Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành cơ khí trong nỗi gian nan ‘cầm máu’ lao động và bắt nhịp công nghệ

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh những hạn chế về năng lực công nghệ, các doanh nghiệp kỹ thuật cơ khí nội địa còn đang lo lắng về tình trạng người lao động đã qua đào tạo bị các doanh nghiệp có vốn ngoại "săn đón" hoặc rời bỏ để tham gia các chương trình hợp tác lao động làm việc tại nước ngoài.

Trong khi đó, số lượng lao động ngành kỹ thuật, nhất là ngành cơ khí được đào tạo ra trường hàng năm thấp và không thể làm việc được nếu không được đào tạo lại.

Các doanh nghiệp ngành cơ khí đang thiếu hụt lao động thạo nghề và có chuyên môn cao. Ảnh minh họa: T.L

Lo mất người lao động và khó tuyển

Công ty cổ phần Sản xuất lọc khí Việt (VAF), doanh nghiệp lớn trên thị trường lọc khí và thiết bị phòng sạch với sản lượng sản xuất mỗi năm trên 100.000 sản phẩm, đang gặp khó khăn về việc tuyển nhân sự kỹ thuật lành nghề và có chuyên môn cao.

Theo chia sẻ của Giám đốc Kinh doanh của VAF, ông Phan Đình Quân, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn nhân sự kỹ thuật để đáp ứng việc mở rộng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Bình Dương cũng như bù đắp lượng lao động nghỉ việc từ sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế.

Theo kế hoạch, trong năm nay, VAF sẽ tuyển khoảng 50 kỹ sư và kỹ thuật viên nhưng sau hơn 3 tháng, ông Quân cho biết công ty chỉ mới tuyển được 2-3 người.

Lực lượng nhân sự kỹ thuật ngành này ở tại địa phương thì còn thiếu và chưa đáp ứng, trong khi tuyển kỹ sư và kỹ thuật viên tại TPHCM và các địa phương khác về nhà máy làm việc thì lại khó.

"Do nhà máy sản xuất nằm ở Bình Dương nên khi dịch tạm lắng, công ty rất khó tuyển kỹ sư có chuyên môn cao", ông Quân chia sẻ, và ông cho biết "Dù chúng tôi có chế độ nhà trọ cho chuyên gia ở TPHCM hay các tỉnh xa về, nhưng vẫn ít người ở lại".

Theo ông Quân, so với mặt bằng chung trong ngành, tình hình lương thưởng tại công ty trả tương đối tối cao hơn khoảng 1%. "Chúng tôi cũng có chế độ phúc lợi tốt. Chính sách lao động gồm lương cơ bản và lương tăng ca. Lúc xảy ra dịch Covid-19, lương, thưởng cho người lao động đầy đủ...".

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Lập Phúc, doanh nghiệp chuyên chế tạo khuôn mẫu, bên cạnh duy trì xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Pháp, Đức, Ý…, thời gian gần đây công ty cũng đã xuất khẩu sản phẩm đi Mỹ, kể cả hãng xe điện Tesla. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lớn của lãnh đạo doanh nghiệp này là tình hình người lao động đã được đào tạo hoặc quen việc tại doanh nghiệp nội địa được các công ty có vốn ngoại "sắn đón".

Chia sẻ tại hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại TPHCM gần đây, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc, cho rằng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quy mô nhỏ và vừa trong nước hiện nay rất thiệt thòi. Vấn đề lớn nhất là “chảy máu” lao động.

Theo chia sẻ ông Trí, những kỹ thuật viên hoặc kỹ sư vừa ra trường, họ được những doanh nghiệp nhỏ nội địa như công ty ông hoặc nhỏ hơn nhận vào làm việc. "Khi mới đến, họ chưa có kinh nghiệm, làm hư nhiều sản phẩm, thậm chí là hư cả thiết bị máy móc, tốn rất nhiều chi phí… của doanh nghiệp", ông Trí chia sẻ. Tuy nhiên, khi "cứng tay cứng chân" thì họ nhảy việc, không một lời từ biệt, không một tiếng cám ơn.

Họ "nhảy việc" vào những doanh nghiệp lớn hơn, nhất là các doanh nghiệp FDI. Ông Trí còn chỉ ra rằng có trừờng hợp tập đoàn sản xuất hàng điện tử và gia dụng lớn đến đã kéo theo cả trăm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đi cùng.

"Những doanh nghiệp FDI này tuyển dụng được bao nhiêu lao động thì doanh nghiệp nội địa cùng ngành sẽ mất bấy nhiêu lao động", ông Trí lo lắng.

Không chỉ ở khu vực phía Nam, mà ở các tỉnh phía Bắc, nguồn nhân lực, lao động kỹ thuật chất lượng cao cũng đang thiếu nhiều. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ninh, theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh này, địa phương này hiện nay bước đầu hình thành một số dự án công nghệ cao thì nguồn nhân lực chất lượng bị thiếu hụt trầm trọng.

Nguyên nhân là do trước đó, do địa phương này thiếu nhà máy, dự án sử dụng công nghệ cao nên người lao động thuộc lĩnh vực này của địa phương đã dịch chuyển sang các tỉnh, thành lân cận làm việc. Đáng chú ý là đến thành phố Hải Phòng hơn 10.000 lao động, trong khi số lao động Quảng Ninh đến Hải Dương làm việc cũng lên đến hàng ngàn,...

"Chảy máu" lao động kỹ thuật ra nước ngoài...

Ông Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc cho rằng, với doanh nghiệp sản xuất, nhất là mảng công nghệ, cơ khí, khuôn mẫu, bên cạnh tài sản hữu hình là vốn thì đội ngũ nhân lực là nguồn vốn cực kỳ quý giá và có thể bị mất bất cứ lúc nào.

Nhiều lao động kỹ thuật, cơ khí Việt Nam đi làm việc ở các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Tham gia hoạt động lĩnh vực này gần 50 năm nay, ông Nguyễn Văn Trí, nhận định nguồn nhân lực về kỹ thuật cơ khí ở trong nước hiện đang thiếu trầm trọng. Do đó, mỗi khi cơ quan quản lý chia sẻ thành tích về hợp tác đưa được nhiều lao động kỹ thuật ngành kỹ thuật cơ khí đi các nước làm việc thì ông Trí càng thêm lo lắng.

Theo ông Trí, xuất khẩu lao động cũng là nguyên nhân rất lớn dẫn đến nguồn lao động kỹ thuật cơ khí trong nước bị thiếu hụt trậm trọng. "Lực lượng lao động kỹ thuật xuất khẩu, cơ quan quản lý lấy từ đâu?", ông Trí tự đặt câu hỏi, và ông cũng tự có câu trả lời: "Đó là lấy từ doanh nghiệp trong nước vì khâu đào tạo nhân sự lĩnh vực này chưa đáp ứng nhu cầu".

Nhiều ý kiến cho rằng việc người lao động ngành kỹ thuật đến các thị trường có công nghệ kỹ thuật phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... làm việc thì không chỉ kiếm được thu nhập cao so với làm việc ở trong nước mà còn có thể học được kinh nghiệm, kỹ thuật và công nghệ của các nước nhận lao động.

Tuy nhiên, đã từng trải qua công việc thực tế đào tạo và huấn luyện hàng ngàn kỹ sư, kỹ thuật viên trong nhiều năm qua, vị lãnh đạo Công ty Lập Phúc cho rằng những lao động sau khi hết thời gian làm việc ở nước ngoài thì phần lớn trở về nước khó hòa nhập vào môi trường làm việc trong nước.

"Sau 3-5 năm làm việc ở các nước phát triển bằng máy móc trong phòng máy lạnh với các động tác đơn giản và nhận được tiền lương cao do mức sống cao, các kỹ sư người Việt gần như quên hết công việc trước đây và khâu đào tạo lại rất khó", ông Trí nói, và đưa dẫn chứng: "Một số kỹ sư thiết kế khuôn mẫu sau khi hết hợp đồng làm việc ở Nhật Bản đã trở lại các công ty cơ khí và khuôn mẫu nội địa làm không đạt và thua xa kỹ sư của chính công ty ông đang làm việc".

Trong khi đó, những công nhân hoặc kỹ thuật viên qua các thị trường xuất khẩu này làm việc theo ông Trí là làm ở các khâu rất nặng nhọc hoặc độc hại.

Trên thực tế, vấn đề ông Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc nêu phần nào cũng có cơ sở về hiện tượng doanh nghiệp nội địa đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật lành nghề trong khi hoạt động xuất khẩu lực lượng này đang được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trên nhiều tờ báo quốc tế gần đây đã thông tin về việc một số thị trường liên tục mở chương trình thực tập sinh kỹ thuật dành cho người nước ngoài, và sử dụng như công cụ để thu hút lao động nhập cư giá rẻ.

Tại thị trường lao động trong nước, các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến khó thu hút nhân lực chính là sự phát triển không đồng đều của ngành cơ khí trong nước. Các doanh nghiệp nội địa ngành cơ khí phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu.

Điều này cũng phần nào lý giải cho việc các nhân sự lành nghề ưu tiên chọn các chương trình xuất khẩu lao động ở nước ngoài, họ muốn làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vì mức lương cao hơn, trang thiết bị làm việc hiện đại hơn.

Nan giải nhân sự chất lượng cao

Một người lao động trong ngành cơ khí ở TPHCM đang làm việc . Ảnh minh họa: L.H

Với sự phát triển nhanh của doanh nghiệp nội địa và các nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay, ngành cơ khí đang cần lượng lớn lao động chất lượng cao. Tuy vậy, để thu hút lao động trình độ cao vẫn là bài toán nan giải của toàn ngành.

Đáng chú ý, ngành cơ khí ngày càng phát triển nhu cầu nhân lực ngành này tăng nhanh, tuy vậy trong mắt nhiều phụ huynh và học sinh, nghề cơ khí không phải là lựa chọn hàng đầu. Nhiều người ưu tiên học các ngành như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh,… hơn là chọn ngành học cơ khí.

Điều này đã dẫn đến một số trường thiếu học viên màphải hạ điểm sàn để thu hút các thí sinh, dẫn đến chất lượng đầu ra không đảm bảo.

Một nguyên nhân nữa là việc đào tạo lao động ngành cơ khí ở Việt Nam vẫn còn yếu so với nhiều nước trên thế giới. Các phương pháp dạy học, máy móc thiết bị để sinh viên học tập và thực hành gần như rất cũ kỹ. Điều này trở thành rào cản trong việc đào tạo các sinh viên chất lượng.

Mặt khác, sinh viên cũng rất khó tìm được một cơ sở thực tập đúng chuẩn, đáp ứng được các yêu cầu về trang thiết bị, máy móc, các công nghệ hiện đại. Thậm chí chính đội ngũ giảng viên cơ khí tại một số trường cũng chưa cập nhật các kiến thức, công nghệ mới của thế giới nên chủ yếu dạy các kiến thức cơ bản, công nghệ đã lạc hậu...

Trong điều kiện khó tuyển nhân sự mới thì ổn định và giữ vững đội ngũ hiện tại là một yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp. Theo ông Phan Đình Quân của VAF, để giữ những lao động lâu năm gắn bó với công ty, VAF có chế độ tăng lương trung bình 10% mỗi năm.

Không chỉ tăng lương, nhiều doanh nghiệp còn có chế độ thưởng cao cho những cán bộ quản lý có kinh nghiệm, có tay nghề cao và nhiều sáng kiến, giúp công ty phát triển.

Còn tại Công ty Lập Phúc, theo ông Trí, hằng năm, công ty luôn xét duyệt lương cho những nhân viên có năng lực, có nhiều cống hiến. Tất cả nhân viên đến cuối năm đều được thưởng tháng lương thứ 13. Đặc biệt, công ty còn có chế độ cấp xe ô tô cho quản lý cấp cao.

Theo các chuyên gia, bản thân các doanh nghiệp cũng phải rất coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực. Cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp nhận những kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ được đào tạo cơ bản với trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học và đội ngũ công nhân từ các trường công nhân kỹ thuật, trường đại học kỹ thuật công nghệ.

Trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2018, phát triển nguồn nhân lực cơ khí được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, đào tạo song song thực hành; hỗ trợ kinh phí để đưa giảng viên và công nhân giỏi đi đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề này vẫn chưa được hiện thực hóa như yêu cầu.

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi, các doanh nghiệp VN nên phân tích sâu nguyên nhân dẫn tới “chảy máu nhân tài” là gì. Các anh/chị đang nghĩ tới việc nhân viên giỏi thích bay nhảy, thích làm việc những nơi lương cao, thích công ty nước ngoài, v.v., nhưng đã bao giờ các anh/chị nghĩ “có khi nào do những vấn đề nội tại của công ty mình” chưa?

    Người giỏi cần môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng, đồng nghiệp hỗ trợ nhau cùng đạt mục tiêu chung. Cái yếu nhất của các doanh nghiệp VN là khả năng quản trị, chứ máy móc, công nghệ, lương thưởng vẫn có thể mua được.
    Vì thế các doanh nghiệp VN có thể tuyển được nhưng không thể giữ được nhân tài, hoặc giữ được nhưng cũng không sử dụng được hết khả năng của họ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới