(KTSG Online) - Các hãng luật quốc tế đang cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc do suy thoái kinh tế và tình trạng nhà chức trách thường xuyên thay đổi quy định, phủ bóng mờ lên triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc.
- Trung Quốc giảm lãi suất, dừng cung cấp dữ liệu thất nghiệp giới trẻ
- Ngành ngân hàng ngầm ở Trung Quốc có thể là nạn nhân tiếp theo của khủng hoảng bất động sản
Nhiều văn phòng luật thu hẹp hoạ động
Latham & Watkins, một trong những hãng luật lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, đã đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải trong năm nay, bốn nguồn thạo tin nói với Nikkei Asia. Trang web của Latham & Watkins cho biết hãng có 10 luật sư, bao gồm cả các đối tác và cộng sự, làm việc tại văn phòng Thượng Hải và năm luật sư hiện làm ở văn phòng Bắc Kinh. Latham & Watkins đã từ chối bình luận về lần thay đổi này.
Trong khi đó, ba nguồn tin khác cho biết hãng luật Ropes & Grey đặt trụ sở tại Boston, Mỹ đang có kế hoạch thu hẹp quy mô văn phòng tại Thượng Hải. Ropes & Grey sẽ giữ bốn cộng sự ở Thượng Hải để tập trung vào các lĩnh vực bao gồm thành lập quỹ và thực hành khoa học đời sống, số khác sẽ chuyển đến văn phòng Hồng Kông.
Hãng này có 14 luật sư tại văn phòng ở Thượng Hải. Ropes & Grey cũng đã giảm nhân sự văn phòng Hồng Kông, sa thải đội chuyên viên về tái cấu trúc doanh nghiệp hồi đầu năm 2023. Trong thông cáo gửi Nikkei Asia, người phát ngôn của Ropes & Grey nói: “Chúng tôi tiếp tục duy trì văn phòng với đội ngũ nòng cốt ở Thượng Hải và kế hoạch của chúng tôi không thay đổi”.
Dentons, tập đoàn luật sư khổng lồ trên thế giới với hơn 10.000 nhân sự, gần 200 văn phòng ở khoảng 80 nước, gần đây đã ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Tuần trước, theo Financial Times, hãng luật phương Tây có đông nhân viên nhất ở Trung Quốc đã gửi email đến đối tác và khách hàng rằng Dacheng, hãng luật được Dentons mua lại vào năm 2015, sẽ "không còn là thành viên của Tập đoàn Dentons nữa".
Người phát ngôn của Dentons cho biết quyết định này được đưa ra "để đáp lại các nhiệm vụ gần đây của chính phủ Trung Quốc đối với các hãng luật Trung Quốc, bao gồm cả những công ty liên quan đến an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu".
“Trong tương lai, Dacheng sẽ hoạt động như một hãng luật độc lập và riêng biệt. Dacheng sẽ tiếp tục là hãng luật đối tác được ưa thích của Dentons cho các khách hàng có nhu cầu pháp lý ở Trung Quốc,” hãng luật tuyên bố.
Hãng luật tự đóng cửa, bị hủy hay trả giấy phép ngày càng tăng
Kể từ năm 2017, số lượng văn phòng do các hãng luật nước ngoài đăng ký kinh doanh tại Trung Quốc đã giảm liên tục trong năm năm, theo dữ liệu của Bộ Tư pháp Trung Quốc. Tổng cộng có 205 hãng luật nước ngoài có văn phòng đại diện tại Trung Quốc tính đến cuối năm 2022, so với 244 vào năm 2017, tức giảm khoảng 16%.
Cũng theo Bộ này, 17 văn phòng đại diện của các hãng luật Mỹ tại Trung Quốc đã bị hủy giấy phép đăng ký kinh doanh trong giai đoạn 2018-2022, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Đức đứng thứ hai với ba vụ hủy giấy phép, trong khi Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh mỗi nước có hai vụ hủy giấy phép trong cùng giai đoạn.
Eric J. Jiang, đối tác có trụ sở tại Bắc Kinh của hãng luật Trung Quốc Jiangtian & Goncheng, nói rằng hãng này có thể xin hủy giấy phép như một phần của quy trình thu gọn bộ máy hoặc do Bộ Tư pháp cho rằng hãng không còn đáp ứng các yêu cầu để điều hành văn phòng tại Trung Quốc. Theo luật hiện hành, một hãng luật nước ngoài có thể mở nhiều văn phòng đại diện tại Trung Quốc.
"Tình trạng một số công ty luật nước ngoài muốn rời khỏi thị trường là điều bình thường khi hoạt động kinh doanh của họ đi xuống và họ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ các luật mới ban hành. Họ mất niềm tin vào triển vọng kinh tế của thị trường Trung Quốc và sự phát triển của dịch vụ pháp lý tại đây”, luật sư Jiang bình luận. Ông cũng nhắc đến luật dữ liệu xuyên biên giới và luật chống gián điệp sửa đổi được thông qua, và có hiệu lực từ tháng 7 rồi.
Ngoài kiện tụng hầu tòa, theo luật sư Jiang, hầu hết các công ty luật nước ngoài ở Trung Quốc tập trung vào các dịch vụ như tư vấn về việc tuân thủ, niêm yết công khai xuyên biên giới và mua bán và sáp nhập (M&A), những lĩnh vực có liên quan mật thiết trực tiếp đến các mảng kinh doanh của khách hàng.
Lo ngại từ các vụ khám xét và bắt giữ
Các luật sư cũng cho biết sự cạnh tranh giữa các công ty luật nước ngoài và trong nước đã gia tăng khi khách hàng Trung Quốc chuyển sang các công ty địa phương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng hơn, Bắc Kinh sẽ trở nên hướng nội nhiều hơn và các công ty địa phương sẽ làm theo”, luật sư của một hãng luật Trung Quốc đã bình luận với điều kiện giấu tên.
Các hãng luật Mỹ đã có sự hiện diện đặc biệt mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc mở rộng (gồm Trung Quốc đại lục, Ma Cao và Hồng Kông), giúp các công ty Trung Quốc thu tóm các doanh nghiệp Mỹ, tư vấn cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và giúp doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết lần đầu (IPO) ở thị trường chứng khoán nước ngoài. Đây là ba lĩnh vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tăng cường giám sát theo quy định.
Một luật sư chuyên về đầu tư xuyên biên giới có trụ sở tại Hồng Kông phát biểu: “Cả ba loại công việc như tư vấn đầu tư, M&A và IPO đều biến mất hết”.
Tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào điện toán lượng tử, chip công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc từ ngày 1-1-2024 sắp tới.
Năm nay, nhà chức trách Trung Quốc đã khám xét văn phòng của hãng tư vấn Bain & Co. ở Thượng Hải và văn phòng Capvision Partners ở Tô Châu. Nhà chức trách đã bắt giữ năm công dân Trung Quốc làm việc tại Bắc Kinh cho Tập đoàn Mintz trong năm nay, khiến toàn ngành dịch vụ pháp lý ngay tại Trung Quốc và nước ngoài rúng động.
“Đó là một điều đáng sợ đối với những người tư vấn pháp lý chuyên nghiệp như chúng tôi,” một đối tác cấp cao có trụ sở tại Hồng Kông của hãng luật nước ngoài chuyên về thị trường nợ phát biểu.
Theo Nikkei Asia