Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội bàn chuyện Ngân hàng Nhà nước can thiệp việc tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt?

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) Tiếp tục Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 5-6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và thảo luận tại tổ để làm rõ việc tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm sự minh bạch, cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 5-6 – Ảnh: Quochoi.vn

Quochoi.vn đưa tin, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo luật sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó luật bổ sung nhiều quy định tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

TTXVN đưa tin, vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), là quy định về các trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” tổ chức tín dụng, làm rõ việc tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm sự minh bạch, cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Trong đó, ngoại trừ trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, sẽ quy định các trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.

Đây là những ngân hàng không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn trong 6 tháng liên tục; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc “can thiệp sớm” là khi ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Do đó, cần rà soát các quy định can thiệp sớm phù hợp, luật hóa những trường hợp giám sát tăng cường cho đúng bản chất.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các trường hợp trên mà chưa có các biện pháp xử lý kịp thời ngay từ đầu.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ về 2 trường hợp: Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán và bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, không tự khắc phục được.

Đồng thời làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Quochoi.vn nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội, về việc điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan. Mức điều chỉnh này quy định không được vượt quá 15% và 25%, sẽ giảm xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Tương tự, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với các khách hàng trên cũng giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Lý do giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo – theo tờ trình của Chính phủ, như vậy giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh. Ngược lại, cơ chế này giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Tuy nhiên khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi giới hạn. Lý do là các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để phục hồi sau dịch Covid-19. Nên nếu giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn và chi phí vốn tăng cao.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội lưu ý, định nghĩa về “người có liên quan” dự kiến sửa đổi theo hướng rộng hơn, tức là việc cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ bị thu hẹp lại. Ủy ban Kinh tế lo ngại rằng việc này có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới