(KTSG Online) – Tín hiệu lạc quan trong xuất khẩu tôm đã xuất hiện khi một số thị trường chủ lực đạt kim ngạch "tháng sau cao hơn tháng trước". Tuy nhiên, xuất khẩu ngành hàng chủ lực này vẫn còn đầy khó khăn và dự báo kim ngạch cả năm sẽ giảm khoảng 1 tỉ đô la Mỹ so với năm 2022.
Tính đến cuối tháng 6-2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 1,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo kim ngạch cả năm 2023 sẽ thấp hơn khoảng 1 tỉ đô la Mỹ so với kết quả của năm trước đó (4,3 tỉ đô la Mỹ).
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm ở mức khoảng 1 tỉ đô la Mỹ nêu trên là nhờ một số thị trường chủ lực như Mỹ ghi nhận có sự “khởi sắc” trở lại, dù vẫn còn cách xa con số của cùng kỳ năm ngoái. Với việc thị trường xuất khẩu chưa thể khôi phục hoàn toàn khiến sản phẩm tôm giá trị gia tăng của Việt Nam, vốn là lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ, đang gặp nhiều bất lợi…
Khách hàng thắt chặt chi tiêu, tôm giá trị cao khó “cạnh tranh”!
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tại một hội nghị ngành tôm mới đây cho biết xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sụt giảm không phải từ đầu năm 2023 mà kéo dài từ tháng 8 năm ngoái đến nay. “Thời điểm cuối năm 2022, chúng tôi dự báo đến hết quí 1-2023 tình hình (xuất khẩu-PV) mới ổn được, nhưng thực tế biến động vẫn không theo chiều hướng mong muốn”, ông nói.
Theo ông, xuất khẩu tôm 2023 sẽ không thể có được kết quả như của năm 2022, nhưng hiện nay đang có những tín hiệu khởi sắc. “Chúng tôi theo dõi số liệu tháng 3, 4 và 5 thì thị trường Mỹ bắt đầu nhập khẩu tăng dần từ Việt Nam cũng như các nước khác”, ông dẫn chứng.
Thực tế, số liệu thống kê Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đến giữa tháng 6-2023 đạt 257 triệu đô la Mỹ, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch bán sang thị trường này từ tháng 3 đến tháng 5 ở trạng thái “tháng sau cao hơn tháng trước”, lần lượt đạt 47 triệu đô la Mỹ, 55 và 68 triệu đô la Mỹ.
Còn tính chung toàn ngành thì riêng tháng 6-2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 341 triệu đô la Mỹ, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo vị tổng thư ký của VASEP, sản phẩm tôm giá trị gia tăng vốn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước các đối thủ đến từ Ấn Độ và Ecuador, nhưng cũng là yếu tố bất lợi khi người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu đang thắt chặt chi tiêu, hạn chế ăn nhà hàng - vốn là phân khúc tiêu dùng chính đối với dòng sản phẩm chế biến sẵn ăn ngay, sản phẩm giá trị gia tăng.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, cho rằng, do tình hình chiến tranh Nga- Ukraine cũng như lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, hay nói cách khác là người tiêu dùng ăn ít lại và chọn thực phẩm có giá rẻ hơn. “Giá của chúng ta cao hơn Ấn Độ và Ecuador rất nhiều nên khó bán”, ông nói.
Theo ông, Việt Nam là quốc gia sản xuất hàng giá trị gia tăng, hàng tiện ích có thể ăn ngay nhiều nên có thể cạnh tranh và bán được giá tốt hơn so với các đối thủ trong nhiều năm qua. “Tuy nhiên, năm nay tình hình thị trường xấu, cho nên, họ cũng ăn rất ít và chọn loại sản phẩm giá rẻ để ăn, khiến tồn kho của doanh nghiệp không xuất được rất lớn”, ông cho biết.
Thậm chí, đối với sản phẩm cùng phân khúc là tôm nguyên con (chưa chế biến) hoặc qua sơ chế đơn giản, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng đang rất khó cạnh tranh so với các đối thủ đến từ Ấn Độ và Ecuador.
Theo đó, vị đại diện doanh nghiệp Minh Phú dẫn chứng, dù không mua hàng, nhưng đơn vị này luôn nhận được lời mời chào từ các khách hàng đến từ Ấn Độ và Ecuador với giá cạnh tranh hơn cả giá doanh nghiệp mua từ nông dân trong nước.
“Ví dụ, Ecuador vừa rồi họ chào cho tôi đơn hàng với loại tôm lặt đầu, giao tới Việt Nam thấp hơn giá nguyên liệu mình đang mua vào tại Việt Nam khoảng từ 10% đến hơn 14%”, ông dẫn chứng và cho rằng khách hàng bán tôm đã lặt đầu tức đã tốn thêm chi phí gia công, nhưng giá vẫn cạnh tranh.
Thậm chí, theo ông Quang, trường hợp doanh nghiệp đàm phán mua thì giá tôm nhập khẩu từ hai thị trường nêu trên có thể còn được giảm thêm khoảng 30-50 cent/kg so với giá chào bán. Rõ ràng, với sức hấp dẫn về mặt giá cả của Ấn Độ và Ecuador khiến tôm Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong “chinh phục” thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ảm đảm như hiện nay.
“Cầm cự” để qua giai đoạn… khó
Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây về đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành thuỷ sản, VASEP dẫn đánh giá từ các doanh nghiệp trong ngành hàng này cho biết, sự sụt giảm trong xuất khẩu của thuỷ sản còn nghiêm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19, tức giai đoạn doanh nghiệp phải sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".
Theo đó, các đơn hàng xuất khẩu đã sụt giảm 20-50%, khiến lượng hàng tồn kho tăng cao và điều này “đẩy” doanh nghiệp gánh chịu nhiều rủi ro, nhất là khi phải chịu áp lực về lãi suất ngân hàng, chi phí duy trì sản xuất gia tăng…
Trước bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Quang của Minh Phú thừa nhận, doanh nghiệp buộc lòng phải giảm giá mua nguyên liệu đầu vào để có giá hàng tồn kho thấp nhằm giúp sản phẩm của doanh nghiệp bán ra được hoà vốn hoặc nếu lỗ thì cũng ở mức thấp. “Vì vậy, giá tôm năm nay thấp”, ông nói.
Cũng theo ông, mọi năm khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp cố gắng mua giá thật cao để hỗ trợ cho nông dân. “Nhưng, năm nay tình hình khác, nếu mua cao doanh nghiệp lỗ nặng, có khả năng phá sản, thì sẽ còn nguy hiểm hơn vì doanh nghiệp còn tồn tại, "sống" được thì mới có người mua tôm cho bà con”, ông giải thích.
Trong khi đó, ông Hoè của VASEP cho rằng, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân được lực lượng lao động cũng như chờ cơ hội thị trường thời gian sắp tới. “Cũng có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện được việc áp dụng biện pháp đấy (duy trì sản xuất giữ chân lao động, chờ cơ hội thị trường- PV)”, ông nói.
Trước khó khăn trên, VASEP kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lãi vay đô la Mỹ xuống dưới 4% và lãi vay đồng Việt Nam xuống dưới 7% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; cho doanh nghiệp giãn nợ 4-6 tháng đối với các khoản vay đến lịch trả trong quí 2 và 3 năm nay và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu 6 tháng đầu năm để thu mua nguyên liệu cho nông dân phục vụ chế biến.
Đồng thời, rà soát thủ tục và xem xét các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi nhỏ, lẻ có cơ hội tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp nhằm phục vụ tái đầu tư sản xuất. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có gói kích cầu phục vụ cho ngành thuỷ sản Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất và nông dân an tâm thả nuôi thay vì “treo ao”.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất của ngành, theo ông Quang, vẫn là câu chuyện giá thành sản xuất, tức phải kéo giảm giá thành để tôm Việt Nam có thể cạnh tranh tốt so với các đối thủ. “Nếu giá thành tôm nuôi của Việt Nam bằng Ecuador và Ấn Độ, tôi nghĩ họ sẽ rất khó bán được tôm”, ông nói và cho rằng giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn Ấn Độ 30% và gấp đôi so với Ecuador là rất khó nên cần phải thay đổi.