Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Fed tăng thêm lãi suất, nhấn mạnh mối lo lạm phát

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau hai ngày họp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 4,75-5%, cao nhất kể từ tháng 9-2007 khi lãi suất của Mỹ ở mức đỉnh trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với quyết định tăng lãi suất này, Fed ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát hơn mối lo khủng hoảng ngân hàng.

Chủ tịch Fed Jay Powell phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Fed ở Washington, DC, hôm 22-3. Ảnh: Getty

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington D.C. hôm 22-3, chưa đầy hai tuần sau vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Jay Powell nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Người đứng đầu Fed cảnh báo có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến ​​nếu cần. Ông cũng cho biết các quan chức Fed không kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, ngay cả khi thị trường trái phiếu cho thấy giới đầu tư tin vào kịch bản đó.

Với quyết định tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp, các quan chức Fed dường như đánh giá rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, dù có thể sẽ làm chậm nền kinh tế, sẽ không bùng lên thành một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn. Họ tin rằng các tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản cao hơn của ngành ngân hàng, cũng như phản ứng can thiệp mạnh mẽ của giới chức trách sẽ giúp ngăn chặn rủi ro khủng hoảng lây lan.

Nhà kinh tế trưởng Jay Bryson của ngân hàng Wells Fargo nói: “Họ (các quan chức Fed) nghĩ rằng họ có sẵn các công cụ để ngăn chặn cơn hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng. Chắc chắn có rủi ro rằng đây có thể là một quyết định sai”.

Nhận định về quyết định tăng lãi suất của Fed, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics viết trong một báo cáo: “Các quan chức Fed đã cân nhắc ưu và nhược điểm của hai sự lựa chọn là chờ đợi (dừng tăng lãi suất) và tiếp tục tăng lãi suất. Rốt cục, họ đã chọn vế thứ hai, Điều đó báo hiệu cam kết vô điều kiện đối nhiệm vụ ổn định giá cả của Fed. Chúng tôi nghĩ rằng họ đã quyết định đúng”.

Hồi đầu tháng 3, ông Powell cảnh báo Fed có thể tăng lãi suất mạnh hơn mức 0,25 điểm phần trăm. Nhưng khủng hoảng ngân hàng đã làm phức tạp thêm các tính toán lãi suất của Fed vì tốc độ thắt chặt tiền tệ của Fed đã góp phần gây ra các vấn đề về thanh khoản của các ngân hàng.

Cú sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank ở Mỹ cũng như các vấn đề về vốn tại Credit Suisse (Thụy Sĩ) và First Republic Bank (Mỹ) làm dấy lên lo ngại về tình trạng của ngành.

Trong khi các ngân hàng lớn có nguồn vốn mạnh, các tổ chức tài chính nhỏ hơn phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thanh khoản khi lãi suất tăng nhanh khiến các khoản đầu tư trái phiếu dài hạn mất giá trị. Chẳng hạn, SVB đã phải bán lỗ trái phiếu, gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin.

Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Powell ghi nhận tốc độ của các sự kiện liên qua đến ngân hàng SVB diễn ra rất nhanh. Vào thời điểm đó, Fed đã khẩn cấp triển khai chương trình cho vay hỗ trợ thanh khoản mới dành cho các ngân hàng để giúp hạn chế sự lây lan từ cú sụp đổ của SVB.

Powell nhiều lần lưu ý đến sự không chắc chắn về tác động lan tỏa từ các vấn đề của ngành ngân hàng đối với hoạt động cho vay. Ông nói: “Có thể điều này sẽ có những tác động khiêm tốn đối với nền kinh tế và lạm phát sẽ tiếp tục mạnh”. Trong kịch bản đó, Fed có thể tăng lãi suất vượt quá biên độ 5-5,25%

Powell cũng cho rằng có thể việc các ngân hàng giảm cho vay sẽ góp phần làm giảm tiêu dùng và nhu cầu. “Điều đó có nghĩa là chính sách tiền tệ có thể có ít việc phải làm hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, những phát biểu của vị chủ tịch Fed không đề cập đến kịch bản thứ ba: tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu gia tăng trong bối cảnh hệ thống tài chính vốn mong manh, có thể gây ra tình trạng vỡ nợ ở các khoản khoản vay của các hộ gia đình, làm gia tăng căng thẳng cho các ngân hàng.

James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng của ngân hàng ING, cho rằng chu thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 40 năm của Fed sẽ làm gia tăng căng thẳng tài chính và kinh tế.

Chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt kéo dài suốt năm qua một phần là do Fed đã không chủ động tăng lãi suất sớm để ngăn chặn lạm phát khi tốc độ tăng giá cả bắt đầu tăng nhanh vào năm 2021. Đến năm ngoái, lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Báo cáo lạm phát hai tháng đầu năm vẫn nóng, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 và tháng 2 lần lượt tăng 6,4% và 6%.

Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ với tốc độ tuyển dụng chóng mặt, tạo ra thêm  800.000 việc làm trong hai tháng đầu tiên của năm nay.

Phản ứng với quyết định tăng lãi suất cũng Fed, giới đầu tư bán tháo cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,63%, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 1,64% và 1,6%.

Theo Bloomberg, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới