Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất trước áp lực ‘xanh hóa’ hoặc mất khách hàng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Yêu cầu về "xanh hóa" quy trình sản xuất và sản phẩm không chỉ được đặt ra bởi khách hàng ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... mà còn bởi người tiêu dùng ngay tại thị trường nội địa. Do đó, để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển, doanh nghiệp không cách nào khác phải đi theo con đường sản xuất bền vững.

Trên hành trình "xanh hóa" ấy, doanh nghiệp, nhà sản xuất gặp không ít thách thức, đến từ những hạn chế về hạ tầng sản xuất, nguồn vốn, nguyên phụ liệu...

Đa số các nhà gia công, sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu đều nhận yêu cầu xanh hóa sản phẩm và trong sản xuất từ các nhãn hàng. Ảnh minh họa: Vinatex

Người tiêu dùng ngày càng chú trọng yếu tố bền vững

Hơn 2 năm nay, thói quen sử dụng các vật dụng, sản phẩm xanh đã trở nên quen thuộc với chị Thu Nga (quận Phú Nhuận, TPHCM). Rau quả hữu cơ, sữa dùng ống hút giấy và sữa được sản xuất xanh, tuần hoàn. Trong khi đó, túi đựng đồ có nguyên liệu thân thiện hoặc phải phân hủy được thay vì túi nylon; giỏ hàng đi chợ, đi siêu thị của chị thì đầy ắp các sản phẩm “xanh", thân thiện với môi trường...

Chị Thu Nga không phải là người tiêu dùng hiếm hoi trong nước đang dần thực hiện lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm...

Khảo sát của Ban tổ chức Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) 2023 gần đây cũng cho thấy thị trường hàng tiêu dùng trong nước đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng,...

"Người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh),… Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh”, “sạch” và có tính bền vững, ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay", khảo sát của HVNCLC 2023 chỉ ra.

Có thể thấy yêu cầu "xanh hóa" sản phẩm và trong sản xuất có xuất phát từ các quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... và đang lan tỏa đến những nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới với nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang ngày một xấu… nên hầu hết các báo cáo, nghiên cứu… đều nhận định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Các xu hướng đó sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai. Cùng với đó, là “Thói quen tiêu dùng” đã thay đổi lớn sau đại dịch.

Là một trong số 519 doanh nghiệp được vinh danh HVNCLC 2023 mới đây, ông Đặng Chiến Thắng, Giám đốc kinh doanh công ty sản xuất đèn led chiếu sáng Vinaled, cũng cho biết trong lần bình chọn của năm 2023, người tiêu dùng dành nhiều quan tâm đến yếu tố xanh, sản phẩm không gây hại môi trường, bảo vệ sức khỏe. Và đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong các sản phẩm sản xuất của Vinaled.

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm không biến đổi gen,… vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường… Người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh.

Đây là lý do mà hàng trăm nhãn hàng trên thế giới thuộc nhiều ngành nghề như dệt may, da giày,... liên tục đặt ra yêu cầu xanh với sản phẩm và trong cả quá trình sản xuất.

“Thực tế chứng minh rất rõ, doanh nghiệp nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh càng ngày càng tốt hơn trên thương trường, cho nên xanh cũng trở thành động lực cho các doanh nghiệp", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý, và bà cho rằng: "Doanh nghiệp muốn tồn tại, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì phải xanh hóa, phải là doanh nghiệp xanh, nếu không thì không thể tồn tại phát triển được”.

Muốn tồn tại phải sản xuất xanh

Trên thực tế xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may, da giày... Việt Nam, đang chuyển sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.

TH là trang trại đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sang chăn nuôi để sản xuất sữa tươi TH true milk organic theo tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh minh họa: DNCC

Đơn cử như ngành dệt may, trong năm vừa qua, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ. Đây là ngành đóng góp lớn vào kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội thu hút hơn 2,5 triệu lao động.

Thông tin tại Triển lãm Quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 diễn ra ở TPHCM mới đây, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI chi nhánh TPHCM), cho biết lĩnh vực này đang đối mặt với vấn đề liên quan tới phát triển bền vững. Các quốc gia nhập khẩu hàng trên thế giới dần yêu cầu sản phẩm Việt Nam đáp ứng trách nhiệm xã hội, sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên thấp nhất.

“Không phải chỉ là yếu tố giá cả hay chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm đã qua sử dụng, thải ra môi trường vẫn có thể tái chế được, đây mới là yêu cầu mà phát triển bền vững đang đặt ra”, ông Nam lưu ý.

Tại hội nghị Ngày truyền thống Dệt may Việt Nam được tổ chức chiều 24-3 tại TPHCM, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Chủ nhiệm Uỷ ban Phát triển bền vững của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp hội viên cần tuân thủ những quy tắc của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường. Theo ông Tùng, đây là một trong những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng đều phải cam kết.

"Muốn tồn tại, yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp là cần phải thích ứng để thay đổi nhằm phát triển bền vững và đi xa hơn nữa”, ông Tùng nói và cho rằng, việc phát triển theo hướng “xanh hóa” không chỉ đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của các nhãn hàng đề ra mà bản thân doanh nghiệp hoạt động cũng có trách nhiệm hơn với xã hội và có trách nhiệm với thế hệ sau này.

Trên thực tế, chỉ riêng ngành thời trang, Uniqlo, Zara, H&M, Puma, Nike… cùng với hàng trăm nhãn hàng thời trang khác trên thế giới cam kết sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng xanh đăng tăng của người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sống. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức với các nhà cung cấp trên thế giới, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng thực tế cho thấy, việc các nhà máy tuân thủ sản xuất bền vững không chỉ gia tăng được đơn hàng mà còn hoạt động hiệu quả, tiết kiệm được chi phí hơn như giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm nước…

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng đang dần khắt khe hơn trong sự lựa chọn của mình. Đáng chú ý, sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao.

Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn của người tiêu dùng. Thực phẩm sạch, an toàn và được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình hướng đến,...

"Thời gian qua chúng ta mải mê chạy theo tăng trưởng, nhiều khi không quan tâm đầy đủ đến môi trường, làm môi trường của chúng ta bị hủy hoại đi quá nhiều. Bây giờ cái giá để khôi phục môi trường lớn hơn rất nhiều so với lợi ích chúng ta đã đạt được", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Cũng theo bà Lan, bắt tay vào làm bây giờ là trễ, nhưng chưa phải là quá trễ. "Nếu không bắt tay vào làm bây giờ để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam thì có thể nói là điều mà các thế hệ sau sẽ không thể tha thứ được cho các thế hệ ngày nay đâu, cho nên là chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ", bà chuyên gia kinh tế lưu ý.

Những thách thức và giải pháp

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang được xem là vấn đề cấp bách của thế giới, xu hướng sản xuất chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” đã và đang trở thành xu thế toàn cầu.
Xanh hóa sản xuất góp phần hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Tuy nhiên, trên hành trình "xanh hóa" ấy, các doanh nghiệp Việt gặp nhiều rào cản trong việc chuyển đổi và phát triển sản xuất xanh.
Đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng về sản xuất xanh, giảm thiểu sử dụng năng lượng, nước, thải carbon... Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Một số doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực dệt may, da giày,... đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vì nguồn tài chính còn hạn chế. Một số ý kiến cho rằng, để cải thiện hiện trạng sản xuất của doanh nghiệp, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, thì rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính, các nhãn hàng dệt may, da giày…

Theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn còn khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy, đầu tư hệ thống nước thải… Trong khi đó, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh còn chưa nhiều.

Bởi lẽ các loại vải từ nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường thường có nguồn gốc tự nhiên, nên cần công nghệ xử lý tiên tiến để đảm bảo giữ được các tính năng vốn có của sợi. Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ...

Còn bà Anastacia Howe, Trưởng điều hành Chương trình Môi trường khu vực Viễn đông châu Á của nhãn hãng H&M, cho biết các nhà cung cấp của nhãn hàng gặp một số thách thức về sản xuất bền vững, trong đó đáng chú ý là sẽ không sử dụng nhiên liệu than vào năm 2025 và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.

“Mục tiêu này được cho là tham vọng, nhưng đầy thách thức. Bởi các nhà cung ứng còn rất ngần ngại, không dùng than thì dùng những nhiên liệu nào thay thế, sử dụng năng lượng tái tạo nào, và liệu có đáp ứng được, hoặc có đủ vốn, nguồn lực để chuyển đổi”, bà Anastacia Howe đặt câu hỏi.

Sự trăn trở của vị đại diện H&M cũng là nỗi lo của hầu hết doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của nhiều ngành nghề khác hiện nay. Bởi lẽ muốn sản phẩm xanh thì cần có hạ tầng sản xuất xanh, trong khi nhiều khu công nghiệp thì chưa sẵn sàng về điều này.

Chẳng hạn như về năng lượng, phần lớn điện năng cho sản xuất công nghiệp dựa vào nguồn điện than và thủy điện; nguồn điện tái tạo rất thấp. Hay khâu xử lý nước thải công nghiệp để tái sử dụng lại được thì doanh nghiệp sản xuất phải tự đầu tư. Trong khi, theo chia sẻ của một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu ở Đồng Nai, đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải này lên đến vài triệu đô la thì những doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể với tới.

Là địa phương đang thí điểm triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại KCN Hòa Khánh và đã bước sang giai đoạn 2, đại diện quản lý KCN thành phố Đã Nẵng cho biết trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuần hoàn chất thải trong các doanh nghiệp; nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế, các thủ tục, giấy tờ còn nhiều khó khăn…

Ngoài ra, các nhà sản xuất còn đang gặp áp lực từ các nhà nhập khẩu như nhà máy xanh, môi trường làm việc và ăn ở của công nhân, giảm khí phát thải và chất thải độc hại... Rất nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế và tự phân hủy sau 5-10 năm…

Liên quan đến nguyên phụ liệu xanh, theo chia sẻ của bà Mandy Châu, Giám đốc Telileo, khoảng 10 năm thành lập doanh nghiệp kết nối thương hiệu thời trang châu Âu với đơn vị gia công tại Việt Nam, phải đến gần đây mới tìm được một vài nhà cung cấp sợi vải "xanh" tại Việt Nam, dù nhu cầu rất lớn.

Trên thực tế, ông Dave Quách, nhà sáng lập Bảo Lân Textile, cũng thừa nhận rất khó khăn trong khâu chào bán sản phẩm suốt những năm đầu tiên sản xuất các sợi vải thân thiện với môi trường. "Doanh nghiệp dệt may thường ngại thử nghiệm, đặc biệt những loại vải được coi là thân thiện với môi trường thường có mức giá cao", ông Dave Quách chia sẻ.

Tương tự với sản phẩm rau quả hữu cơ, thay vì thuốc trừ sâu tổng hợp, người trồng trọt phải chịu thêm chi phí canh tác tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại... Thêm vào đó, thời gian và công sức dành riêng cho nuôi trồng, vận chuyển và phân phối thực phẩm hữu cơ cũng không hề đơn giản. Chính vì vậy, người bán phải tăng giá để bù đắp phần vốn đã bỏ ra.

Lợi nhuận là động cơ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, và phát triển bền vững đòi hỏi phải có cách thức đúng đắn để tạo ra lợi nhuận.

Các doanh nghiệp giờ chỉ có hai lựa chọn: một là phải xanh hóa và phải chấp nhận thay đổi, hai là đứng nhìn đơn hàng, khách hàng đi nơi khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới