Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác, giao thương với các nước

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ ngày 25 đến 27-6, Việt Nam và Hà Lan sẽ tổ chức phiên họp về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, tạo cơ hội tiến đến hợp tác song phương. Trước đó, Việt Nam cùng với Hàn Quốc trao đổi 17 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực; tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp cùng với Nhật Bản, Indonesia...

Một góc khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, Việt Nam - Hà Lan đã có nhiều dự án hợp tác như dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL; dự án quy hoạch lũ vùng ĐBSCL. Ảnh: H.P

TTXVN đưa tin, phiên họp lần thứ 8 Uỷ ban liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-6 tới.

Dự kiến, ngoài phiên họp, đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu còn có các cuộc xúc tiến, thăm và làm việc với Chính phủ Hà Lan, cảng Rotterdam và Trung tâm toàn cầu về mở rộng hợp tác trên lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu; làm việc với Cơ quan Đầu tư quốc tế Hà Lan, dự tọa đàm doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cát, bồi lấn biển.

Thời gian qua, hai nước đã có nhiều dự án hợp tác thành công. Ví dụ, thông qua sự hợp tác đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước và phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, Hà Lan giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm nhiều dự án như dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL; dự án quy hoạch lũ vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững; thí điểm hệ thống giám sát và kiểm tra hệ thống đê và đập…

Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia nhằm mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác hai bên. Sáng 23-6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chứng kiến cơ quan hữu quan của hai nước trao đổi 17 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, theo TTXVN.

Trong đó, hai bên thống nhất về việc hợp tác toàn diện trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, chuyển giao công nghệ, xử lý tội phạm xuyên quốc gia. Về kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên cùng đưa ra mục tiêu hợp tác hướng đến kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2030 sẽ có kim ngạch song phương 150 tỉ đô la theo hướng cân bằng, bền vững.

Nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc có cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam như các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án BOT xây dựng nhà máy nhiệt điện, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh…

Hai bên còn nhất trí về hợp tác phát triển các khoản hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại với tổng quy mô là 200 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn 2024-2027 vào các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, chuyển đổi số.

Trước đó, hôm 21-6, Việt Nam và Indonesia tổ chức hội thảo giao thương doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Nhiều doanh nghiệp cung ứng, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm, đồ uống, công nghệ năng lượng tái tạo đã tham gia.

Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm nhựa. Ngược lại, nước ta cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng của Indonesia như than đá, phụ tùng ô tô, dầu cọ, nguyên liệu nhựa, thức ăn chăn nuôi.

Năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều đã đạt 14,17 tỉ đô la Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia.

Cùng ngày, Việt Nam và Nhật Bản tổ chức hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp. TTXVN dẫn lời của đại diện Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong những năm gần đây, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, may mặc… Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đã đem đến nhiều sản phẩm mẫu như may mặc, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây, hàng tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp trải nghiệm, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Những sản phẩm này ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn cao về chất lượng còn chú ý đến các yếu tố thân thiện với môi trường.

Nhật Bản hiện là đối tác tài trợ vốn ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3, đối tác du lịch thứ 3, và cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới