Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hành trình phát triển kinh tế tuần hoàn đang ‘nghẽn’ vì rác

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bình quân mỗi ngày toàn TPHCM thải ra khoảng 10.000 tấn rác và toàn bộ số rác khổng lồ này đang được xử lý bằng cách chôn lấp. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế để phát triển kinh tế tuần hoàn, TPHCM phải tháo gỡ các nút thắt trong xử lý rác hiện nay.

TPHCM vẫn gặp khó khăn trong phân loại rác và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn – Ảnh minh họa: TL

Việc đầu tư, phát triển tập trung vào công nghệ tái chế chất thải là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn nếu TPHCM tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục, nâng cao năng lực xử lý rác thải như mục tiêu đã đề ra.

Áp lực từ rác và rác nhựa đang đè nặng

Theo kế hoạch về xử lý chất thải mà UBND TPHCM đã ban hành, tỷ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%. Với dân số tăng cơ học thêm khoảng 200.000 người mỗi năm, lượng rác thải đô thị của TPHCM sẽ tăng thêm 10 - 15%/năm. Tại một số thời gian cao điểm hiện nay, lượng rác thải đã lên đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày và dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày.

Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM tại Hội thảo “Tham vấn khu vực phía Nam đối với Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn” tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua cho biết, mỗi ngày trên địa bàn thành phố thải ra là 10.000 tấn rác, trong đó rác từ hộ gia đình chiếm khoảng 42%, từ cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ khoảng 40% và từ khu vực công cộng như đường phố, kênh rạch, công viên…khoảng 18% (1).

Mới đây, tại một hội theo về tái chế nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỉ túi nhựa. TPHCM có lượng tiêu thụ nhựa và túi nhựa hàng ngày lên tới 80 tấn và hơn 80% số túi nhựa đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần (2).

Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nhựa ở Việt Nam chiếm khoảng 8% đến 12% chất thải rắn sinh hoạt. Thế nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải này được tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt hoặc đổ tràn lan ra các bãi đất trống.

Những con số liên quan đến lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa nói trên cho thấy, xử lý rác băng công nghệ cao như đốt phát điện, tái chế đang là mục tiêu phải đạt được để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại TPHCM.

Tuy nhiên, để có được tỷ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100% thì chính quyền thành phố còn phải vượt qua không ít trở ngại khá lớn.

Xử lý rác công nghệ cao đang bị vướng

Một trong những vướng mắc lớn nhất trong xử lý rác tại TPHCM trong thời gian qua là công nghệ xử lý rác và chi phí xử lý rác. Hiện nay lượng rác chủ yếu được đưa đến nhà máy rác Đa Phước để chôn lấp. Việc chế biến rác thành phân bón đã không thực hiện được vì công nghệ của nhà máy này đòi hỏi toàn bộ rác phải được phân loại trước từ đầu nguồn, điều mà hệ thống thu gom rác ở TPHCM khó đáp ứng được.

Trong khi đó, ba dự án xử lý rác bằng công nghệ cao có thể đốt rác phát điện mà không cần phân loại tại nguồn dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020, đầu năm 2021 đã bị trễ hẹn. Lý do chậm trễ là phải chờ Quy hoạch điện VIII ban hành. Dù đã làm lễ khởi công vào cuối năm 2019, các dự án đốt rác phát điện này chưa được đưa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia nên chưa thể xây dựng.

Đến thời điểm hiện tại, ba nhà máy đốt rác phát điện gồm nhà máy của Công ty Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi, mỗi nhà máy có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày vẫn chưa hoạt động được. Hiện mới có nhà máy Vietstar đã vận hành giai đoạn 1, đang sản xuất được 7.500 tấn phân hữu cơ và 300 tấn nhựa PE/tháng (3).

Trong khi đó, ở tỉnh Bình Dương sát vách TPHCM, các doanh nghiệp xử lý rác đã hoạt động khá hiệu quả với nhà máy sản xuất phân compost với công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt; xây dựng nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 4,6MW (200 tấn rác thải/ngày); hệ thống thu hồi nhiệt từ lò đốt chất thải để phát điện với công suất 9,6 MW và hệ thống thu hồi nhiệt từ các hố chôn lấp để phát điện với công suất 1.600 KVA (4).

Nếu không tháo được nút thắt xử lý rác, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn của TPHCM sẽ khó sớm đạt được như mục tiêu đặt ra.

Mỗi ngày TPHCM thải ra gần 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ gần 13% lượng nước thải này được xử lý. Ảnh minh họa: TTXVN

Tranh thủ hợp tác quốc tế, tiếp cận tín dụng xanh

Hồi đầu tháng này, Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng đã có cuộc làm việc với UBND TPHCM về một số lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới. Phía UNDP nhấn mạnh đến việc hỗ trợ TPHCM nâng cao năng lực quản lý, xử lý các vấn đề như rác thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

UNDP cho biết sẽ giới thiệu kinh nghiệm của UNDP ở các thành phố khác để TPHCM tham khảo về tăng cường nhận thức về rác nhựa, phân loại và tái chế rác cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động thu gom và tái chế rác (5).

Trong tuần này, UBND TPHCM cũng đã làm việc với Samsung Engineering về việc công ty này muốn tham gia vào các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại TPHCM. Mỗi ngày, thành phố có gần 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ gần 13% lượng nước thải này được xử lý tại ba nhà máy của thành phố. Thành phố đã lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải với mục tiêu đến năm 2025 khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường (6).

Sắp tới đây, khi Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ra đời, TPHCM sẽ có thêm khung pháp lý để doanh nghiệp yên tâm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn và tiếp cận vốn thông qua tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Trong thời gian tới, TPHCM cần tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM kết hợp với nghị định về phát triển kinh tế tuần hoàn để tháo gỡ các điểm nghẽn lâu nay trong xử lý chất thải, nước thải, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

---------------------------

(1) http://tapchimoitruong.vn/su-kien-hoat-dong-27/tham-van-khu-vuc-phia-nam-doi-voi-du-thao-ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-thuc-hien-kinh-te-tuan-hoan-28699
(2) https://baodautu.vn/thuc-day-cong-nghe-tai-che-chat-thai-nhua-tien-toi-muc-tieu-thuc-hien-nen-kinh-te-tuan-hoan-d190080.html
(3)  https://tuoitre.vn/vuong-luat-dot-rac-phat-dien-tp-hcm-3-nam-van-nam-tren-giay-20230606224035543.htm
(4) https://baobinhduong.vn/xay-dung-nen-kinh-te-tuan-hoan-phat-trien-ben-vung-a300177.html
(5) https://tuoitre.vn/truong-dai-dien-undp-tp-hcm-dat-dao-nang-luong-tre-20230710095209436.htm
(6) https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-danh-gia-cao-cong-ty-samsung-engineering-tham-gia-vao-cac-du-an-ve-xu-ly-nuoc-thai-1491910902

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới