Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhập khẩu của Trung Quốc giảm sâu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4, trong khi xuất khẩu tăng với tốc độ chậm hơn. Dữ liệu thương mại này cho thấy, dù Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách “zero Covid”, nhu cầu trong nước vẫn yếu và gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại.

Container tập kết ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hôm 9-5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cho biết kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 4 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,4% trong tháng trước đó. Đây là mức suy giảm nhập khẩu mạnh nhất của Trung Quốc trong một năm qua và giảm sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,2% của các nhà kinh tế. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng trước tăng 8,5%, giảm từ mức tăng 14,8% trong tháng 3.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về môi trường bên ngoài “nghiêm trọng” và “phức tạp” khi nhiều đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc đối mặt nguy cơ suy thoái gia tăng.

Sự suy giảm mạnh trong dòng chảy thương mại của tháng trước càng làm dấy lên những lo ngại về tình trạng nhu cầu bên ngoài và rủi ro đối với nền kinh tế trong nước. Số lượng thương mại ảm đạm cho thấy sự phục hồi yếu ớt so với một năm trước đó, thời điểm mà các chuyến hàng xuất và nhập khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng do các lệnh phong tỏa để kiểm soát Covid-19.

“Với triển vọng u ám về nhu cầu bên ngoài, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm hơn nữa trước khi chạm đáy vào cuối năm nay”, Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Capital Economics, nói. Tuy nhiên, bà cho rằng nhu cầu mạnh dần lên trong nước sẽ giúp nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi trong những tháng tới.

Giới phân tích nhận định chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trên toàn cầu trong 12-18 tháng qua và căng thẳng ngân hàng gần đây ở phương Tây tiếp tục gây áp lực lên triển vọng phục hồi của cả Trung Quốc và toàn cầu. Nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ không thể trông cậy nhiều vào động lực tăng trưởng nhu cầu nội địa của Trung Quốc.

Theo dữ liệu của GAC, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN giảm xuống 4,5% trong tháng 4 từ mức 35,4% của tháng trước. Khu vực này là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Dữ liệu khác gần đây cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, một chỉ số hàng đầu để theo dõi tình hình nhập khẩu của Trung Quốc, giảm 26,5% trong tháng 4, đánh dấu tháng thứ 10 giảm liên tiếp. Nhập khẩu than, đồng và khí đốt của Trung Quốc trong tháng 4 đều giảm so với tháng 3

“Hoạt động nhập khẩu suy giảm có thể một phần do nhu cầu toàn cầu chậm lại, từ đó, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các bộ phận và linh kiện của Trung Quốc để lắp ráp hàng xuất khẩu”,  Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nhận xét.

Theo dữ liệu về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4, đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh do lạm phát toàn cầu cao và nhu cầu bên ngoài suy yếu. Điều này báo hiệu thách thức lớn mà các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt khi họ kỳ vọng kinh tế bật dậy mạnh mẽ ở thời kỳ hậu Covid-19.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% nhanh hơn dự kiến trong quí đầu tiên nhờ tiêu dùng dịch vụ mạnh mẽ. Tuy nhiên, với sản lượng của nhà máy còn yếu ớt và những con số thương mại u ám mới nhất, Trung Quốc có thể còn một chặng đường dài để lấy lại động lực tăng trưởng trước đại dịch.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn khoảng 5% cho năm nay, sau khi không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 do tác động của đại dịch Covid-19 và các hạn chế liên quan.

Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng của Guotai Junan International, cho biết các số liệu thương mại và đặc biệt là dữ liệu nhập khẩu “hơi ảm đạm”, vì vậy, đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại trong quí 2.

Dữ liệu tuần trước cho thấy nhu cầu du lịch nội địa của người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động phục hồi về các mức trước đại dịch. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy đà phục hồi kinh tế của đất nước vẫn tiếp tục ngay cả khi các nhà máy và hoạt động xuất khẩu chững lại.

Câu hỏi đặt ra cho nhiều nhà kinh tế là liệu đà phục hồi do người tiêu dùng dẫn dắt có bền vững hay không. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt là ở giới trẻ, vẫn cao. Trong khi đó, dữ liệu tiền tiết kiệm cao cho thấy các hộ gia đình còn thận trọng trong chi tiêu.

Trong cuộc họp cuối tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc ca ngợi sức mạnh phục hồi của Trung Quốc trong những tháng đầu năm, nhưng thừa nhận động lực phục hồi lâu dài vẫn chưa được đảm bảo.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới