Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các nước đang phát triển, giàu khoáng sản muốn ‘miếng bánh’ lớn hơn trên thị trường xe điện

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nước giàu khoáng sản ở khu vực đang phát triển đang muốn chấm dứt kỷ nguyên khai thác và xuất khẩu các kim loại thiết yếu của xe điện. Họ đang tiến hành các bước đi nhằm nâng cao chuỗi giá trị của các khoáng sản như nickel, lithium, bauxite để chiếm thị phần lớn hơn trong cơn bùng nổ xe điện.

Công nhân làm việc trong một nhà máy chế biến nickel ở Indonesia. Năm 2020, Indonesia cấm xuất khẩu khẩu quặng nickel thô để thúc đẩy các hoạt động chế biến sâu hơn ở trong nước. Ảnh: WSJ

Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên lên ngôi

Các chính phủ ở một số khu vực châu Mỹ Latin, châu Phi và Đông Nam Á, đang hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Họ yêu cầu các công ty khai khoáng xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương và tìm cách thắt chặt kiểm soát đối với các mỏ do nước ngoài điều hành.

Các bước này đôi khi được mô tả là chủ nghĩa dân tộc tài nguyên. Mức độ phổ biến của các chính sách như vậy đang định hình lại chuỗi cung ứng làm nền tảng cuộc chuyển đổi năng lượng.

Indonesia đã cấm xuất khẩu nickel chưa qua chế biến, và thúc đẩy các công ty nước ngoài xây dựng các nhà máy trị giá hàng tỉ đô la ở nước này để chế biến quặng thành nguyên liệu có giá trị cao hơn cho pin xe điện. Zimbabwe đang cố gắng làm điều tương tự với lithium. Các nhà lãnh đạo cánh tả ở Chile và Mexico đang tìm kiếm quyền kiểm soát lớn hơn của nhà nước đối với trữ lượng lithium trong nước.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), xe điện cần lượng khoáng chất đầu vào cao gấp sáu lần so với xe chạy xăng truyền thống. IEA ước tính nhu cầu khoáng sản để sử dụng trong xe điện và pin có thể tăng gấp 30 lần vào năm 2040.

Carole Nakhle, CEO của hãng tư vấn năng lượng Crystol Energy, có trụ sở tại London, cho biết đối với các nước đang phát triển có trữ lượng khoáng sản dồi dào, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch là cơ hội lớn để thúc đẩy nền kinh tế của họ.

“Đây sẽ là bánh mì và bơ của họ trong nhiều năm tới. Họ sẽ tăng cường kiểm soát lĩnh vực khoáng sản và gia tăng doanh thu”, bà nhận định.

Nakhle cho rằng các hành động can thiệp nhà nước để đạt được mục tiêu đó gây rủi ro cho quá trình chuyển đổi năng lượng, có khả năng cản trở đầu tư vào các mỏ mới cần thiết để duy trì nguồn cung. Các nhà kinh tế khác cảnh báo điều này cũng có thể làm tăng chi phí các nguyên vật liệu quan trọng, tăng gánh nặng tuân thủ chính sách quản lý đối với các công ty khai khoáng và dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong tương lai.

“Đó chắc chắn là yếu tố tiêu cực toàn diện đối với quá trình chuyển đổi năng lượng”, Simon Evenett, giáo sư về thương mại quốc tế và phát triển kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ, nói. Theo  Evenett, chính sách can thiệp của nhà nước sẽ làm tăng các thách thức trong nỗ lực tìm nguồn cung ứng khoáng sản cho xe điện.

Nâng cao chuỗi giá trị trong nước

Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia giàu có cũng can thiệp để tăng tốc chuyển đổi khỏi năng lượng carbon. Chẳng hạn, Mỹ đang triển khai hàng tỉ đô la trợ cấp để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp năng lượng sạch trong nước và thu mua các nguồn khoáng sản quan trọng, đáng tin cậy trong và ngoài nước.

“Nếu các nền kinh tế tiên tiến làm điều đó, tại sao chúng ta không mong đợi các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình cũng sẽ làm như vậy?”, Cullen Hendrix, học giả cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nói.

Hendrix cho biết, các nước giàu quặng khoáng sản cũng đang tìm cách nâng cao chuỗi giá trị, thay vì chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc hàng hóa thô.

Indonesia, một cường quốc khoáng sản ở Đông Nam Á, đã khiến các đối tác thương mại tức giận với lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel vào năm 2020. Nhưng quyết định này đã giúp ích cho Indonesia. Các công ty từ khắp châu Á cho đến Mỹ đang đổ tiền đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nickel ở Indonesia, đưa nước này trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện.

Trong tháng 6 này, Jakarta cấm xuất khẩu một khoáng sản khác cần thiết cho pin xe điện: quặng bauxite (được sử dụng để sản xuất nhôm). Giới chức trách Indonesia nói rằng họ muốn các nhà máy luyện kim được xây dựng trên khắp đất nước.

Chính sách chủ nghĩa dân tộc tài nguyên của Indonesia đã vấp phải phản ứng. Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) kiện Indonesia ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với cáo buộc rằng lệnh cấm xuất khẩu nickel của nước này vi phạm các quy tắc thương mại và bóp méo giá quặng. Indonesia cho rằng đó là chính sách cần thiết để hỗ trợ công nghiệp hóa trong nước. Sau khi thua kiện, Indonesia nộp đơn kháng cáo, trong khi vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel.

Indonesia cũng đang thực thi mạnh mẽ hơn luật yêu cầu các công ty khai khoáng nước ngoài thoái vốn.

Các nước Nam Mỹ gia tăng kiểm soát lithium

Các nước khác ở Nam Mỹ cũng đang thực hiện các bước tương tự. Năm ngoái, Mexico sửa đổi luật khoáng sản để cấm các công ty tư nhân thăm dò và khai thác lithium ở nước này. Đến tháng 2 năm nay, Tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador tuyên bố quốc hữu hóa các mỏ lithium và giao trách nhiệm phát triển chúng cho Bộ Năng lượng Mexico

Hồi tháng 4, Tổng thống Chile, Gabriel Boric, công bố chiến lược mới, giúp nhà nước kiểm soát nhiều hơn đối với trữ lượng lithium trong nước. Chiến lược này yêu cầu bất kỳ công ty tư nhân nào, nước ngoài hay trong nước, phải tham gia với nhà nước nếu muốn khai thác lithium ở Chile. Chính sách mới cần phải được quốc hội Chile thông qua. Quốc gia Nam Mỹ này là nhà sản xuất lithium lớn nhất trong Tam giác lithium (bao gồm Chile, Bolivia và Argentina), một vùng sa mạc và cao nguyên chiếm 53% trữ lượng lithium của thế giới.

“Đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững và phát triển”, ông Boric nói.

Một số chuyên gia cho rằng chính sách này có thể sẽ gây tác dụng ngược. Juan Carlos Guajardo, CEO của Plusmining, một công ty tư vấn khai khoáng ở Chile, cho biết nhà đầu tư sẽ nản lòng khi vai trò trung tâm được trao cho các công ty khai khoáng nhà nước.

Guajardo nói: “Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên đang lan rộng khắp thế giới, nhưng điều này mạnh hơn ở Mỹ Latin”.

Các chuyên gia trích dẫn Bolivia, nước đã quốc hữu hóa các mỏ lithium của mình vào năm 2008, như một câu chuyện cảnh báo. Ông Evo Morales, lúc đó là tổng thống Bolivia, đã cam kết rằng thay vì chỉ khai thác lithium, Bolivia sẽ chế tạo xe điện và pin. Nhiều năm sau, các mỏ lithium ở vùng cao nguyên phía nam của đất nước hầu như không được khai thác.

Yacimientos de Litio Bolivianos, công ty lithium nhà nước mà chính phủ Bolivia thành lập, trong những năm gần đây đã chi gần 1 tỉ đô la cho một nhà máy và các cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên, công ty chưa khai thác được nhiều lithium.

Ở châu Phi cận Sahara, các chính phủ đang nỗ lực để thu được lợi nhuận tài chính lớn hơn từ nguồn khoáng sản dồi dao của họ. Năm ngoái, Guinea, một nhà sản xuất bauxite lớn ở Tây Phi, đã áp đặt giá xuất khẩu tối thiểu và kêu gọi các công ty xây dựng các nhà máy chế biến bauxite tại địa phương. Vào tháng 6, Namibia cấm xuất khẩu lithium chưa qua chế biến và các khoáng chất quan trọng khác của pin, bao gồm cobalt, mangan và than chì.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới