(KTSG Online) - TPHCM muốn triển khai 5 dự án BOT trên đường hiện hữu theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98. Đây là các dự án cấp bách mang tính chất liên kết vùng, có tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỉ đồng, và được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2030.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT TPHCM), các dự án áp dụng hợp đồng BOT phải đảm bảo 4 tiêu chí gồm phù hợp với quy hoạch; phù hợp định hướng phát triển giao thông; giải quyết điểm nghẽn kết nối các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng; có khả năng huy động vốn đầu tư từ khối tư nhân.
Vị trí 5 dự án BOT được Sở GTVT TPHCM đề xuất triển khai.
Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6km sẽ được mở rộng lên 53 – 60 m với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.600 tỉ đồng. Sở GTVT TPHCM đề xuất bố trí ngân sách thành phố 50% và doanh nghiệp 50%.
Quốc lộ 13 là tuyến đường chính nối TPHCM với Bình Dương, Bình Phước nhưng thường xuyên kẹt xe vì nút thắt cổ chai. Ở phía Bình Dương, tuyến quốc lộ này đang được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, còn đoạn qua TPHCM hiện chỉ có 4-6 làn.
Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An dài 9,6 km sẽ được mở rộng từ 4 – 8 làn xe, tổng vốn gần 12.900 tỉ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% (khoảng 6.438 tỉ đồng) và doanh nghiệp 50%.
Dù là ngày thường nhưng các xe vẫn phải nối đuôi nhau để qua quốc lộ 1, đoạn qua TPHCM.
Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 dài 9,1 km sẽ mở rộng lên gần 40 m với kinh phí khoảng 3.609 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TPHCM tham gia đầu tư với tỷ lệ 67% để giải phóng mặt bằng (2.409 tỉ đồng), doanh nghiệp tham gia 33% để xây lắp (1.200 tỉ đồng).
Trục đường Bắc – Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỉ đồng. Ngân sách TPHCM tham gia thực hiện với tỷ lệ 70% (hơn 3.131 tỉ đồng) và doanh nghiệp tham gia 30% (hơn 1.342 tỉ đồng).
Vào các khung giờ cao điểm, tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải, các phương tiện xếp hàng dài, chen chúc nhau nhích tí một.
Cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, rộng 30 – 40 m, tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% (hơn 3.300 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng) và doanh nghiệp tham gia 46% (gần 2.900 tỉ đồng xây lắp).
Cầu đường Bình Tiên khi hoàn thành giúp giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng TPHCM với các tỉnh miền Tây bởi tuyến đường sẽ nối qua quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3.