Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Đau đầu’ tìm cách đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cộng đồng doanh nghiệp tại một số tỉnh phía Nam đã gửi văn bản đến nhiều cơ quan quản lý nhằm tìm lối thoát trong việc đáp ứng các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) - đã được thay đổi nhiều lần trong vòng một năm rưỡi qua.

Trong ảnh minh họa là Đoàn công tác của Quốc hội giám sát công tác PCCC tại Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau vào tháng 4-2019. Ảnh: TTXVN

Quy định về PCCC liên tục thay đổi

Đại diện một chi hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai than thở: “Có công ty nộp hồ sơ thiết kế xây dựng đến nay đã hơn 7 tháng mà vẫn không được Phòng Cảnh sát PCCC cấp tỉnh  phê duyệt bản vẽ thiết kế xây dựng PCCC của đơn vị, không có văn bản phản hồi cho công ty, cũng không biết  nguyên nhân tại sao lại không được chấp thuận”. Do một số thành viên thuộc chi hội đều gặp phải vấn đề này nên đại diện chi hội đã gửi văn bản đến nhiều cơ quan để tìm hướng hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán về đáp ứng quy định PCCC. Từ đó, doanh nghiệp có thể tuân thủ đúng quy định an toàn phòng cháy trong xây dựng nhà xưởng, an tâm hoạt động sản xuất.

Một doanh nghiệp tại Bình Dương kể vào năm 2022, công ty xây dựng thêm kho chứa hàng 3 tầng và văn phòng. Theo đó, phần PCCC đã được thẩm duyệt, thi công xong và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị PCCC theo yêu cầu nhưng khi nộp hồ sơ để nghiệm thu PCCC thì không được chấp thuận do vướng thủ tục (không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép tại khu vực nhà kho ở tầng 3), trong khi đó quy định này do cơ quan nhà nước thực hiện. Do vướng kiểm định sơn chống cháy cho kèo thép mà các khu vực còn lại của kho chứa hàng và văn phòng mới xây của công ty đều không được nghiệm thu PCCC. Doanh nghiệp rất muốn được nghiệm thu toàn bộ những phần không liên quan đến kèo thép và đến khi nào có hướng dẫn rõ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy thì công ty sẽ thực hiện bổ sung hồ sơ nghiệm thu cho khu vực chờ kiểm định kèo thép (nhà kho ở tầng 3).

Doanh nghiệp cho biết, trong các quy định mới ban hành nhất có những yếu tố được coi là điều kiện kinh doanh doanh của doanh nghiệp để đăng ký về PCCC nhưng đơn vị không có cách nào đáp ứng được, ví dụ như yêu cầu dùng sơn chống cháy nêu trên. Lý do là trên thị trường chưa có loại sơn nào được cấp giấy xác nhận về chống cháy. Doanh nghiệp được yêu cầu thay thế bằng vật liệu chống cháy khác nhưng chi phí cao và rất hiếm trên thị trường.

Trong vòng một năm rưỡi, từ giữa 2021 đến nay đã có 3 văn bản quy phạm pháp luật quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khác nhau trong PCCC, thay thế lẫn nhau. Ví dụ, Nghị định 136/20220 hướng dẫn Luật PCCC và Luật PCCC sửa đổi, Nghị định 144/2021 (có hiệu lực đầu năm 2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, PCCC hay Thông tư 01/2020-TT-Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:20202 về an toàn cho nhà và công trình…

Các quy định liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc điều chỉnh, chuyển đổi các điều kiện để đáp ứng, lại không có các hướng dẫn chuyển tiếp nên doanh nghiệp đầu tư theo quy định cũ giờ khi thẩm định nghiệm thu lại bị “trói” bởi quy định mới, và không giải quyết được tình hình… Thậm chí, nhiều quy định không phân biệt theo quy mô, diện tích, áp như nhau nên doanh nghiệp xây dựng theo diện tích to hay nhỏ đều phải tuân thủ.

Quy chuẩn 06 về an toàn của Việt Nam cao nhất thế giới?

Một đại diện của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam (đề nghị không nêu tên) nêu quan điểm quy chuẩn quốc gia 06 (QCVN 06/2020) mà Bộ Xây dựng ban hành còn cao hơn cả quy chuẩn ở Mỹ, có thể là đặt ra các tiêu chuẩn cao nhất thế giới nên cần rà soát lại. Ông nêu ý kiến về một số quy định bất cập, như "nhà trên 20 tầng có một tầng lánh nạn". Trong hướng dẫn có một quy định là tầng được sử dụng cho các chức năng công cộng nhưng không nêu chi tiết là chức năng gì nên các doanh nghiệp cũng không dám làm gì ở tầng này.

Liên quan đến việc thẩm định các vật liệu PCCC, công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy đòi hỏi tiêu chuẩn EI70. Tuy nhiên, hoạt động kiểm định lẽ ra nên theo hướng cấp chứng nhận cho nơi nhập khẩu cửa thép thì lại theo hướng kiểm định theo từng công trình, và việc này có thể gây lãng phí về chi phí và thời gian.

Trước những đề xuất của doanh nghiệp, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có phản hồi rằng: Về vật liệu PCCC như cửa chống cháy… trước đây là đối tượng chịu kiểm định theo Nghị định 163 hướng dẫn về PCCC. Tuy nhiên, sau khi có Thông tư số 163 của Bộ Công an ban hành tiêu chuẩn thì chỉ kiểm định một mẫu và đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm. Phía cơ quan công an không kiểm định theo công trình. Những vướng mắc trong Nghị định 136 đang được sửa đổi, sẽ chỉ kiểm định phương tiện PCCC. Còn vật liệu, cấu kiện và các vấn đề khác thì kiểm định từ giấy tờ (nếu vật liệu nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đủ điểu kiện).

Quy chuẩn về an toàn QC06/2020 trong thời gian qua đã thay đổi hai lần, do đó liên bộ Công an và Xây dựng vẫn tiếp tục rà soát để sửa đổi các quy định có liên quan.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp tại Đồng Nai hay Bình Dương nêu trên, trong quá trình xây dựng đã thuê tư vấn về thiết kế PCCC chưa đúng nên quá trình phê duyệt gặp khó khăn và đến nay các bên chưa có phương án để giải quyết. Câu chuyện về đáp ứng điều kiện PCCC của doanh nghiệp, có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới