Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Startup sử dụng 100 triệu đô la tiền bán tín chỉ carbon để trợ giá nhiên liệu nấu ăn sạch

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

KTSG Online) – Bằng cách thúc đẩy các hộ gia đình sử dụng nhiên liệu sạch ethanol để nấu ăn thay cho than củi, công ty khởi nghiệp (startup) Koko Networks ở Kenya đã huy động được hơn 100 triệu đô la Mỹ thông qua thị trường tín chỉ carbon. Công ty này sử dụng nguồn tiền thu được để trợ giá cho lò nấu ăn và ethanol bán cho khách hàng.

Khách hàng ở thủ đô Nairobi sử dụng lò bếp nấu ăn bằng nhiên liệu ethanol trợ giá của Koko. Ảnh: kokonetworks

Trong 4 năm qua, Koko Networks, thành lập năm 2019 đã huy động được hơn 100 triệu đô la Mỹ nhờ bán tín chỉ carbon trên các thị trường quốc tế. Công ty sử dụng nguồn tiền này để trợ giá cho việc nấu ăn bằng năng lượng sạch ở Kenya, giúp các gia đình dừng sử dụng than củi, một nguồn nhiên liệu rẻ hơn nhưng nguy hiểm hơn.

Greg Murray, CEO kiêm đồng sáng lập của Koko, cho biết, giống như cách mà các chính phủ đã trợ cấp cho năng lượng hộ gia đình ở các nước giàu có hơn, thị trường carbon đang hỗ trợ một hệ thống năng lượng mới ở Kenya.

“Chúng tôi thành lập công ty này với mục tiêu là cắt giảm khí thải carbon. Chúng tôi đang tận dụng nguồn trợ cấp kinh tế phi chính phủ để đảm nhận nhiệm vụ trợ cấp năng lượng sạch của chính phủ”, ông nói với Financial Times.

Ông cho biết thêm, mô hình này có thể được áp dụng ở bất kỳ nước nào trong số 60 nước có rừng nhiệt đới trên thế giới, nơi phần lớn người dân dựa vào than củi để nấu ăn. Thay vì đốt than củi, khách hàng của Koko sử dụng ethanol làm từ bắp hoặc mía, trên bếp lò đôi của công ty. Loại bếp này có chốt khóa khí thải để hạn chế khói.

Ethanol được mua từ các máy bán hàng tự động của Koko đặt tại các cửa hàng ở góc phố địa phương, nơi khách hàng có thể đổ đầy các chai có thể tái sử dụng nhiều lần.

Bằng cách cắt giảm việc sử dụng than củi, một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng, Koko có thể phát hành các tín chỉ carbon đã được kiểm toán trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thay vì số tiền bán tín chỉ carbon là doanh thu bổ sung, công ty trả lại giá trị cho khách hàng dưới dạng trợ giá, giúp chi phí bếp lò giảm 85% và chi phí ethanol giảm 25-40%. Chính sách trợ giá này giúp nhiều hộ gia đình có thể chi trả để sử dụng ethanol ở nhà bếp

“Chúng tôi đã chuyển hơn 100 triệu đô la giá trị carbon vào ví của người dân Kenya. Đó là một khoản trợ giá có mục tiêu”, Murray nói.

Nếu giá carbon trên thị trường quốc tế tăng lên, doanh thu bổ sung mà Koko kiếm được từ các tín chỉ carbon sẽ cao hơn, cho phép công ty giảm chi phí cho khách hàng hơn nữa.

Murray cho biết, điều cốt lõi giúp Koko thành công trong việc tiếp cận tài chính carbon là khả năng bán tín chỉ carbon ở các thị trường tuân thủ, nơi các chương trình do chính phủ hậu thuẫn buộc các công ty phải bù đắp lượng phát thải carbon của doanh nghiệp. Koko đã bán tín chỉ carbon cho một thị trường tuân thủ ở Hàn Quốc và sẽ bắt đầu bán cho một chương trình tương tự ở Singapore vào năm tới.

Hồi tháng 4, YPO, một cộng đồng lãnh đạo toàn cầu gồm hơn 34.000 CEO tại 150 quốc gia đã trao Giải thưởng Tác động toàn cầu năm 2023 cho Greg Murray. YPO ghi nhận Koko, dưới sự dẫn dắt của Murray đang giúp giải quyết nạn phá rừng và khí thải carbon bằng cách hạn chế sử dụng than củi làm nhiên liệu nấu ăn trong các ngôi nhà ở đô thị tại Kenya.

Trong tháng này, Koko đã thiết lập quan hệ đối tác với Ngân hàng Mizuho để phát triển tín chỉ carbon bán tại Nhật Bản từ năm 2026. Hậu thuẫn tài chính cho Koko là nhà đầu tư bao gồm Quỹ đổi mới khí hậu của Microsoft. Koko đang phục vụ một phần ba số hộ gia đình ở thủ đô Nairobi và đã mở rộng ra chín thị trấn khác của Kenya. Tính đến nay, công ty này đã có 1 triệu khách hàng và sẽ mở rộng hoạt động sang Cộng hòa Rwanda trong năm nay.

Ngoài việc gây ra nạn phá rừng, than củi còn thải ra khói và bồ hóng khi đốt, góp phần gây ra 3 triệu ca tử vong sớm ước tính mỗi năm do ô nhiễm không khí trong nhà.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vấn đề  này đặc biệt nghiêm trọng ở Châu Phi, nơi có gần 1 tỉ người không được tiếp cận với nhiên liệu sạch để nấu ăn vào năm 2020.

Theo Finanical Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới