(KTSG Online) - Theo kế hoạch triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất vừa được phê duyệt, đến năm 2025, diện tích rừng tự nhiên được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10%; hướng đến việc quản lý được hết diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hoặc tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.
- Xây dựng thị trường tín chỉ carbon: Ba rào cản lớn
- Thị trường tín chỉ carbon: Tiềm năng không chỉ đến từ ‘rừng vàng biển bạc’
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã phê duyệt kế hoạch triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2025, hướng đến việc quản lý được hết diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hoặc tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.
Kế hoạch hướng đến năm 2030, các bộ, ngành, địa phương sẽ giải quyết xong tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC).
Xét về tỷ lệ rừng tự nhiên được phục hồi thì đến năm 2025, diện tích rừng tự nhiên được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% và đạt 20% vào năm 2030. Ngoài ra, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu héc-ta vào năm 2025, đạt 1,0 triệu héc-ta vào năm 2030.
Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp đề ra để hoàn thành những mục tiêu trên như phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững để đạt được lợi ích chung, không làm mất rừng và suy thoái đất, tăng khả năng phục hồi và cải thiện sinh kế nông thôn; xây dựng và tổ chức các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; hợp tác công tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, đây là cơ sở để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.