Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại ‘đế chế’ tỉ đô la Tân Hiệp Phát trước khi nhà sáng lập vướng vòng lao lý

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xuất phát từ một xưởng sản xuất nước ngọt nhỏ tại TPHCM giữa những năm 1990 đến nay Tân Hiệp Phát đã trở thành một “đế chế” kinh doanh với quy mô lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Dù được đồn đoán là có tài sản lớn nhưng sau 30 năm thành lập Tân Hiệp Phát vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên thông tin về tài chính của doanh nghiệp vẫn tương đối hạn chế. Chiều 10-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam nhà sáng lập Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương. Một người con gái khác của ông Thanh là Trần Ngọc Bích bị khởi tố về cùng tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

'Đế chế' tỉ đô la nằm ngoài sàn chứng khoán

Theo thông tin từ website doanh nghiệp, ông Trần Quí Thanh (sinh năm 1953 - thường được gọi là Dr Thanh) xuất thân từ kỹ sư cơ khí, nhưng rẽ hướng kinh doanh sang ngành thực phẩm và khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nước giải khát nhỏ vào năm 1994. Đây cũng là thời điểm Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập, dòng sản phẩm chính là sản xuất nước giải khát có ga, nước ngọt và hương vị bia.

Giai đoạn 1995 - 2009, Tân Hiệp Phát liên tục mở rộng thị trường kinh doanh, đưa ra nhiều sản phẩm nổi tiếng vào thị trường nước giải khát Việt Nam. Nổi bật là những cái tên như Nước tăng lực Number 1, Trà xanh Không Độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà sữa Macchiato Không Độ, nước uống vận động Number 1 Active, trà Ô Long Không Độ Linh Chi, Trà Bí đao collagen...

Hơn 10 năm trước, thông tin tài chính hiếm hoi của doanh nghiệp này được công bố lần đầu thông qua tài liệu của bảng xếp hạng VNR500. Theo đó, doanh thu năm 2011 của Tân Hiệp Phát vào khoảng 6.000 tỉ đồng, không thua kém nhiều so với Pepsi Việt Nam. Đây cũng là thông tin đầu tiên tiết lộ về tài chính của doanh nghiệp này sau 17 năm được thành lập.

Ông Trần Qúi Thanh và con gái Trần Uyên Phương cùng điều hành công ty Tân Hiệp Phát. Ảnh: website doanh nghiệp

Về cơ cấu tổ chức Tân Hiệp Phát với mô hình quản trị tập trung vào các thành viên trong gia đình của nhà sáng lập Trần Quí Thanh. Cụ thể, vợ của ông Thanh là bà Phạm Thị Nụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát. Gia đình ông có ba người con, gồm Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quốc Dũng.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát do ông Trần Quí Thanh làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật; ông Riddle David Charles (sinh năm 1950, quốc tịch Anh) làm Phó tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật; bà Trần Ngọc Bích (con gái thứ hai của ông Thanh) làm Giám đốc, bà Trần Uyên Phương (con gái đầu của ông Thanh) làm Phó tổng giám đốc.

Khoảng 5 năm trước (2018), quyển sách “Competing with giants” của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát xuất bản cũng đã tiết lộ chi tiết doanh nghiệp này được tập đoàn lớn ở Mỹ đặt vấn đề mua bán với mức định giá 2,5 tỉ đô la. Đây có thể là thông tin hiếm hoi về quy mô doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể tiếp cận được.

Vì là công ty chưa niêm yết nên nhiều nhà đầu tư khi muốn kiểm chứng thông tin cũng gặp khó khăn. Bởi những thông tin về báo cáo tài chính dường như bị “khóa chặt”. Tân Hiệp Phát là công ty dạng gia đình dù các thành viên ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát chi tiền đầu tư trên sàn chứng khoán rất nhiều, thậm chí đã xuất hiện các giao dịch lớn, nhưng việc niêm yết doanh nghiệp vẫn chưa bao giờ được đề cập. Tuy vậy, qua những khoản đầu tư của các thành viên trong gia đình, có thể ước lượng tài sản của doanh nghiệp lên đến hàng tỉ đô la.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát sở hữu 4 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai (Quảng Nam) và Hậu Giang, cùng các pháp nhân thành viên như Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Number One Hà Nam, Công ty TNHH Number One Chu Lai.

Mảng đồ uống của Tân Hiệp Phát tạo ra cả ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm trong suốt một thời gian dài, giúp cho quy mô tài sản của doanh nghiệp tăng trong nhiều năm. Trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Quí Thanh và những người liên quan có những khoản gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng.

Số liệu kinh doanh gần nhất năm 2019, riêng doanh nghiệp vận hành nhà máy tại Bình Dương của Tân Hiệp Phát ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỉ đồng. Nhà máy Number One Hà Nam của Tân Hiệp Phát trong năm 2019 cũng ghi nhận doanh thu lên tới 1.998 tỉ đồng, lãi thuần đạt 784 tỉ đồng

Thông tin thay đổi về vốn điều lệ tính đến ngày 9-9-2022, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỉ đồng với các cổ đông gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,5%, bà Trần Uyên Phương nắm 29,4%, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,1%. Tuy nhiên đến ngày 22-9-2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỉ đồng, các tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thanh không thay đổi.

Thành lập hàng chục công ty bất động sản rồi giải thể

Theo các báo cáo, giai đoạn 2017-2021, Tân Hiệp Phát cho thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Các công ty này phần lớn do bà Trần Uyên Phương đứng tên đại diện pháp luật, làm cổ đông sáng lập; một số công ty do ông Trần Quí Thanh, hoặc vợ là bà Phạm Thị Nụ, con gái Trần Ngọc Bích làm đại diện pháp luật hoặc có tên trong danh sách cổ đông sáng lập. Bên cạnh đó là dưới chục công ty liên quan cũng mới được thành lập trong giai đoạn 2018-2021 có tên trong danh sách góp vốn thành lập các công ty do bà Phương, ông Thanh trực tiếp làm đại diện pháp luật.

Giai đoạn 2017-2019, Tân Hiệp Phát thành lập hơn 20 công ty bất động sản với vốn điều lệ đăng ký trên ngàn tỉ đồng mỗi pháp nhân, cao nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển BĐS Lộc Điền với 8.830 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn những công ty vốn khủng thành lập trong năm 2019 hiện đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể.

Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập khoảng chục công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỉ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động ngành nghề bất động sản. Các doanh nghiệp này đều do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó phần lớn là do bà Trần Uyên Phương đứng tên.

Bị tố cáo gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng

TTXVN đưa tin, từ ngày 8-4 đến ngày 10-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương.

Theo C01, việc khởi tố và bắt tạm giam 3 cha con ông Trần Quí Thanh nằm trong diễn tiến giải quyết đơn của một số người dân ở TPHCM, Đồng Nai. Họ tố giác 3 người nêu trên và một số cá nhân có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cưỡng đoạt tài sản. Những hành vi này liên quan các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại Đồng Nai và TPHCM.

Hai năm trước, tháng 3-2021, C01 đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Công ty Kim Oanh); ông Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty DCB) và Lâm Hoàng Sơn (cùng ngụ TPHCM).

Trong đơn, ông Lâm cho rằng ông Thanh và con gái Uyên Phương cùng một số người liên quan đã có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Các ký kết giữa hai bên là hợp đồng giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác), bản chất là việc vay mượn tiền.

Theo đơn tố cáo của ông Lâm, hành vi của bà Uyên Phương và những người này gây thiệt hại cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai hơn 1.000 tỉ đồng.

Quá trình xác minh, C01 gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất...) với Công ty Minh Thành Đồng Nai, dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.

C01 sau đó tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Phương tại các địa phương này.

Đến đầu tháng 11-2022, cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản này để chờ kết quả giám định.

Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Ngày 8-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Đến chiều 10-4, Cơ quan CSĐT của Bộ Công An phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương thi hành lệnh khám xét tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát và nhiều địa điểm khác để thực hiện quyết định tố tụng liên quan đến cha con ông Trần Quí Thanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới