Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam có bao nhiêu gạo dành cho chế biến và xuất khẩu năm 2023?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tổng lượng lúa quy gạo được sản xuất ra của Việt Nam trong cả năm 2023 ước đạt trên 26,3 triệu tấn. Vậy, tổng lượng gạo có thể phục vụ cho riêng nhu cầu chế biến và xuất khẩu trong năm nay của cả nước là bao nhiêu?

Việt Nam có bao nhiêu lúa gạo phục vụ chế biến, xuất năm 2023. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng lúa hàng hóa quy ra gạo của cả nước trong năm nay ước đạt 26,347 triệu tấn. Trong đó, quí 1 đạt 10,222 triệu tấn; quí 2 là 5,24 triệu tấn; con số của quí 3 và quí 4 lần lượt là 4,589 và 6,287 triệu tấn.

Trong tổng lượng gạo của quí 1-2023 như nêu trên, nhu cầu tiêu thụ của người dân là 4,594 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi và làm giống lần lượt đạt 1,598 và 0,5 triệu tấn. Riêng phục vụ cho chế biến (bao gồm cả chế biến các sản phẩm sau gạo và phục vụ cho xuất khẩu) là 3,53 triệu tấn.

Tương tự, đối với quí 2-2023, nhu cầu tiêu thụ của người dân là 2,294 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi là 918.000 tấn và phục vụ chế biến là 2,028 triệu tấn.

Trong quí 3, nhu cầu tiêu thụ của người dân được dự báo là 2,307 triệu tấn, phục vụ chăn nuôi là 714.000 tấn và phục vụ nhu cầu chế biến là 1,577 triệu tấn; ở quí 4-2023, các con số phản ánh nhu cầu lần lượt là 2,796 triệu tấn, 1,088 và 2,403 triệu tấn.

Như vậy, sau khi trừ đi phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân, chăn nuôi và làm giống, thì tổng lượng gạo có khả năng phục vụ cho nhu cầu chế biến (chế biến sau gạo và xuất khẩu) trong năm 2023 ước đạt khoảng 9,538 triệu tấn.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, những con số thống kê về tình hình tiêu thụ gạo nêu trên cũng chỉ ở mức tương đối.

Trong một sự diễn tiến có liên quan, số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu từ quốc gia này khoảng 370.000 tấn gạo. Trong khi đó, theo một nguồn tin của KTSG Online, đến thời điểm này, lượng lúa từ Campuchia bán sang Việt Nam đạt khoảng 2 triệu tấn, tương đương khoảng 1,2 triệu tấn gạo.

Như vậy, nếu cân đối cả lượng gạo từ Ấn Độ và Campuchia bán vào Việt Nam (đến thời điểm hiện tại) để phục vụ cho các nhu cầu, thì lượng gạo dư ra có thể phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu có thể lên đến khoảng 11,1 triệu tấn.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kết thúc quí 2-2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,27 triệu tấn, với trị giá đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,2% về khối lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình nguồn cung lúa gạo trong nước được đặc biệt quan tâm sau khi Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay- chính thức áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo trắng (trừ Basmati) kể từ ngày 20-7-2023.

Phản ứng trước động thái nêu trên, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hoả tốc yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu đạt tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó nhằm bình ổn thị trường và đảm bảo an ninh lương thực.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng được yêu cầu đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp và có hiệu quả; nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới