(KTSG Online) - Các nhà quản lý quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư lớn khác nhận định vẫn còn quá sớm để nắm rõ đầy đủ bức tranh hỗn loạn trong ngành tài chính toàn cầu hiện nay, ngay cả khi giới chức trách nhanh chóng tiến hành các vụ giải cứu ngân hàng những ngày gần đây.
- UBS mua Credit Suisse với giá hơn 3 tỉ đô la trong thương vụ giải cứu lịch sử
- Ứng phó hỗn loạn, các ngân hàng trung ương tăng cường dòng chảy đô la
Giao dịch hỗn loạn
Trong hai tuần qua, tại Mỹ, hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature đã sụp đổ và các tổ chức tài lớn nhất ở Phố Wall đồng ý gửi 30 tỉ đô la vào First Republic Bank, một ngân hàng khác khu vực kháx đang gặp bất ổn. Tại Thụy Sĩ, Credit Suisse (CS) được giải cứu sau khi đồng ý sáp nhập vào UBS, ngân hàng lớn nhất nước.
Michael A. Rosen, Giám đốc đầu tư của Công ty tư vấn Angeles Investments, có trụ sở tại Santa Monica (Mỹ), nhận định thỏa thuận sáp nhập UBS-CS giúp loại bỏ một nguồn bất ổn tiềm ẩn. Nhưng ông cho rằng các vấn đề cơ bản gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, chủ yếu là chính sách thắt chặt tiền tệ, vẫn tồn tại.
“Vì vậy, có thể một lỗ thủng trên tường đã được bịt lại, nhưng nước đang dâng cao”, ông ví von.
Trong cuộc trò chuyện với Reuters, nhiều nhà quản lý quỹ yêu cầu giấu tên vì chính sách của công ty họ không cho phép họ tiết lộ chiến lược giao dịch với truyền thông.
Một nhà quản lý quỹ phòng hộ mô tả giao dịch mua bán cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính đang trở nên hỗn loạn khi giới đầu tư mất phương hướng vì không chắc chắn về diễn biến tiếp theo trong những căng thẳng kịch tính của ngành ngân hàng.
Một số nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm khi UBS giải cứu CS. Nhưng những nhà đầu tư khác lo ngại con số 3,2 tỉ đô la mà UBS trả để thâu tóm CS thấp hơn hơn nhiều so với mức vốn hóa 9,5 tỉ đô la của nhà băng này vào cuối tuần trước. Một nhà đầu tư cho biết thị trường có thể không xem thương vụ này là một điều tích cực.
Các nhà quản lý quỹ phòng hộ khác liên tục cập nhật và bình luận về vụ giải cứu ngân hàng CS trên mạng xã hội.
Viết trên Twitter, Daniel Loeb, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý quỹ phòng hộ Third Point (Mỹ), đánh giá thương vụ UBS mua CS sẽ là điều tích cực cho hệ thống tài chính vì giúp bảo toàn cấu trúc vốn.
Trong khi đó, Jim Chanos, nhà quản lý đầu tư nổi tiếng của Mỹ chỉ trích thương vụ này vì Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) yêu cầu bút toán xóa bỏ toàn bộ giá trị hơn 17 tỉ đô la trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1 bonds) của CS để củng cố vốn của nhà băng này. Đây là một loại trái phiếu chuyển đổi có lợi suất cao nhưng chủ sở hữu thường sẽ chịu tổn thương đầu tiên khi ngân hàng gặp vấn đề.
Không mạo hiểm “bắt dao rơi”
Giới đầu tư cũng không chắc chắn sẽ hành động ra sao đối với cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ hơn ở Mỹ, bao gồm First Republic Bank (FRB). Giá cổ phiếu của nhà băng đã giảm 33% vào hôm 17-3, một ngày sau khi nhóm ngân hàng lớn nhất của Mỹ dẫn đầu là JPMorgan Chase bơm 30 tỉ đô la tiền gửi vào FRB thông qua sự hậu thuẫn của Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Cũng giống như SVB, FRB bị khách hàng rút tiền ồ ạt , dẫn đến rủi ro thanh khoản. FRB là một trong ba ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao nhất ở Mỹ.
Hôm 19-3, hãng xếp tín dụng S&P Global hạ bậc tín nhiệm của FRB lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, từ BB+ xuống B+. Theo S&P Global, gói tiền gửi giải cứu 30 tỉ đô la có thể không giải quyết được các vấn đề thanh khoản của FRB.
Hãng xếp hạng tín dụng này nhận định lượng tiền gửi mới bơm vào chỉ có thể làm dịu áp lực thanh khoản trong ngắn hạn, chứ không giải quyết được những thách thức đáng kể về kinh doanh, thanh khoản, cấp vốn và lợi nhuận mà FRB có thể phải đối mặt trong dài hạn.
“Tình hình của nhóm ngân hàng khu vực không dễ giải quyết”, một nhà quản lý đầu tư chuyên phân bổ vốn của khách hàng giàu vào các quỹ phòng hộ, nói.
Giá cổ phiếu FRB giảm nhanh khiến nhiều nhà đầu tư vội vã bắt đáy khi có tin nhà băng này được bơm tiền giải cứu. Nhưng hành động của họ chẳng khác nào bắt “dao đang rơi” Sau khi tăng giá 10% hôm 16-3, cổ phiếu FRB bị bán tháo ngay trong phiên giao dịch kế tiếp với mức giảm gần 33%.
Một số nhà quản lý quỹ cho rằng sẽ nguy hiểm nếu đặt cược cổ phiếu ngành tài chính giảm sâu hơn nữa trong bối cảnh các ngân hàng nhanh chóng được giải cứu.
Họ lưu ý nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể liên kết với nhau và hỗ trợ đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng như FRB. Một nhà quản lý quản lý nói: “FRB có thể dễ dàng trở thành cổ phiếu meme, vì vậy, ít ai dám bán khống ở đây”. Cổ phiếu meme là cổ phiếu của những công ty gặp khó khăn, có giá đang giảm sâu, được nhà đầu tư nhỏ lẻ hô hào mua vào trên các diễn đàn trực tuyến.
Các nhà đầu tư đã bán khống cổ phiếu FRB ở mức 190 triệu đô la, tương đương khoảng 3% vốn hóa thả nổi của ngân hàng này, theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu S3 Partners. Những người bán khống cổ phiếu FRB đã kiếm được lợi nhuận 537 triệu đô la trong năm nay, trong đó, có 62 triệu đô la chỉ riêng trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Giới đầu tư dự báo các cơ quan quản lý liên bang của Mỹ sẽ áp đặt các quy tắc mới cho các ngân hàng khu vực để thắt chặt tiêu chuẩn cho vay hoặc buộc họ huy động thêm vốn. Một số nhà đầu tư lo ngại mua cổ phiếu của các ngân hàng này sau khi giá giảm sâu có thể là quyết định sai lầm. Lý do là hoạt động cho vay của họ có thể bị thu hẹp trong tương lai khi chịu sự quản lý chặt chẽ hơn.
Nhà đầu tư Ricky Sandler, người điều hành quỹ phòng hộ Eminence Capital, suy đoán một ngân hàng đầu tư lớn có thể quan tâm đến việc thâu tóm FRB vì đây là nhà băng phục vụ các khách hàng giàu có.
Chỉ số Ngân hàng KBW, theo dõi cổ phiếu các nhà băng hàng đầu của Mỹ , giảm 11,12% vào tuần trước, báo hiệu rằng tình trạng hỗn loạn hơn nữa ở phía trước.
Một số nhà đầu tư, bao gồm một quỹ tương hỗ lớn ở Mỹ, lưu ý triển vọng đối với ngành ngân hàng ngày càng trở nên tệ hơn trong những tháng gần đây do triển vọng kinh tế u ám.
Một lãnh đạo cấp cao của quỹ này nói: “Hồi năm ngoái, khi bắt đầu dự đoán đất nước sẽ rơi vào suy thoái, chúng tôi đã hạn chế tiếp xúc với cổ phiếu ngân hàng. Giờ đây, đó dường như là quyết định đúng đắn”.
Theo Reuters