Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức tọa đàm kết nối đầu tư phía Nam, ghi nhận các doanh nghiệp FDI rất quan tâm đến các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh tại các tỉnh, thành phía Nam.

Các doanh nghiệp FDI quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao,  công nghiệp nhẹ, du lịch, năng lượng tái tạo... ở các tỉnh, thành phố phía Nam - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo TTXVN, tại tọa đàm kết nối đầu tư phía Nam do Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài đều bày tỏ sự quan tâm đến các ngành công nghệ cao tại các tỉnh phía Nam.

IPCS cho biết, tính đến cuối năm 2022, các tỉnh thành khu vực phía Nam có đến 20.952 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn lên đến 218,93 tỉ đô la, tương đương 50% tổng vốn đăng ký trên cả nước.

Theo kế hoạch trong quí 2 và 3 năm 2023, IPCS sẽ phối hợp với các thương vụ, hiệp hội doanh nghiệp các nước tiếp tục dẫn đoàn doanh nghiệp FDI đi khảo sát, làm việc tại 19/33 tỉnh thành phía Nam.

Các doanh nghiệp FDI đi khảo sát sắp tới rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao,  công nghiệp nhẹ, du lịch, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, xây dựng khu công nghiệp kết hợp tổ hợp dân cư.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết khu vực phía Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Ấn Độ nhờ thị trường lớn, có vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào và chi phí lao động thấp, môi trường kinh doanh thuận lợi.

Hiện nhiều công ty Ấn Độ đã thiết lập sự hiện diện ở miền Nam Việt Nam và dự kiến sẽ thu hút nhiều công ty khác đến đầu tư. Các lĩnh vực doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư vào các tỉnh phía Nam là công nghệ thông tin, dệt may, dược phẩm, nông nghiệp, năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp FDI thuộc Liên minh châu Âu cho biết cũng quan tâm đến thương mại điện tử, năng lượng tái tạo và đầu tư vào các start-up. Tuy nhiên các doanh nghiệp châu Âu mong muốn Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; có chính sách ưu đãi về thuế và cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.

Cổng thông tin Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tại khu vực phía Nam, TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI, tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, … Tuy nhiên, Bình Dương là địa phương có một số dự án FDI lớn như dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego vốn đầu tư 1 tỉ đô la; nhà máy sản xuất đồ trang sức của Tập đoàn Pandora đầu tư 100 triệu đô la.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 2-3 năm tới, các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Dự kiến Việt Nam sẽ thu hút được các dự án điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo của Hàn Quốc đang chuyển dịch cơ sở sản xuất mới. Bên cạnh đó là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản.

Để nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng các tỉnh, thành phía Nam cần liên kết vùng hình thành các cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư công nghệ; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ các nhà đầu tư làm thủ tục nhanh gọn. Đồng thời, thành lập các tổ công tác chuyên trách để đàm phán, hỗ trợ các dự án lớn.

Các tỉnh, thành phố phía Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, đặc biệt là đất "sạch" tại các khu công nghiệp với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cần chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đón đầu, đáp ứng được yêu cầu về năng lực cho những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới