Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thực hiện chiến dịch tăng mức định giá của doanh nghiệp nhà nước

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bắc Kinh đang nỗ lực thực hiện chiến dịch cải cách mới tại các doanh nghiệp nhà nước (SOE), nhằm tăng mức định giá của các doanh nghiệp này thông qua cái gọi là “hệ thống định giá mang bản sắc Trung Quốc”.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group Inc. nói rằng các SOE đóng góp rất ít vào đà tăng các chỉ số chứng khoán quốc gia trong những năm qua. Và Trung Quốc hiện đang muốn chứng minh với thế giới rằng đầu tư vào Trung Quốc đại lục có thể mang lợi ích cho tất cả mọi người, từ những người gửi tiết kiệm trong nước đến những nhà quản lý quỹ luôn hoài nghi.

Tác động của hệ thống định giá mới

Góp phần thúc đẩy giá cổ phiếu của một số SOE tăng hơn 50%, chiến dịch đi kèm với khẩu hiệu kêu gọi mọi người tham gia “hệ thống định giá mang đặc sắc Trung Quốc”. Các SOE đang là trung tâm của một cuộc tranh luận quan trọng gồm vai trò của thị trường và nhà đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước niêm yết trong giai đoạn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang kiểm soát chặt chẽ hơn nền kinh tế đại lục.

Song song đó, các nhà quản lý tiền tệ toàn cầu ngày càng thận trọng đối với các loại tài sản tại Trung Quốc sau các đợt chấn chỉnh và căng thẳng địa chính trị trong những năm qua. Cổ phiếu của Trung Quốc được xếp vào nhóm những cổ phiếu có mức độ hiệu quả kém nhất thế giới trong năm nay.

Khi đề cập đến cổ phiếu giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, Giám đốc đầu tư Stella Li của quỹ abrdn Plc cho rằng: “Hệ thống định giá mang đặc sắc Trung Quốc rõ ràng đã giúp ích phần nào cho tâm lý, nhưng chúng tôi tập trung hơn vào các cải cách dài hạn, trong đó hệ thống định giá là một phần của chủ đề lớn hơn. Một cuộc cải cách dài hạn và liên tục giúp tăng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn (ROE), hiệu quả và tính minh bạch sẽ cải thiện sức hấp dẫn của cổ phiếu hạng A đối với các nhà đầu tư toàn cầu”.

Chỉ số của các SOE đã tăng mạnh kể từ khi Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc Yi Huiman đề cập đến hệ thống định giá SOE trong một bài phát biểu vào tháng 11-2023. Truyền thông Trung Quốc cũng nói rằng định giá của các công ty này quá thấp dù họ đóng vai trò chi phối trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một thước đo cổ phiếu của các công ty thuộc sở hữu của chính phủ trung ương đã tăng khoảng 5% sau nhận xét của ông Yi, vượt trội so với Chỉ số CSI 300 vốn ít thay đổi. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như PetroChina Co., China Telecom Corp. và China Satellite Communications Co. đều tăng hơn 50% từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 5, khi đà tăng đạt đến đỉnh điểm.

Sự lạc quan về các công ty nhà nước đang gia tăng sau khi cơ quan quản lý đưa ra một loạt mục tiêu mới trong năm nay trong định giá. Việc tập trung vào các chỉ số như ROE và tỷ lệ tiền mặt hoạt động làm tăng áp lực, buộc các SOE phải tăng cường mua lại cổ phần và chia cổ tức cũng như tăng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Mức định giá thấp của các doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ làm suy giảm khả năng gọi vốn trên thị trường của các doanh nghiệp. Các chỉ số quản trị và lợi nhuận của SOE đang tụt xa so với doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: EPA-EFE

Doanh nghiệp nhà nước đang tụt hậu

Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt cải cách SOE trong các năm qua, với những đợt đầu tư lớn cho đổi mới công nghệ đến cải tổ cấu trúc. Mức định giá kém của SOE khiến các doanh nghiệp này khó lòng gọi vốn tại các thị trường trong và ngoài nước.

Theo truyền thống, các thước đo của SOE có xu hướng tụt hậu so với các thước đo của các doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ, nhà sản xuất rượu Wuliangye Yibin có ROE trung bình năm năm là 25%, hay Công ty Sichuan Swellfun có tỷ lệ 40%.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đứng đầu Trung Quốc về giá trị vốn hóa thị trường, đang giao dịch với hệ số P/B là 0,38 - 0,51 lần tại Hồng Kông. Con số này so với 0,75 lần của Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. của Nhật Bản và 2,45 lần của ngân hàng CBA ở Úc.

Ngân hàng Morgan Stanley nhận định rằng các ngành công nghiệp do SOE chiếm lĩnh như viễn thông, ngân hàng và tiện ích công đã giao dịch ở mức chiết khấu dài hạn khoảng 11% so với các ngành này tại các thị trường mới nổi và 28% so với thị trường toàn cầu.

Đối với Sharukh Malik, Giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ Guinness Global Investors, yêu cầu các SOE giảm lượng tiền mặt họ nắm giữ là chìa khóa quan trọng, bởi nhiều doanh nghiệp nắm giữ tới một nửa bảng cân đối kế toán bằng tiền mặt. “Điều đó chắc chắn là tích cực cho câu chuyện kinh doanh ở Trung Quốc. Cải cách cũng có thể ở dạng tăng trưởng thu nhập tốt hơn và dẫn đến ROE cao hơn. Đây là một mặt tích cực khác nhìn từ quan điểm thể chế.”

Nhưng quy mô lớn của các tập đoàn quốc doanh cho thấy rằng chiến dịch sẽ không nhanh chóng và cũng không dễ dàng thực hiện.

Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp nhà nước, trong đó chính quyền trung ương trực tiếp kiểm soát 98 đơn vị trong các ngành công nghiệp then chốt. CEO Chen Jiao của China Reform Holdings Corp, cho biết trong khi lợi nhuận của các SOE trung ương tăng 115% trong giai đoạn 2016-2022, vốn hóa thị trường của họ chỉ tăng 12,7%, thấp hơn mức tăng chung là 16% của toàn thị trường.

Ngoài ra, những người thực hiện cải cách sẽ phải giải quyết xung đột lợi ích, bởi không giống như hầu hết các nhà đầu tư, SOE có xu hướng ưu tiên các mục tiêu xã hội hơn lợi nhuận.

Nhà quản lý Xiadong Bao từ quỹ Edmond de Rothschild Asset Management ở Paris nói rằng: “Chúng ta có thể hài lòng khi nhận thấy những cải tiến như vậy thông qua các KPI rõ ràng, chẳng hạn như chỉ số tài chính, tức là tăng trưởng lợi nhuận, ROE, chi trả cổ tức… Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể xác định tính bền vững của sự liên kết này, vì các hạng mục ưu tiên trong chương trình nghị sự của các SOE có thể thay đổi qua các thời kỳ, do họ phải gánh vác nhiều trách nhiệm xã hội hơn”.

Có rất nhiều nguy cơ xảy ra như nếu Bắc Kinh không hồi sinh được các SOE của mình thì có thể gây ra nhiều cuộc tranh luận hơn về tính khả thi của các cải cách mà Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi.

Nhà quản lý Bao từ Edmond de Rothschild của Bao nêu rõ: “Cải tổ doanh nghiệp quốc doanh là một quá trình lâu dài và không phải là mới trong lịch sử cải cách tổng thể của Trung Quốc. Nhưng cải cách có thể thắp lên tia hy vọng rằng một cách tiếp cận dựa trên động lực thị trường hơn có thể chiếm ưu thế. Sự đổi mới trong các nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp quốc doanh và chính sách hoàn trả cho cổ đông sẽ giúp ích cho tâm lý thị trường”.

Theo Bloomberg, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới