Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng kinh tế Việt Nam và khu vực châu Á: Vẫn tiếp tục phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định

Francois Painchaud (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm 2023 có vẻ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do việc thắt chặt tiền tệ và cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế. Áp lực lạm phát dai dẳng và hiện giờ là các vấn đề về tài chính ở Mỹ và châu Âu đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế toan cầu vốn đã phức tạp.

Trong bối cảnh ảm đạm này, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động. Mặc dù cầu bên ngoài suy yếu, cầu về xuất khẩu công nghệ giảm vào cuối năm 2022, song việc thắt chặt tiền tệ và cầu nội địa cho đến nay vẫn mạnh, cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo ra động lực mới.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được IMF dự báo sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm nay, mặc dù đầu tư công trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dự kiến sẽ tăng lên. Ảnh minh họa: TL

Tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng lên 4,6% trong năm nay từ mức 3,8% trong năm 2022, tăng 0,3% so với Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF công bố vào tháng 10-2022. Điều này có nghĩa là khu vực này sẽ đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu. Sự năng động của châu Á chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi của Trung Quốc và tăng trưởng của Ấn Độ, trong khi tăng trưởng của phần còn lại của châu Á dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2023, giống như các khu vực khác.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của khu vực châu Á được dự báo vẫn năng động không có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách trong khu vực có thể tự mãn. Áp lực do sự suy giảm cầu của thế giới sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế. Lạm phát chung đã giảm bớt song vẫn cao hơn mức mục tiêu của hầu hết các quốc gia, trong khi lạm phát cơ bản vẫn còn dai dẳng. Mặc dù tác động lan tỏa do những xáo trộn trong hệ thống ngân hàng ở châu Âu và Mỹ cho đến giờ vẫn còn hạn chế, nhưng tính dễ bị tổn thương do việc thắt chặt tài chính toàn cầu và điều kiện thị trường không ổn định, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình, vẫn còn cao. Tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống 3,9% trong 5 năm tới, mức dự báo thấp nhất trong lịch sử những năm gần đây trong trung hạn, do đó sự đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu (ở mức dự báo) trong trung hạn cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế là tiêu cực, phản ánh áp lực về giá cả trên toàn cầu và trong khu vực châu Á còn dai dẳng hơn, sự mất kết nối giữa những dự đoán của thị trường về đường lối chính sách tiền tệ và truyền thông của các ngân hàng trung ương lớn, thị trường tài chính toàn cầu thêm bất ổn, tác động bất lợi lan tỏa do tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong trung hạn và sự chia rẽ về địa kinh tế sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh này, các nhà điều hành nên duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát giảm về mức mục tiêu. Trung Quốc và Nhật Bản là ngoại lệ do sản lượng thấp hơn mức sản lượng tiềm năng và kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức thấp. Trừ khi căng thẳng trên thị trường tài chính gia tăng và tính ổn định tài chính bị đe dọa, các ngân hàng trung ương nên tách các mục tiêu chính sách tiền tệ ra khỏi mục tiêu ổn định tài chính, sử dụng các công cụ sẵn có nhằm đối phó với rủi ro về ổn định tài chính để cho phép họ tiếp tục thắt chặt chính sách nhằm đối phó với áp lực lạm phát.

Nợ công tăng cao và chi phí lãi vay tăng đòi hỏi phải tiếp tục củng cố tài khóa, trong một số trường hợp phải đẩy mạnh việc củng cố tài khóa, điều này cũng có thể hỗ trợ cho cuộc chiến chống lạm phát, đồng thời bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương thông qua việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ đúng đối tượng. Cần giám sát các nhóm dễ bị tổn thương do gánh nặng nợ tăng cao trong khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình, cũng như giám sát rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính để bảo vệ sự ổn định tài chính. Cần cải cách cơ cấu để cải thiện tiềm năng tăng trưởng thông qua đổi mới sáng tạo và số hóa; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh; giảm thiểu rủi ro do phân tán, manh mún và đảm bảo an ninh lương thực.

Tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 rất khả quan với mức tăng trưởng đạt 8%, tuy nhiên triển vọng kinh tế năm 2023 bất định hơn với những rủi ro tiêu cực ngày càng tăng. cầu của các đối tác thương mại chính còn yếu, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế. Do đó, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm nay, mặc dù đầu tư công trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dự kiến sẽ tăng lên. Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng là tiêu cực. Lạm phát cơ bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong ngắn hạn, trước khi dần quay trở lại mức 4%.

Để đối mặt với những thách thức này, các chính sách kinh tế vĩ mô cần phải được căn chỉnh, phối hợp và truyền thông một cách cẩn thận để quản lý được những rủi ro tiêu cực và hạn chế những đánh đổi chính sách, đặc biệt là giữa tăng trưởng, lạm phát và ổn định tài chính. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục dựa vào những lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh áp lực tỷ giá hối đoái, đồng thời đảm bảo thị trường tài chính vận hành tốt. Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên được ưu tiên. Chính sách tài khóa phải linh hoạt, nhắm trúng đối tượng và ưu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công. Cần nỗ lực quyết đoán hơn trong việc thực hiện cải cách cơ cấu để tăng năng suất, đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm.

(*)  Ông Francois Painchaud là Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới