(KTSG Online) - 8 hiệp hội doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Quốc hội kiến nghị bổ sung quy định điều kiện hưởng lương hưu cho người lao động, trong đó nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng.
- Rà soát khoản dự chi gần 15.000 tỉ đồng cho việc tăng lương hưu, trợ cấp
- Một số ngành nghề đặc thù kiến nghị giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu
Theo Quochoi.vn, Ban Dân nguyện của Quốc hội vừa nhận được góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng dệt may, da giày - túi xách, gỗ và lâm sản, nhựa, chế biến và xuất khẩu thủy sản, điện tử, thực phẩm minh bạch và mỹ nghệ - chế biến gỗ TPHCM, trong đó có kiến nghị bổ sung quy định điều kiện hưởng lương hưu cho người lao động, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng.
Lý giải về đề xuất trên, 8 hiệp hội cho rằng đa số lao động hiện nay làm việc chân tay, nhiều người tham gia đóng bảo hiểm sớm, đóng thời gian dài với mức cao. Đến độ tuổi ngoài 55, sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng công việc và dễ bị đào thải. Nếu phải chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nam 62, nữ 60, người lao động khó đảm bảo cuộc sống; còn xin về hưu trước tuổi, họ lại bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm.
Ngoài ra, các hiệp hội cũng nhấn mạnh việc cho phép lao động được chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng là trao cơ hội việc làm cho người trẻ.
Trước đó, khi góp ý xây dựng dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định, tức là 57 tuổi với nam và 55 với nữ.
Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, tình trạng người lao động chủ động nộp đơn nghỉ việc chờ rút bảo hiểm 1 lần ở Đồng Nai, Long An, TPHCM có xu hướng tăng thời gian qua, trong đó nhiều công nhân có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm muốn nghỉ hưu sớm do sức khỏe, năng lực làm việc giảm sút, song nếu nghỉ sớm lại bị trừ 2% cho mỗi năm, rất thiệt thòi cho người lao động.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định điều kiện nghỉ hưu, hưởng lương hưu đồng bộ với lộ trình tăng tuổi hưu trong Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021. Theo đó, tuổi hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, thêm 4 tháng với nữ đến khi đủ 60 tuổi năm 2035.