảo luật đang đưa ra cách tiếp cận mới để khắc phục vướng mắc trong xử lý, phá dỡ chung cư cũ, hạn chế sự phụ thuộc vào chủ sở hữu. Nhưng dự luật chưa làm rõ, phân tách việc xây dựng nhà chung cư trên đất giao sử dụng vĩnh viễn và có thời hạn, tương ứng là quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu. Vì thế, Chính phủ cần làm rõ, rà soát bản chất của vướng mắc cải tạo, phá dỡ chung cư cũ có phải do quy định về sở hữu hay không…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến nhân dân, đã đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nhưng cần có quy định cụ thể việc Nhà nước có quyền quyết định, trách nhiệm di dời, phá dỡ, cải tạo chung cư không an toàn vì lý do bất khả kháng như thiên tại, hỏa hoạn, hoặc xuống cấp nguy hiểm.

Như vậy, Chính phủ vẫn có quyền trình Quốc hội phương án của mình. Trường hợp Chính phủ có quan điểm riêng, có thể trình 2 phương án (phương án của Chính phủ và phương án theo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm để các đại biểu Quốc hội thảo luận, lựa chọn để đảm bảo tính dân chủ, khách quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên quy định thời hạn nhà chung cư nhưng Nhà nước có quyền quyết định, trách nhiệm di dời, phá dỡ, cải tạo chung cư không an toàn vì lý do bất khả kháng như thiên tại, hỏa hoạn, hoặc xuống cấp nguy hiểm – Ảnh: TL

1 BÌNH LUẬN

  1. Nên có luật quy định trách nhiệm các nhà làm luật khi đưa ra những đề xuất mang tính “bàn giấy”, tránh tình trạng đưa ra những “đề xuất”, “dự thảo” vô tội vạ theo kiểu được đâu hay đấy, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới