Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nguồn lực tư nhân thúc đẩy phát triển đô thị thông minh

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TPHCM cần đưa mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn (TOD) vào quy hoạch chung thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân tham gia phát triển các khu đô thị xung quanh, để từ đó hiện thực hóa mục tiêu đô thị thông minh.

Nội dung trên được các diễn giả trình bày tại hội thảo “Phát triển đô thị thông minh gắn liền với mô hình TOD” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Công ty TNHH Arcadia Consulting Việt Nam tổ chức ngày 19-4.

TOD giải quyết nhiều vấn đề của đô thị hoá

Tại hội thảo, ông Vũ Anh Tuấn – Chuyên gia giao thông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, cho biết việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn (TOD) là một chiến lược giúp các thành phố giải quyết thách thức trong đầu tư phát triển và quản lý khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị, nguồn lực đất đai.

“Mô hình này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình quy hoạch, thiết kế và đầu tư phát triển các dự án bất động sản, kinh doanh các dịch vụ thương mại xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị”, ông Tuấn nói thêm.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, ông Awirut Imoun, Cố vấn chiến lược kinh doanh của Tập đoàn SC Asset, cho biết mô hình TOD đã giúp Thái Lan tăng tính cơ động, tăng khả năng đi lại và kết nối. Hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn phát triển kéo theo việc phát triển của bất động sản.

Theo ông Awirut Imoun, giá đất dọc mạng lưới giao thông cộng cộng tăng nhanh, bình quân khoảng 6%/năm. Đồng thời, mô hình TOD kết hợp với các lối đi bộ giúp người dân có thể di chuyển dễ dàng đến mọi nơi trong thành phố, kết nối mọi ngõ ngách của thành phố với nhau.

“Asoke và Silom-Sathorn đây là 2 trung tâm tài chính của Bangkok đã phát triển theo mô hình TOD. Đây là 2 khu vực giao cắt giữa hệ thống tàu điện trên không và tàu điện ngầm. Hiện các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu dân cư xuất hiện xung quanh 2 vị trí này ngày càng nhiều”, ông Awirut Imoun dẫn chứng.

Các chuyên gia tại hội thảo "Phát triển đô thị thông minh gắn liền với mô hình TOD".

Xây dựng cơ chế thu hút tư nhân tham gia

Ông Vũ Anh Tuấn – Chuyên gia giao thông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng mô hình TOD mở ra cơ hội phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, TPHCM cũng như các thành phố lớn khác của Việt Nam hiện chưa có quy hoạch phát triển theo định hướng TOD.

“Nghị quyết 54 là cơ sở để TPHCM đưa mô hình TOD vào quy hoạch chung của thành phố và phát triển mô hình này đến các vùng ven như Củ Chi, Hiệp Phước, Thủ Đức”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, thời gian qua, thông qua các nghiên cứu, báo cáo các nhà hoạch định cũng đã nhận thấy tiềm năng của mô hình TOD và mô hình này cũng đã được quan tâm nhiều hơn.

Theo ông Tuấn để hiện thực hoá TOD việc tích hợp phát triển đô thị và hạ tầng giao thông phải được diễn ra trong quá trình làm quy hoạch, thiết kế đô thị. Cùng với đó, mô hình này này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà gồm Nhà nước, nhà tư vấn, nhà đầu tư.

Trong đó, Nhà nước đảm bảo các nguyên tắc mô hình TOD, các cơ hội nắm bắt giá trị gia tăng từ đất đai và bất động sản trong quá trình lập quy hoạch. Còn nhà tư vấn đưa ra tầm nhìn và chiến lược phát triển thành phố và chiến lược đầu tư phù hợp. Nhà đầu tư nghiên cứu tính hiệu quả, tính thương mại và đảm bảo thiết kế bất động sản hướng vào con người.

Ở trường hợp TPHCM, ông Tuấn cho rằng thành phố cần xây dựng cơ chế thu hút tư nhân tham gia đầu tư các tuyến đường sắt, các khu đô thị xung quanh nhà ga. Trong đó, xác định rõ vai trò chính quyền, cơ chế hợp tác chia sẻ chi phí, lợi ích. Đồng thời, kiến nghị trung ương cho thí điểm các dự án TOD dọc các tuyến metro số 1, 2, 5”, ông Tuấn nêu ví dụ.

Đồng quan điểm, ông Awirut Imoun, Cố vấn chiến lược kinh doanh của Tập đoàn SC Asset, cho rằng thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của TOD chính là vấn đề đầu tư. Cụ thể cần sự hợp lực của chính phủ với các công ty tư nhân phát triển hạ tầng cho TOD.

“Chính phủ Thái Lan có rất nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Chính Phủ đã xây dựng chiến lược 5 năm nhằm thu hút đầu tư từ nước ngoài” ông Awirut Imoun chia sẻ về cách Thái Lan tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Song song đó, vị chuyên gia, cũng là cố vấn chiến lược kinh doanh của Tập đoàn SC Asset, cho rằng việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư vào bất động sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới