Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cà Mau, Tiền Giang phát triển vùng nuôi trồng thủy sản ven biển

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất được áp dụng tại địa phương như mô hình lúa-tôm, mô hình nuôi tôm giống đực nhằm nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân. Ngoài ra, Tiền Giang cũng đang mở rộng vùng nuôi trồng hải sản ven biển, hướng đến việc xuất khẩu sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật Bản.

Người dân áp dụng mô hình lúa- tôm. Ảnh: Trọng Linh

Theo TTXVN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thủy sản và giảm diện tích sản xuất lúa. Hiện nay, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản là hơn 1.100 héc-ta. Trong đó, diện tích chuyển đổi luân canh tôm-lúa là khoảng 950 héc-ta.

Giai đoạn 2019-2022, nhiều dự án, mô hình sản xuất được thực hiện tại địa phương như dự án phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình lúa-tôm càng xanh trên đất ruộng; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn giống đực trên ruộng lúa; mô hình nuôi tôm càng xanh (thuộc chương trình khuyến nông quốc gia hỗ trợ).

Ngoài phát triển mô hình lúa-tôm, tôm sú, tôm càng xanh thì địa phương còn phát triển nuôi trồng cua biển, tập trung ở huyện Thới Bình. Địa phương đang tiến hành các hoạt động xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ đối với sản phẩm cua.

Năm qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản Cà Mau đạt 386.000 tấn. Trong đó, sản lượng tôm là hơn 218.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ/năm, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Ở địa phương khác như tỉnh Tiền Giang cũng đang mở rộng việc nuôi trồng hải sản ven biển.  Trong đó, khu vực bãi bồi bờ biển Gò Công đang nuôi trồng ngao cám và sò giống. Mật độ trung bình là 15-20 con/dm2, có nơi 100 - 150 con/dm2. Còn khu vực cồn ông Mão, ông Liễu (huyện Gò Công Đông) và cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) tập trung cho phát triển ngao và sò huyết sinh sản.

Cũng theo TTXVN, Tiền Giang đang có diện tích nuôi ngao khoảng 2.300 héc-ta, diện tích nuôi tôm khoảng 4.000 héc-ta. Sản lượng thu hoạch ngao hàng năm là 15.000 - 17.000 tấn; thu hoạch tôm khoảng 16.000 tấn.

Địa phương đang phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh để xây dựng tiêu chuẩn MSC (tiêu chuẩn đối với thủy sản bền vững) cho vùng nuôi ngao Gò Công, hướng đến việc xuất khẩu ngao sang thị trường các nước như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Ngoài ra, ở hai huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang còn mở rộng diện tích nuôi tôm. Chẳng hạn như ở huyện Tân Phú Đông, đến nay, diện tích nuôi tôm đã tăng lên hơn 7.500 héc-ta; sản lượng thu hoạch từ thủy sản nuôi trên 30.000 tấn, tăng so với con số tương ứng của năm 2008 lần lượt là khoảng 3.000 héc-ta nuôi tôm và sản lượng hơn 14.000 tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới