Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe điện Trung Quốc dự báo gây khó cho các thương hiệu xe hơi Nhật Bản

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khi quá trình chuyển đổi sang xe điện đang  tăng tốc, những “người khổng lồ” xe hơi Nhật Bản đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ những công ty mới nổi về xe điện như Tesla của Mỹ và  BYD của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, 1 trong 4 xe tiêu thụ năm ngoái là xe điện. Doanh số xe điện ở đất nước đông dân nhất thế giới được dự báo sẽ tăng lên 9 triệu vào năm 2023, đạt mức thâm nhập thị trường là 35%.

bZ3, mẫu xe điện mới nhất của Toyota dành cho thị trường Trung Quốc ra mắt vào ngày 6-3 với giá khởi điểm 169.800 nhân dân tệ (24.500 đô la). Ảnh: Getty

Trong thế giới ô tô chạy xăng, các nhà sản xuất Nhật Bản là vua. Toyota giữ danh hiệu công ty xe hơi số 1 thế giới trong ba năm qua, trong khi Honda và Nissan vẫn là những hãng bán chạy nhất toàn cầu. Nhưng tại Trung Quốc, doanh số của Honda và Nissan giảm trong hai năm qua, còn doanh số của Toyota giảm lần đầu tiên sau một thập niên vào năm ngoái. Tinh trạng thiếu chip, đóng cửa vì Covid-19 và những khó khăn trong chuỗi cung ứng góp phần khiến doanh số của các thương hiệu Nhật Bản suy giảm. Nhưng một vấn đề đang nổi lên là ba ‘ông lớn’ xe hơi này thiếu các các dòng xe điện hấp dẫn.

Thị trường Trung Quốc báo trước một tương lai khi những người khổng lồ xe hơi Nhật Bản “rớt đài” và điều này có khả năng sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện sản xuất ô tô toàn cầu. Theo Bloomberg Intelligence, Tesla là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới về lượng xe bán ra, tiếp theo là các hãng gồm BYD của Trung Quốc và Volkswagen của Đức. Không có nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nào lọt vào top 20 về doanh số xe điện, khiến họ dường như đứng bên lề của một lĩnh vực phát triển nhanh nhất của ngành công nghiệp ô tô.

Yale Zhang, Gián đốc điều hành của Công ty tư vấn Automotive Foresight, có trụ sở tại Thượng Hải, nói: “Nếu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tiếp tục cách tiếp cận thận trọng và thiếu quyết đoán đối với chiến lược xe điện, viễn cảnh họ thất bại trên thị trường toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Tại Trung Quốc, ô tô Nhật Bản chủ yếu được sản xuất và bán thông qua liên doanh với các đối tác địa phương. Tập đoàn ô tô Quảng Châu có quan hệ đối tác với Toyota và Honda, trong khi Tập đoàn ô tô Dongfeng, được nhà nước hậu thuẫn, liên doanh với Honda và Nissan.

Các liên doanh này từ lâu nổi trội với các dòng xe chạy xăng đáng tin cậy, giữ giá tốt trong phân khúc tầm trung, có giá bán từ 100.000 -300.000 nhân dân tệ (14.000 -43.000 đô la Mỹ). Mẫu sedan nhỏ gọn Sylphy của Nissan, Corolla của Toyota và Civic của Honda được mệnh danh ở Trung Quốc là “ba chàng lính ngự lâm” của những chiếc xe hơi phổ biến của Nhật Bản. Sylphy là mẫu xe bán chạy thứ hai tại Trung Quốc vào năm ngoái, với số lượng giao 393.500 chiếc, còn Coralla đứng thứ 10 với 191.610 chiếc.

Nhưng bắt đầu từ năm 2020, khi sự gia nhập của Tesla thúc đẩy thị trường xe điện của Trung Quốc, bộ ba thương hiệu xe hơi Nhật Bản bị chèn ép ở cả hai đầu thị trường. Tesla và các hãng xe điện trong nước như Nio và Xpeng bắt đầu xâm nhập vào phân khúc cao cấp nhất, trong khi những chiếc xe điện bình dân như Hongguang Mini EV của General Motors và các đối tác Trung Quốc được những người mua xe lần đầu ưa chuộng và là mẫu bán chạy nhất năm 2022.

Giờ đây, BYD đang khẳng định vị thế đối với phân khúc xe tầm trung, nơi các công ty Nhật Bản đang ngự trị, với một loạt các mẫu xe điện như crossover SUV Song PLUS, có giá khởi điểm từ 140.000 nhân dân tệ. Mẫu xe này và các mẫu xe phổ biến khác đã đưa BYD trở thành thương hiệu nội địa bán chạy nhất vào năm 2022, với hơn 1,85 triệu xe được tiêu thụ.

Yang Jing, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, nói: “Các liên doanh của Nhật Bản ở Trung Quốc chắc chắn đang cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn. Một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã công bố những bước tiến lớn trong nỗ lực điều chỉnh lại chiến lược của họ. Lý do là quá trình điện hóa của thị trường ô tô Trung Quốc diễn ra nhanh hơn họ mong đợi”,  bà nói.

Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, cho rằng các hãng xe Nhật Bản nên quảng bá tốt hơn các dòng xe hybrid (xe lai vừa chạy xăng vừa chạy pin) của họ để giành lợi thế ở Trung Quốc.

“Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội tăng trưởng cho các thương hiệu xe hơi Nhật Bản tại Trung Quốc”, ông nói.

Dù vậy, tháng trước, Nissan hạ mục tiêu doanh số xe điện tại Trung Quốc xuống còn 35% doanh số bán hàng từ mức 40% cho năm tài chính 2026. Trong khi đó, hãng đặt kế hoạch 98% doanh số ở châu Âu sẽ là xe hybrid hoặc xe thuần điện vào cùng năm.

Người phát ngôn của Honda cho biết các đối thủ Trung Quốc có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong mua sắm chip và các linh kiện khác, đồng thời cho rằng doanh số của Toyota giảm ở Trung Quốc  là "vấn đề sản xuất" chứ không phải xe của hãng không thu hút người tiêu dùng Trung Quốc.

Toyota đang nỗ lực chạy theo xu hướng xe điện ở Trung Quốc. bZ3, mẫu xe điện mới nhất của Toyota dành cho thị trường Trung Quốc, được sản xuất với sự hợp tác của BYD (cung cấp pin).

Xe ra mắt vào ngày 6-3 với giá khởi điểm 169.800 nhân dân tệ (24.500 đô la). Bên cạnh đó,  Toyota có 10 mẫu hybrid và 4 mẫu thuần điện đang bán tại nước này. Toyota vẫn kỳ vọng đạt được sự tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc dù có lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung.

Theo Bloomberg

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu quan sát thì họ chiếm hoàn toàn mảng Hybrid, bỏ rơi mảng xe điện vì họ hiểu pin là cội rễ của rắc rối khi qua 3 năm sử dụng xe, nhường mảng điện cho TQ. Với lại, họ làm xe hybrid và có thị trường cách đây 15 năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới