Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các quỹ tài sản Mỹ nhắm đến chứng khoán nước ngoài

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lo ngại lãi suất cao và rủi ro suy thoái ảnh hưởng đến triển vọng chứng khoán ở Phố Wall, các nhà quản lý quỹ tài sản của Mỹ đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế.

Các nhà giao dịch theo dõi bảng điện ở Sàn giao dịch chứng khoán New York. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ số S&P 500 của Phố Wall trong bốn quí liên tiếp. Ảnh: Getty

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng vượt trội so với hầu hết các thị trường phát triển và mới nổi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, nhưng xu hướng này bắt đầu đảo ngược vào năm ngoái.

Chỉ số Stoxx 600, đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ số S&P 500 của Phố Wall trong bốn quí liên tiếp. Đây là khoảng thời gian tăng trưởng vượt trội dài nhất của chỉ Stoxx 600 kể từ năm 2008. Chứng khoán châu Âu giảm vào giữa năm ngoái, nhưng mức tổn thất nhẹ hơn ở Mỹ. Giờ đây, các nhà quản lý tài sản ở Mỹ bắt đầu nhận thấy rằng họ cần đa dạng hóa bằng cách đầu tư nhiều hơn vào chứng khoán nước ngoài.

Rob Sharps, Giám đốc điều hành của T. Rowe Price, quỹ đang quản lý 1,3 nghìn tỉ đô la, nói: “Chúng tôi tập trung lớn vào không gian vốn cổ phần ở Mỹ nhưng thị phần của chúng tôi ở đây đang giảm dần”. Ông cho biết T. Rowe đang tìm cơ hội đầu tư vào mảng thu nhập cố định và chứng khoán toàn cầu.

Viện Đầu tư BlackRock, cơ quan nghiên cứu của quỹ tài sản lớn nhất toàn cầu BlackRock (Mỹ), dự báo thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ hoạt động kém hiệu suất hơn so với cổ phiếu ở các thị trường mới nổi, châu Âu và Trung Quốc trong những thập niên tới.

Trong khi đó, PineBridge Investments, công ty quản lý tài sản trị giá 143 tỉ đô la, có trụ sở ở New York, đang áp dụng lập trường thận trọng hơn đối với chứng khoán Mỹ nói chung. Công ty này cho rằng mức định giá hiện nay của doanh nghiệp Mỹ còn quá cao. Trong khi đó, triển vọng suy thoái kinh tế đang tăng lên do các ngân hàng thắt chặt tín dụng sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). PineBridge Investments đánh giá tích cực hơn hơn với các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, giới đầu tư đã rút 34 tỉ đô la từ các quỹ đầu tư chứng khoán của Mỹ trong năm nay. Ngược lại, các quỹ đầu tư chứng khoán châu Âu đón nhận ​​10 tỉ đô la dòng vốn chảy vào. Mỹ vẫn là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường của chỉ số S&P 500 đang mức 34 nghìn tỉ đô la, so với chỉ dưới 10 nghìn tỉ euro của chỉ số Stoxx 600. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự khác biệt trong cấu trúc thị trường đang khuyến khích các quỹ đầu tư của Mỹ nhắm đến thị trường chứng khoán nước ngoài. Lợi nhuận vượt trội của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ thống trị trong thập niên qua. Song giờ đây, với lãi suất ở mức cao, sức hấp dẫn về tăng trưởng trong dài hạn của các tập đoàn này đang suy giảm.

Ngược lại, các chỉ số chứng khoán của châu Âu tập trung nhiều hơn vào các ngành như dịch vụ tài chính và hàng hóa, ít bị ảnh hưởng do lãi suất cao. Đồng thời, một mùa đông ấm áp đã giúp nền kinh tế châu Âu chống đỡ các khó khăn tốt hơn so với dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế. Châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái.

Tại châu Á, gần 16 tỉ đô la chảy vào các quỹ đầu tư chứng khoán của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách “zero Covid” và tái mở cửa nền kinh tế. Quyết định đó cũng hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, vốn phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức cao hơn so với Mỹ.

Theo EPFR, Trung Quốc chiếm gần một nửa trong tổng số 34 tỉ đô la vốn đầu tư chảy vào các thị trường mới nổi trong năm nay. Frank Brochin, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại The Colony Group, một công ty quản lý của tài sản của Mỹ, cho biết ở một mức độ nào đó, giới đầu tư nhận thấy đã có thể rót tiền trở lại vào Trung Quốc.

Theo Brochin, nhu cầu đa dạng hóa ngày càng tăng của quỹ từ thiện, quỹ hiến tặng và đầu tư gia đình cũng sẽ thúc đẩy tiền đầu tư ở Mỹ tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài trong dài hạn.

“Giới đầu tư đang xem các thị trường mới nổi ở châu Á là khu vực hấp dẫn nhất, tiếp theo là châu Âu và sau đó, có lẽ là Mỹ. Nếu Fed tạm dừng tăng lãi suất, chắc chắn điều đó sẽ thúc đẩy dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi ở châu Á”, David Chao, nhà chiến lược thị trường phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Invesco Asset Management, nói.

 Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới