(KTSG Online) – Việc sản xuất cây giống, một trong những yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại của ngành cây ăn trái, đang ở tình trạng báo động khi số lượng có, nhưng chất lượng lại rất kém.
TS Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái và đứng thứ 9 về xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức 5 tỉ đô la Mỹ ở năm 2023, trong đó, 6 tháng đầu năm đạt 2,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần hơn 250 triệu cây giống mỗi năm, nhưng chỉ có 666 cây "đầu dòng"
Để có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như nêu trên, tại hội nghị “quản lý chất lượng giống cây ăn trái phía Nam” được tổ chức ở tỉnh Bến Tre hôm 6-7, ông Hoàng Trung cho rằng bên cạnh áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác tiến bộ cũng như chọn tạo giống, thì việc mở rộng diện tích sản xuất của người nông dân có đóng góp rất quan trọng.
Quy mô diện tích sản xuất cây ăn trái cả nước hiện đạt khoảng 1,2 triệu héc ta, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 13,5 triệu tấn, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo ra giá trị lớn về xuất khẩu. “Cây ăn trái đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm qua”, ông Trung nói. Ông cho rằng đây là ngành kinh tế quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của người dân, thậm chí giúp nông dân vươn lên làm giàu.
Tiềm năng xuất khẩu trái cây rất lớn, cho nên, theo ông Lê Văn Đức, diện tích sản xuất mới cây ăn trái hàng năm liên tục tăng cao trong những năm qua, nhất là với những loại cây có điều kiện xuất khẩu tốt như thanh long, sầu riêng, chuối, xoài, mít, bưởi…
Giai đoạn 2017-2021, các loại cây ăn trái chính ở khu vực phía Nam tăng trung bình hàng năm 62.400 héc ta/năm. Trong đó, sầu riêng tăng khoảng 11.800 héc ta; mít 9.300 héc ta; chuối 6.700 héc ta; xoài 5.900 héc ta; bưởi 5.600 héc ta cam và thành long lần lượt tăng 4.900 và 4.000 héc ta mỗi năm... Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng giống cây ăn trái các loại hàng năm lên đến 255-276 triệu cây.
Tuy nhiên, khi nhìn vào số lượng cây đầu dòng (tức cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi tốt hơn các cây khác trong quần thể một giống được công nhận qua khảo nghiệm dòng vô tính để cung cấp vật liệu nhân giống vô tính - PV), thì các tỉnh phía Nam chỉ có vỏn vẹn 666 cây, trong đó, sầu riêng chỉ có 76 cây, bưởi 46 cây, chôm chôm 24 cây, xoài 24 cây, mít 29 cây, thanh long 1 cây…
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - địa phương có diện tích cây ăn trái lớn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - cho biết địa phương hiện có khoảng 82.500 héc ta diện tích sản xuất cây ăn trái, trong đó có 4 loại cây trồng có diện tích lớn, gồm sầu riêng, mít, thanh long và khóm chiếm đến 60.000 héc ta.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Nam, sản xuất giống cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để phục vụ cho nhu cầu trồng của người dân còn hạn chế. Cụ thể trong số 141 cơ sở sản xuất và kinh doanh thì chỉ có 22 cơ sở sản xuất, tức đa phần là nhập từ nơi khác (chủ yếu từ Bến Tre) về bán lại.
Xét về nhu cầu, mỗi năm nông dân trồng cây ăn trái trong tỉnh Tiền Giang cần khoảng 1,6 triệu cây, nhưng năng lực sản xuất của địa phương chỉ 200.000 cây, tức chỉ chiếm 12,5% tổng nhu cầu. Trong đó, số cây ăn trái đầu dòng của Tiền Giang chỉ có 12.
Với số lượng cây đầu dòng như nêu trên (666 cây), Cục Trồng trọt cho rằng “còn rất khiêm tốn” so với nhu cầu, hay nói cách khác lượng cây giống đạt tiêu chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Điều này có nghĩa nông dân đang sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng để sản xuất cây ăn trái.
Trao đổi với KTSG Online, TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nói: “Giống cây ăn trái hiện nay chỉ có số lượng thôi, chứ chưa đạt chất lượng”.
"Tại sao?", ông Châu đặt câu hỏi và giải thích, hiện nay vấn đề gốc ghép không được quan tâm, thậm chí chưa ban hành tiêu chuẩn về gốc ghép. “Gốc ghép phải có tiêu chuẩn riêng”, ông nói và dẫn chứng, chẳng hạn tiêu chuẩn đầu tiên là phải mạnh khoẻ; thứ hai, nếu cây trồng ở vùng mặn thì phải có khả năng chịu mặn hoặc đưa vô vùng có mầm bệnh trong đất nhiều thì phải đạt tiêu chuẩn kháng bệnh…
Theo ông Châu, thực trạng hiện nay đối với việc sản xuất cây giống ăn trái là gốc ghép... "không có gì hết", “miễn ở trên nhãn ở dưới nhãn (gốc ghép và mắt ghép cùng là cây nhãn - PV), ở trên xoài ở dưới xoài, ở trên sầu riêng và ở dưới sầu riêng... là đạt, mà không cần biết giống đó tên gì, đặc tính ra sao”, ông nói. Theo ông Châu, tình trạng này xảy ra do chưa ban hành tiêu chuẩn nên không thể hướng dẫn được.
Làm gì để nâng "chất"?
Với thực trạng cây giống ăn trái như nêu trên, theo ông Châu, giống thương phẩm được sản xuất ra sẽ không đạt yêu cầu và điều này khiến cây ăn trái không có khả chống chịu được với hạn mặn, sâu bệnh; chất lượng trái thương phẩm cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến khả năng cạnh tranh tiêu thụ kém. “Ở các nước tiên tiến, tình trạng cây giống như chúng ta không còn nữa, mà giống nào làm gốc ghép phải rõ ràng; gốc ghép phải có tiêu chuẩn hết”, ông dẫn chứng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh, một trong những “vũ khí” để trái cây của các nước cạnh tranh tốt trên thị trường đó là giống. “Ví dụ, sầu riêng chúng ta cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, và một trong những ưu điểm tạo nên thương hiệu trái cây của một quốc gia đó là giống của họ”, ông nói. Ông cho rằng nông nghiệp của Thái Lan, Malaysia… đi trước Việt Nam mấy chục năm nên họ có nhiều giống tốt, giúp sản phẩm canh tranh tốt hơn Việt Nam rất nhiều.
Chính vì vậy, ông Nguyên đề nghị, cần đầu tư cho các cơ sở, viện, trường về kinh phí, tri thức và cả công nghệ để theo kịp các nước xung quanh nhằm phổ biến được các giống tốt, cạnh tranh lại các nước. “Dự báo năm nay sầu riêng sẽ mang về cho Việt Nam 1,2 tỉ đô la Mỹ và sẽ tăng lên 2 tỉ đô la Mỹ trong những năm tới, nhưng nếu chúng ta có thêm giống sầu riêng và các giống cây tốt hơn nữa thì chắc chắn sẽ còn tăng hơn rất nhiều”, ông nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, cho rằng giống là yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại của cả nông dân và doanh nghiệp. “Do đó, công tác quản lý giống phải được nâng lên, phải quản lý cao nhất để có giống cây trồng bảo đảm”, ông nói.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có định hướng phát triển giống cho các vùng. “Ví dụ, ĐBSCL chọn 1, 2 địa phương có năng lực, khả năng để nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nhằm phát triển mạnh”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông Nam, cần có quy định cụ thể về sản xuất, buôn bán giống cây trồng và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm quản lý chặt chẽ hơn. Song song đó, cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về các cây đầu dòng, tiêu chuẩn cây giống áp dụng trên phạm vi toàn quốc để có quy định chung trong cả nước.