(KTSG Online) – Các biến số gồm sự đóng băng của thị trường bất động sản dẫn tới nhu cầu thị trường thấp, giá điện tăng và Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu có thể làm giảm khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thép của Việt Nam trong ngắn hạn.
- Giá thép tăng 1 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp thép đối mặt với thua lỗ
- Ngành thép trước ngưỡng cửa chu kỳ mới
Trải qua nửa cuối năm 2022 với kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp ngành thép đều đặt kế hoạch có lãi trở lại, dựa trên giả định thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua.
“Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua” là nhận định được ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đưa ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 diễn ra cách đây ít ngày. Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) doanh nghiệp đã trình và được các cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu đạt 150.000 tỉ đồng - tăng 6% so với thực hiện năm trước, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỉ đồng - giảm 5%.
Với nhận định tương tự, HĐQT Thép Nam Kim dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với tổng doanh thu đạt 20.000 tỉ đồng - tăng 13,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỉ đồng - trong khi năm trước lỗ 106,91 tỉ đồng. Kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở tổng sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 940.000 tấn.
Bên cạnh hai doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC đặt kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 20.350 tỉ đồng - giảm 12,2%, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỉ đồng - trong khi năm trước lỗ 651,8 tỉ đồng.
“Đáy khó khăn” với ngành thép đã qua, nhưng bản thân các doanh nghiệp và giới chuyên gia đều nhận định 2023 vẫn là năm nhiều thách thức, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đến từ các biến số, gồm: kết quả tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản; tiến trình giải ngân vốn đầu tư công trong nước; thị trường xuất khẩu là EU và Mỹ; biến động giá nguyên vật liệu và giá thép đầu ra; biến động tỷ giá - lãi suất.
Thiếu ‘lực đẩy’ từ bất động sản và đầu tư công
Bà Nguyễn Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, cho biết thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng không tốt đến mức tiêu thụ thép trên toàn thị trường trong bối cảnh 60% sản lượng thép bán ra được dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long cho biết thép là ngành phụ thuộc vào thị trường bất động sản và chính sách đầu tư công của Chính phủ. Nhưng hiện "mọi thứ đều đang rất chậm".
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hoà Phát chỉ đạt 586.000 tấn - giảm 29%, tổng sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC và thép dẹt đạt 877.000 tấn - giảm 34%.
Sự chậm lại của thị trường khiến kết quả kinh doanh tháng 1, 2-2023 của Hòa Phát đều là con số âm, nhưng mức lỗ thấp hơn dự báo của ban điều hành, theo ông Trần Đình Long. Với tháng 3, hoạt động đã khả quan hơn, nhưng ông Long chia sẻ con số chi tiết mà chỉ hẹn sẽ thông báo số liệu cụ thể vào cuối tháng 4.
Còn HĐQT Thép Nam Kim dự báo thị trường năm nay sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng do rủi ro về lạm phát tăng cao, khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nội địa sẽ khó khởi sắc khi các dự án bất động sản dự kiến tiếp tục chìm trong khó khăn trong bối cảnh lãi suất neo giữ ở mức cao.
Thực tế, lĩnh vực bất động sản đã rơi vào khó khăn gần một năm nay với số doanh nghiệp phá sản tăng 40%. Những doanh nghiệp bất động sản lớn cũng liên tục gửi văn bản "kêu cứu" và thực hiện nhiều giải pháp như thu hẹp quy mô, giảm nhân sự, dừng hoặc bán bớt dự án để tồn tại.
Còn thị trường bất động sản phải đối mặt với một số vướng mắc lớn về vốn, pháp lý liên quan tới đất đai, phát triển nhà ở xã hội, thông tin xử lý sai phạm với một số doanh nghiệp.
Thực tế, khó khăn về vốn với lĩnh vực bất động sản phần nào được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 về quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn về dòng tiền trong ngắn hạn do chịu tác động của nợ vay, vốn huy động từ trái phiếu, cũng như nhu cầu sụt giảm. Do đó, sản lượng tiêu thụ của ngành thép vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong quý 2-2023.
Về lĩnh vực đầu tư công, ước giải ngân vốn đầu tư năm 2023 từ đầu năm đến hết tháng 3 là 73.192,092 tỉ đồng, đạt 9,69% kế hoạch vốn cả năm và 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân dẫn tới kết quả trên, theo Bộ Tài chính, do nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Bên cạnh đó, nhiều dự án có vốn nước ngoài chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Với bối cảnh trạng ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa và khó khăn của lĩnh vực bất động sản, KBSV cho rằng các doanh nghiệp như Hoà Phát, Hoa Sen, Nam Kim sẽ gặp khó khăn về sản lượng tiêu thụ do nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản.
Còn bà Nguyễn Thị Khánh Hiền dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến chỉ đạt mức 9,5 triệu tấn - giảm 9,2% so với năm trước, dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới.
“Trong bối cảnh khó khăn, những doanh nghiệp có thể linh hoạt dịch chuyển về mặt công nghệ, hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu ‘thép Xanh’ sẽ có lợi thế”, bà Hiền dự báo.
Rủi ro từ thị trường Trung Quốc
Bên cạnh rủi ro từ nhu cầu yếu tại thị trường trong nước, việc Trung Quốc dự kiến gia tăng sản lượng xuất khẩu nhằm giảm sản lượng thép dư thừa cũng gây sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu thép của nước này trong tháng 2-2023 tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022, qua đó đạt mức cao nhất từ năm 2017. Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng thép Trung Quốc xuất khẩu đạt 12,2 triệu tấn, tăng 49% và là mức cao nhất trong cùng giai đoạn các năm từ 2018 tới 2022.
Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng việc các nhà sản xuất thép Trung Quốc gia tăng tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu để bù đắp cho sự suy giảm sản lượng nội địa khi chính thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng băng từ năm 2021 tới nay sẽ là rủi ro với ngành thép Việt Nam.
Bối cảnh này khiến sự cạnh tranh xuất khẩu giữa các quốc gia càng trở nên khốc liệt, bởi theo MASVN, mục tiêu chính của các quốc gia châu Âu và Mỹ xoay quanh việc giảm áp lực lạm phát.
Đơn vị này dự báo sản lượng thép toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 1,78 tỉ tấn - giảm 5% so với năm 2022, trước khi hồi phục nhẹ lên mức 1,86 tỉ tấn vào năm 2024 – tăng 4%. Sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam dự kiến chỉ đạt 5,07 triệu tấn năm 2023 - giảm 16%, trước khi hồi phục lên mức 5,512 triệu tấn vào năm 2024 – tăng 10%.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, cho biết trước đây Việt Nam từng xuất khẩu lượng thép lớn sang Trung Quốc vì nhu cầu của thị trường này rất lớn. Nhưng nhu cầu hiện tại của thị trường này đã chững lại do ngành bất động sản có vấn đề.
“Để giải quyết khó khăn, họ quay lại xuất khẩu, gây sức ép với thị trường thép thế giới. Điều này khiến việc xuất khẩu thép của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc sẽ khó hơn", ông Dương nói bên lề cuộc họp ĐHĐCĐ của Hoà Phát.
Bổ sung, ông Trần Đình Long cho biết việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép thời gian qua sẽ tạo áp lực lớn và cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.
"Trung Quốc chiếm tới trên một nửa sản lượng thép trên thế giới, do đó sức ép của họ với xuất khẩu rất lớn. Ngoài ra, ngành thép trong nước cũng phát triển những năm qua với nhiều dự án thép mới rục rịch triển khai, nên cạnh tranh trong nước cũng ngày một tăng", ông Long nói.
Ngoài các rủi ro trên, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng các doanh nghiệp ngành thép còn đối diện 4 yếu tố khó khăn, gồm: chi phí tài chính cao do lãi suất vẫn neo mức cao; nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức khi ngành thép phải chuyển đổi, tăng hàm lượng xanh khi xuất khẩu sang Mỹ, EU; chi phí sản sản xuất cao khi giá điện tăng; rủi ro từ chính sách phỏng vệ thương mại của các nước.