(KTSG) - Sự tham gia của taxi điện không chỉ tạo thêm lựa chọn mới cho người tiêu dùng ở một thị trường vốn cạnh tranh khốc liệt, nó còn kéo theo một cuộc đua khác gay cấn hơn giữa các nhà sản xuất xe điện.
- Chủ tịch Tập đoàn Vingroup thành lập công ty cho thuê xe và taxi điện VinFast
- Khai trương hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam
Thị trường taxi Việt Nam được định giá 440 triệu đô la Mỹ trong năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 10,25%, Mordor Intelligence tính toán giá trị thị trường taxi Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi, lên mức 790 triệu đô la Mỹ năm 2026.
Việt Nam cũng như toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là thị trường tăng trưởng nóng của taxi điện, do tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn. Theo ghi nhận của Mordor Intelligence, BYD - hãng xe điện thống trị thị trường Trung Quốc đã bán 60% ô tô chạy điện thuần túy cho giao thông công cộng.
Ở một thị trường quy mô lớn khác là Ấn Độ, chính phủ nước này đang thúc đẩy các nhà khai thác đội xe lớn như Ola, Uber mở rộng đội xe điện đạt 40% vào cuối năm 2026. Cung cấp sản phẩm cho thị trường giao thông công cộng sẽ là miếng bánh “béo bở” với các nhà sản xuất xe điện.
Cuối năm 2022, BYD đã ký hợp đồng với nhà phát triển bất động sản công nghiệp lớn nhất Thái Lan để mua 96 héc ta đất xây dựng nhà máy tại đây với tham vọng bán 10.000 chiếc tại thị trường này và vươn mình sang các nước Đông Nam Á khác. BYD cũng có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam với khoản đầu tư lớn hơn 250 triệu đô la Mỹ tại một tỉnh phía Bắc trong năm nay, theo nguồn tin của Reuters chia sẻ hồi tháng 1-2023.
Tuy nhiên, Việt Nam không còn là thị trường trống. Ngày 14-4, những chiếc taxi điện đầu tiên của Taxi Xanh SM lăn bánh tại Hà Nội và chưa tới nửa tháng sau khoảng 1.200 taxi điện đã hiện diện tại hai thành phố lớn nhất nước. Đây là hãng taxi thuộc Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) do ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - công ty mẹ của nhà sản xuất xe điện VinFast) nắm 95% vốn. Các ô tô điện của Taxi Xanh SM hiện nay đều là sản phẩm do VinFast sản xuất.
Tại thị trường trong nước, tổng hợp từ báo cáo kết quả kinh doanh do doanh nghiệp này công bố, ước tính, VinFast giao tới tay khách hàng khoảng 11.000 ô tô điện kể từ cuối năm 2021.
Với việc cung cấp sản phẩm cho thị trường taxi điện, doanh số của VinFast được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể. Tại buổi khai trương hãng Taxi Xanh SM tại TPHCM ngày 27-4, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM, chia sẻ tham vọng mở rộng quy mô lên 20.000 xe tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố trong năm 2023. Taxi Xanh SM đặt mục tiêu trở thành hãng taxi lớn nhất Việt Nam.
“Thị trường taxi Việt Nam đang bị phân tán. Những người tham gia trong ngành có khả năng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt do các chiến lược tích cực, bao gồm mua lại, định giá, sáp nhập và phát triển sản phẩm mới”, báo cáo thị trường taxi Việt Nam do Mordor Intelligence phát hành nêu.
Trước sức ép của các hãng gọi xe, doanh thu của các hãng taxi truyền thống giảm sút đáng kể những năm vừa qua. Nhưng với sự phát triển của thị trường cùng đặc điểm đường phố, thói quen vẫy xe của người dùng Việt Nam, mảnh đất cho các hãng taxi (có nhận diện, dễ dàng tìm thấy trên phố) vẫn còn đó. Cùng với việc đầu tư công nghệ, khoảng cách giữa taxi truyền thống và các hãng gọi xe hoạt động như taxi ngày càng thu hẹp.
Ông Thanh cho biết Taxi Xanh SM đang trong giai đoạn mở rộng quy mô, tăng nhận diện. Trong thông báo của mình, GSM nhắc tới mục tiêu “phổ cập thói quen sử dụng xe điện tới từng người dân, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về sự tiện lợi, thông minh và bền vững của các dòng xe xanh”.