(KTSG Online) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng của năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do giá xăng dầu, giá gạo và giá thuê nhà tăng.
- CPI tháng 7 tăng 0,45%, tác nhân chính là giá thực phẩm và điện
- CPI tăng 4,18%, lạm phát tăng 5,01% trong quí 1
Số liệu nêu trên vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29-8. Theo đó, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước. CPI tháng 8-2023 tăng 2,02% so với tháng 12-2022, và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%.
Các yếu tố làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2023 là chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9-2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,65% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,25 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,18% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,04%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,65 điểm phần trăm.
Giá điện sinh hoạt tăng 3,99%, tác động làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng và từ ngày 4-5-2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%.
Giá gạo trong nước tăng 2,96% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm.
Chỉ số giá vé máy bay tăng 71,82%; giá vé tàu hỏa tăng 31,3%; giá vé ô tô khách tăng 8,94% do nhu cầu đi du lịch trong dịp lễ tết, dịp hè của người dân tăng cao, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 0,14 điểm phần trăm, chủ yếu do từ tháng 7-2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.
Lạm phát tăng. Tỷ giá cũng đang tăng qua mốc 24 ngàn. Lãi suất đang bị sức ép lớn. Đây là bài toán không hề đơn giản cho các nhà điều hành tiền tệ. Làm sao đừng để lãi suất “bùng lên” trở lại thì nguy to.