(KTSG Online) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam đã phải cắt giảm bớt các đường bay quốc tế. Đến nay, các hãng này gặp khó khăn trong việc xin cấp phép bay lại hoặc tăng tần suất bay đến một số nước.
- Vietravel Airlines mở đường bay quốc tế đến Thái Lan
- Khôi phục đường bay quốc tế đến Đà Lạt sau hơn 2 năm tạm ngừng
TTXVN đưa tin, Cục Hàng không vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, khai thác slot (giờ cất, hạ cánh) trên một số đường bay quốc tế, trong bối cảnh các hãng bay Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn để duy trì cất cánh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Liên quan đến tình hình hoạt động và khai thác slot bay giữa Việt Nam - Trung Quốc, theo báo cáo của Cục Hàng không, năm 2019 (trước dịch Covid-19), thị trường hàng không Việt Nam-Trung Quốc có 14 hãng hàng không của hai nước khai thác, trong đó 11 hãng hàng không Trung Quốc và 3 hãng hàng không Việt Nam.
Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 25% và các hãng hàng không Trung Quốc đạt khoảng 38% khối lượng so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Vướng mắc các hãng hàng không Việt đang gặp phải là không duy trì được tỷ lệ sử dụng slot tại các sân bay của Trung Quốc trong lịch bay mùa hè 2023 để có thể giữ slot lịch sử (slot đã sử dụng và được xác nhận) cho mùa hè 2024.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng cần thiết có sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải cũng như nhà chức trách hàng không hai nước đối với việc bảo lưu slot lịch sử. Ngoài ra, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép việc giữ slot lịch sử trên cơ sở “có đi có lại” trong trường hợp các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc không sử dụng hết slot trong lịch bay mùa hè 2023.
Đối với hoạt động và khai thác slot bay giữa Việt Nam - Anh, báo cáo của Cục Hàng không cho thấy từ lịch bay mùa hè 2022, Bộ Giao thông Vận tải Anh yêu cầu các hãng hàng không phải đảm bảo tỷ lệ khai thác là 70% để có thể giữ slot lịch sử. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines không duy trì được tỷ lệ này và đã không giữ được slot lịch sử cho lịch bay mùa hè 2023 tại sân bay London Heathrow.
Cục Hàng không đã làm việc với phía Anh đề nghị duy trì slot lịch sử cho Vietnam Airlines nhưng không được đáp ứng do tổ chức điều phối của Anh là cơ quan độc lập và Bộ Giao thông Vận tải nước này không thể can thiệp. Việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các hãng hàng không Anh trong việc xác nhận slot cũng không khả thi vì các hãng này không có đường bay đến Việt Nam.
Đối với đường bay đến Ấn Độ, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác thác hết tải cung ứng đến 4 thành phố lớn ở Ấn Độ. Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ xem xét tăng tần suất trên các đường bay đến 4 điểm này, nhưng đến nay phía Ấn Độ không có phản hồi.
Hiện các hãng bay Việt Nam đã khai thác 28 chuyến/tuần, trong khi các hãng Ấn Độ khai thác 14/28 chuyến. Việc các hãng Ấn Độ chưa khai thác hết tải cung ứng được phép là nguyên nhân khiến phía Ấn Độ chưa xem xét đề nghị này.
TTXVN dẫn số liệu của Cục Hàng không cho biết, số lượng hãng hàng không quốc tế tham gia khai thác trở lại tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo trong các tháng cuối năm, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ nhanh hơn các tháng đầu năm 2023.
Hiện tại, có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Úc (tăng 10-30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019. Một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh. Tuy nhiên vẫn còn một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm hơn so với tổng thể.