Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán Bắc Kinh, Hồng Kông thiết lập cơ chế ‘niêm yết đôi’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bắc Kinh và Hồng Kông đã ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ các công ty đủ điều kiện nộp hồ sơ niêm yết trên thị trường hai bên. Cùng với một trong những thị trường có vốn lâu đời ở châu Á là Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX), thỏa thuận này đã tạo cơ hội cho sàn Bắc Kinh học tập và phát triển.

Khai trương ngày 15-11-2021, Sở Giao dịch chứng khoán Bắc Kinh ban đầu có 81 công ty niêm yết. Hiện số công ty niêm yết trên sàn là 203. Ảnh: SCMP

Theo thỏa thuận, các công ty đủ điều kiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Bắc Kinh (BSE) có thể đăng ký thả nổi trên HKEX. Các công ty Trung Quốc chỉ cần đăng ký với Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc theo quy định của Trung Quốc về phát hành chứng khoán ở nước ngoài. Tương tự, các công ty đang giao dịch trên HKEX cũng có thể niêm yết cổ phiếu trên BSE.

Hai bên cũng đồng ý thực hiện chung những hoạt động như tiếp thị, nghiên cứu, giáo dục nhà đầu tư và trao đổi nhân sự, thông cáo của HKEX hôm 29-6 cho biết.

HKEX vừa có thị trường chính dành cho các công ty lớn vừa có thị trường GEM dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chí niêm yết thấp hơn. Đế đáp ứng các tiêu chí niêm yết thị trường chính, công ty phải có vốn hóa thị trường ít nhất là 500 triệu đô la Hồng Kông (63,8 triệu đô la Mỹ) và lợi nhuận ít nhất là 35 triệu đô la Hồng Kông trong năm gần nhất. Trang tin tức tài chính Caixin nói hơn 40 công ty giao dịch trên BSE sẽ đáp ứng các yêu cầu niêm yết của thị trường chính của HKEX.

CEO Sui Qiang của BSE cho rằng thỏa thuận niêm yết đôi giữa hai sàn giao dịch nhấn mạnh cam kết của BSE trong việc tiếp tục mở cửa thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thỏa thuận này cũng giúp các công ty tận dụng cả hai thị trường khi họ xây dựng quy mô và quốc tế hóa hồ sơ của mình.

Trung Quốc đã áp dụng các quy định theo chuẩn Nasdaq ở cả hai sàn chứng khoán dành cho các hãng công nghệ là STAR Market ở Thượng Hải và ChiNext ở Thâm Quyến, hướng đến việc giúp các startup công nghệ Trung Quốc gọi vốn. Các sàn này cũng thu hút các hãng công nghệ lớn niêm yết sau khi chính phủ Mỹ siết chặt quy định đối với hãng từ đại lục.

Ra mắt vào tháng 11-2021, BSE là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở thủ đô Trung Quốc, và là sàn thứ ba sau Thâm Quyến và Thượng Hải. BSE được thiết kế như một vườn ươm “các tiểu công nghệ” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trực tiếp thu hút vốn của các nhà đầu tư và giảm sự phụ thuộc vào ngân hàng.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo cho thành lập BSE với thông điệp nhấn mạnh rằng “sẽ tiếp tục hỗ trợ việc sáng tạo và phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc”.

Hầu hết các công ty trên sàn này đều chuyển từ sàn giao dịch vốn tư nhân quốc gia (NEEQ) - thường được gọi là New Third Board, thị trường giao dịch vốn tư nhân dành cho các doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng các tiêu chuẩn của sàn đại chúng ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến.

Để được niêm yết, doanh nghiệp phải có tài sản ròng ít nhất là 50 triệu nhân dân tệ (7,7 triệu đô la) trong năm gần nhất. Một trong những điều kiện tối thiểu khác là định giá thị trường ước tính ít nhất là 200 triệu tệ (31 triệu đô la) và lợi nhuận ròng ít nhất là 15 triệu tệ (2,3 triệu đô la) trong hai năm qua với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân ít nhất là 8% hoặc lợi nhuận ròng là 25 triệu tệ (3,9 triệu đô la) trong năm qua với ROE trung bình tối thiểu là 8%.

Tính đến 30-6, có 203 đang giao dịch trên BSE, tăng 5 công ty so với cuối tháng 5-2023. Thị trường có 5,46 triệu nhà đầu tư được cấp phép. Tuy nhiên, việc thiếu các công ty chất lượng cao (blue chip) dẫn đến chỉ có một số cổ phiếu vốn hóa lớn có thể giúp neo giữ sàn giao dịch. Các công ty nhỏ hơn do có ít cổ phiếu hơn nên tính thanh khoản kém hơn, gây khó khăn cho việc mua bán cổ phiếu.

Một nhà môi giới nói với hãng tin Caixin rằng một số công ty bị hủy niêm yết trên NEEQ và BSE đã tìm cách giao dịch cổ phiếu tại Hồng Kông. Tuy nhiên, do định giá thấp, việc niêm yết của họ ở Hồng Kông gặp trở ngại như chi phí quá cao để làm bản cáo bạch.

Theo cựu CEO Xu Ming của BSE, các công ty trên BSE phát hành cổ phiếu trên HKEX, gọi là China H-share, đã tăng chi phí cho việc công bố thông tin đồng thời trên cả hai thị trường. Các tiêu chuẩn kế toán khác nhau làm gia tăng chi phí kiểm toán của các công ty này.

Theo Caixin, SCMP, China Briefing

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới