Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Cơn bão’ nợ xấu doanh nghiệp đang uy hiếp kinh tế toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – ‘Cơn bão’ nợ xấu doanh nghiệp 500 tỉ đô la Mỹ đang chuẩn bị ập đến nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất liên tục tăng. Nhưng con số chắc chắn sẽ chưa dừng lại khi các ngân hàng trung ương ở phương Tây dự kiến duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến để bảo đảm chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Chuỗi bán lẻ nội thất Bed Bath & Beyond (Mỹ) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 4. Bed Bath & Beyond là một trong 120 doanh nghiệp lớn ở Mỹ phá sản trong năm nay. Ảnh: Market Watch

Gánh nặng nợ nần lớn hơn khi lãi suất tăng

Điện thoại của Richard Cooper giống như thiết bị reo cảnh báo sớm cho nền kinh tế toàn cầu. Gần đây, nó đổ chuông rất nhiều.

Là đối tác của Cleary Gottlieb (Mỹ), một hãng luật hàng đầu về tư vấn phá sản doanh nghiệp, ông đã tư vấn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong nhiều thập niên về những việc cần làm khi họ chìm trong nợ nần. Công việc của ông trở nên bận rộn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, cú sụp đổ giá dầu năm 2016 và đại dịch Covid-19. Giờ đây, ông lại bị cuốn vào guồng quay gấp gáp của công việc một lần nữa khi số vụ phá sản của các công ty lớn ở Mỹ với tốc độ nhanh thứ hai kể từ năm 2008.

Cooper nói: “Tôi có cảm giác tình hình lần này khác với những chu kỳ trước. Bạn sẽ chứng kiến rất nhiều vụ vợ nỡ doanh nghiệp”.

Tính chất đặc thù công việc cho phép Cooper nhìn thấy trước ‘cơn bão’ nợ xấu doanh nghiệp trị giá hơn 500 tỉ đô la đang bắt đầu đổ bộ trên toàn cầu, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Nhưng con số này gần như chắc chắn tăng lên trong thời gian tới. Căng thẳng nợ nần của doanh nghiệp sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và gây căng thẳng cho thị trường tín dụng Mỹ vừa mới thoát khỏi những tổn thương nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên sau cú sụp đổ của hàng loạt ngân hàng khu vực.

Nhìn bề ngoài, vấn đề nợ xấu doanh nghiệp có vẻ như là kết quả từ chuyển động thông thường của chủ nghĩa tư bản khi nhiều công ty rơi vào tình trạng khó khăn do công nghệ thay đổi hoặc sự trỗi dậy của hình thức làm việc từ xa, khiến nhiều tòa nhà văn phòng ở Hồng Kông, London và San Francisco có tỷ lệ trống tăng mạnh.

Tuy nhiên, ở dưới bề mặt là một vấn đề nghiêm trọng và rắc rối hơn: Các khoản nợ doanh nghiệp tăng mạnh trong thời kỳ tiền rẻ bất thường. Giờ đây, khoản nợ đó trở thành gánh nặng lớn hơn khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và dường như sẽ duy trì chi phí vay ở mức cao trong thời gian lâu hơn dự kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế ở Phố Wall.

Dĩ nhiên, làn sóng căng thẳng nợ nần dâng cao một phần là do hành động của giới chức trách. Bị bất ngờ khi lạm phát tăng, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã quyết liệt rút tiền mặt khỏi hệ thống tài chính thế giới, cố tình làm chậm nền kinh tế của họ bằng cách chặn dòng tín dụng cho các doanh nghiệp. Chắc chắn, động thái đó sẽ dẫn đến nhiều số vụ phá sản doanh nghiệp.

Chu kỳ vỡ nợ doanh nghiệp trên diện rộng sắp đến?

Tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp đặc biệt dễ bị tổn thương sau khi tích lũy nợ quá nhiều trong những năm lãi suất thấp nhất. Vào thời kỳ tiền rẻ, ngay cả những doanh nghiệp bị xếp hạng rủi ro cao cũng dễ dàng vay tiền, giúp họ tránh sụp đổ.

Tại Mỹ, số lượng trái phiếu lợi suất và các khoản vay có đòn bẩy (dành cho doanh nghiệp có nhiều nợ và tín nhiệm thấp) tăng hơn gấp đôi lên 3 nghìn tỉ đô la trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2021, trước khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu triển khai chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên. Trong cùng thời kỳ, các khoản nợ của các công ty phi tài chính ở Trung Quốc tăng mạnh so với quy mô nền kinh tế của nước này. Và ở châu Âu, doanh số bán trái phiếu rác  (do các công ty có mức tín nhiệm nợ hạng rác phát hành) tăng hơn 40% chỉ riêng trong năm 2021. Rất nhiều trong số lô trái phiếu này sẽ đáo hạn trong vài năm tới, góp phần tạo khoản nợ 785 tỉ đô la sắp đến hạn thanh toán.

Với tình trạng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu và Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất, các nghĩa vụ thanh toán toán nợ nần đó có thể quá sức chịu đựng đối với một số doanh nghiệp. Dữ liệu cho thấy chỉ riêng ở châu Mỹ, khối lượng trái phiếu và khoản vay có vấn đề đã tăng hơn 360% kể từ năm 2021. Nếu tình trạng này tiếp tục lan rộng, điều đó có thể dẫn đến chu kỳ vỡ nợ doanh nghiệp trên diện rộng đầu tiên kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008

Hơn 120 vụ phá sản lớn xảy ra ở Mỹ trong năm nay. Dù vậy, chưa đến 15% trong số gần 600 tỉ đô la nợ đang giao dịch ở mức căng thẳng (giao dịch ở mức giá 80 cent trở xuống so với mệnh giá 1 đô la do doanh nghiệp đối mặt với phá sản hoặc đang căng thẳng tài chính) trên toàn cầu đã thực sự vỡ nợ, dữ liệu của Bloomberg cho thấy. Điều đó có nghĩa là 500 tỉ đô la nợ doanh nghiệp có thể không trả được, hoặc ít nhất là phải chật vật mới trả được.

Trong tuần này, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết tỷ lệ vỡ nợ đối với các công ty có trái phiếu được xếp hạng có thể đầu tư trên toàn thế giới dự kiến lên mức 5,1% vào năm tới. Tỷ lệ này tăng từ mức 3,8% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6-2023

Moody’s  đánh giá, trong kịch bản bi quan nhất, tỷ lệ vỡ nợ này có thể tăng lên tới 13,7% , cao hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Bất động sản thương mại là tâm điểm

Tất nhiên, còn nhiều điều chưa chắc chắn. Nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường một cách đáng ngạc nhiên khi đối mặt với chi phí vay cao hơn. Trong khi đó, tốc độ tăng lạm phát của Mỹ giảm dần đều đang thắp lên kỳ vọng Fed có thể hướng nền kinh tế đến một cuộc hạ cánh mềm.

Dù vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt thách thức ngay cả khi số lượng các vụ vỡ nợ doanh nghiệp tăng ở mức khiêm tốn. Số vụ vỡ nợ càng  gia tăng, càng có nhiều nhà đầu tư và ngân hàng có thể siết chặt hoạt động cho vay, từ đó, đẩy nhiều công ty vào tình trạng khó khăn khi các lựa chọn vay vốn biến mất. Các vụ phá sản cũng gây áp lực lên thị trường việc làm khi người lao động bị sa thải, dẫn đến sức chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống.

Không có ngành nào khác phải đối mặt áp lực gay gắt như bất động sản thương mại ở các nước phát triển do tỷ lệ nhân viên văn phòng quay trở lại làm việc thấp khiến các tòa nhà trống trải và các trung tâm thành phố trở nên hoang vắng. Dữ liệu cho thấy hơn 1/4 nợ xấu doanh nghiệp trên toàn thế giới, tương đương khoảng 168 tỉ đô la,  gắn liền với lĩnh vực bất động sản, cao hơn nợ xấu ở bất kỳ lĩnh vực đơn lẻ nào khác.

Tương lai bất động sản thương mại dường như vẫn ảm đạm. Một cuộc khảo sát của hãng tư vấn bất động sản Knight Frank cho thấy một nửa số công ty đa quốc gia lớn có kế hoạch cắt giảm diện tích văn phòng. Việc thuyết phục khách thuê trở lại có thể tốn kém, đặc biệt khi các doanh nghiệp ưu tiên không gian làm việc thân thiện với môi trường hơn.

Hầu hết các khoản nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản là kết quả của cú sụp đổ bất động sản ở Trung Quốc. Khi China Evergrande Group tái cơ cấu khoản nợ của mình, các tập đoàn bất động sản lớn khác như Dalian Wanda Group và Country Garden Holdings chứng kiến giá trái phiếu của họ lao dốc. Tại Mỹ, trái phiếu đáo hạn vào năm 2025 của công ty không gian làm việc chung WeWork hiện có lợi suất khoảng 70%, cho thấy mức độ rủi ro vỡ nợ rất cao. WeWork lỗ chồng chất kể từ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng ( IPO) vào năm 2020.

Theo Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới