(KTSG Online) - Trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TPHCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch giải trình một số vấn đề liên quan tiến độ dự án giao thông, phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch, du lịch đường thủy.
- TPHCM sẽ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tầm châu Á
- Cần tận dụng sông, kênh, rạch để chống ngập cho TPHCM
- TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng
TTXVN đưa tin, tiếp tục kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải về tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, tình trạng kẹt xe tắc đường, hệ thống xe buýt và các giải pháp của ngành giao thông đẩy nhanh tiến độ dự án.
Liên quan đến tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết, dự án dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2023 và hiện Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị metro số 1. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.
Về triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, TPHCM đã được Trung ương chấp thuận mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) song nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng 30% quy hoạch. TPHCM đã kiến nghị đưa nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng giao thông như hình thức đầu tư PPP; khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường Vành đai 3…
Về dự án xây cầu Cần Giờ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin, sở đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng, phấn đấu trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng ngày 30-4-2025, quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.
Song song với việc nghiên cứu thực hiện dự án cầu Cần Giờ, TPHCM cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ.
Về phát triển các tuyến xe buýt, ngành giao thông vận tải đang tổ chức đánh giá để tái cấu trúc lại mạng lưới xe buýt, hướng đến phát triển phương tiện sử dụng phương tiện sạch. TPHCM sẽ nghiên cứu các phương án đảm bảo việc lưu thông các tuyến xe buýt an toàn, giảm ùn tắc giao thông; nghiên cứu phát triển vé xe buýt điện tử.
Cũng theo TTXVN, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa trả lời chất vấn cho biết, ngành du lịch thực hiện nhiều biện pháp phát triển du lịch bền vững, trong đó xác định các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế thành sản phẩm đặc thù là đường thủy, giải trí tích hợp kinh tế đêm; du lịch sự kiện; phối hợp Sở Văn hóa Thể thao tiếp tục phát triển sản phẩm gắn với từng di tích văn hóa, kết hợp công nghệ tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Về phát triển kinh tế đêm, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, đây là hướng phát triển gia tăng chi tiêu hoạt động kinh tế. Hiện nay, một số quận, huyện, nổi bật là quận 1 và quận 3 đang tập trung thực hiện đề án tuyến phố đi bộ gắn với hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ phát triển du lịch.
Ngành cũng đang cùng các chuyên gia lựa chọn các điểm đến phát triển tuyến đặc trưng để phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến kinh tế đêm, từ đó có thể giữ chân du khách được lâu hơn.
Liên quan đến việc phát triển du lịch đường thủy, hiện ngành du lịch và các ngành khác quan tâm tháo gỡ khó khăn để có cơ chế sử dụng quỹ đất ven trên kênh; quy chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến đón trả khách, bến neo đậu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong phát triển du lịch đường thủy là tạo thói quen giao thông thủy.
Bởi mỗi năm, TPHCM chỉ có 300.000 lượt sử dụng phương tiện đường thủy, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Nếu phát triển được giao thông đường thủy thì phát triển du lịch đường thủy cũng sẽ thuận lợi hơn.
Do đó, thời gian tới ngành du lịch sẽ xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ giới thiệu các tuyến du lịch đường thủy; chú trọng kết nối phát triển du lịch đường thủy gắn liền với các điểm di tích, văn hóa lịch sử…