Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điều gì sẽ xảy ra khi NFT được bán đi?

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - NFT - tức tài sản không thể thay thế (Non-fungible token) - đã trở thành một phương thức ngày càng được các cá nhân và thương hiệu ưa chuộng sử dụng để tạo thêm nguồn lợi nhuận từ các sản phẩm sáng tạo kỹ thuật số của họ. NFT thậm chí còn trở thành đơn vị tiền tệ lý tưởng trong thế giới ảo metaverse. Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra ở đây là điều gì sẽ xảy ra khi NFT được bán đi? Ai thực sự sở hữu quyền tác giả đối với NFT?

NFT có tên “The Merge” của người sáng tạo nội dung lấy bí danh là PAK. Nguồn: Crypto Times

NFT nghĩa là khi bạn tạo ra một tài sản kỹ thuật số, chẳng hạn như là một tác phẩm nghệ thuật, rồi bạn biến nó thành một “token” duy nhất để chứng minh rằng bạn là người sở hữu tài sản đó. Điều hay ho là nhờ có công nghệ blockchain mà những tài sản kỹ thuật số như NFT không thể bị sao chép, vì mỗi NFT lại được gán siêu dữ liệu và dấu thời gian riêng biệt.

Ngày càng có nhiều người sáng tạo nội dung quay sang sử dụng NFT để hỗ trợ cho việc xác minh tài sản của họ là “hàng xịn” và giảm thiểu tình trạng lừa đảo. NFT thậm chí còn trở thành đơn vị tiền tệ lý tưởng trong thế giới ảo metaverse.

Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra ở đây là điều gì sẽ xảy ra khi NFT được bán đi? Ai là người thực sự sở hữu quyền tác giả đối với NFT cụ thể đó - là người sáng tạo nội dung ban đầu hay là chủ sở hữu mới? Và trong trường hợp này thì luật về quyền tác giả cũng như là về các loại hình sở hữu trí tuệ khác sẽ được áp dụng như thế nào?

Trở về bài học vỡ lòng: NFT là gì?

NFT là các tài sản kỹ thuật số chứa các mã nhận dạng duy nhất có tác dụng xác minh quyền sở hữu. Những tài sản kỹ thuật số này có hình thức vô cùng đa dạng, từ tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và ảnh chụp cho đến vật phẩm dành cho giới sưu tầm như truyện tranh, thẻ bài và hàng hóa trong trò chơi điện tử.

Trong khi những tài sản có thể thay thế như tiền tệ ngoài đời thực và tiền ảo có thể mang ra trao đổi và giao dịch, thì mỗi NFT lại chứa một chữ ký điện tử duy nhất. Điều này có nghĩa là không có NFT nào lại giống nhau, vậy nên chúng không thể thay thế và cũng không hoán đổi được cho nhau. Đây là sự khác biệt căn bản giữa tài sản thay thế được và tài sản không thể thay thế.

Giống như tiền điện tử, NFT được lưu trữ trên công nghệ blockchain - một sổ cái công khai có khả năng bảo mật thông tin theo cách không thể bị hack. Nhờ các mã nhận dạng duy nhất có trong mỗi NFT mà chúng có thể dễ dàng được xác minh và xác thực để chứng minh quyền sở hữu. Mặc dù NFT được trang bị công nghệ chứng minh quyền sở hữu như vậy, song nó vẫn gây ra sự rối rắm xung quanh Luật Bản quyền.

Chúng ta hãy cùng xem xét vụ kiện tiêu biểu nhất về quyền tác giả đối với NFT tính đến thời điểm hiện tại. Vào tháng 11 năm 2021, hãng thời trang Hermès đã kiện nghệ sĩ Mason Rothschild (tên thật là Sonny Estival) vì đã tạo ra một dòng NFT lấy cảm hứng từ thương hiệu túi xách xa xỉ nổi tiếng và dễ nhận biết nhất của hãng: Birkin. Mason Rothschild đặt tên cho dòng sản phẩm NFT này là MetaBirkins và nó cạnh tranh trực tiếp với Hermès cũng như đe dọa các kế hoạch xây dựng NFT của riêng họ.

Theo như cáo buộc của công ty thì việc làm của Rothschild khiến khách hàng dễ nhầm lẫn và làm loãng thương hiệu của họ. Rothschild biện hộ rằng tác phẩm của anh là một hình thức bình luận xã hội, do đó được bảo vệ bởi quyền tự do biểu đạt nghệ thuật. Bồi thẩm đoàn không đồng tình với cách lập luận này và nghiêng về phía Hermès.

Theo phán quyết của họ, NFT MetaBirkins đã vi phạm luật bản quyền, bao gồm cả hành vi làm loãng và vi phạm nhãn hiệu. Rothschild cuối cùng phải bồi thường cho Hermès số tiền là 133.000 đô la Mỹ. Một bài học đắt giá cho người nghệ sĩ này và là án lệ quan trọng đối với NFT và luật bản quyền.

Khi mua NFT, bạn sở hữu những gì?

Một câu hỏi hay và cũng hóc búa. Khi bạn bỏ tiền ra mua NFT thì điều đó cũng không có nghĩa là quyền tác giả tự động “nhảy” vào tay bạn, và bạn cũng không được cấp phép để làm gì cả. Chỉ người sáng tạo ra NFT mới sở hữu những thứ đó. Đó là bởi vì khi mua NFT, thực tế là bạn đã đổi lấy một token kỹ thuật số làm bằng chứng cho thấy bạn sở hữu thứ gì đó. Trong một số trường hợp, bạn chỉ sở hữu một phần nhỏ của thứ ấy.

Lấy NFT The Merge ra làm ví dụ. NFT này là tập hợp của 312.686 token đã được 28.983 nhà sưu tập mua với tổng giá trị là 91,8 triệu đô la. Hãy tưởng tượng từng người trong số 28.983 nhà sưu tập đó lại sao chép token họ mua về để tạo ra tác phẩm riêng biệt. Đó sẽ là một cơn ác mộng về quyền tác giả.

Mặc dù luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu, bằng sáng chế và quyền tác giả có thể là những nội dung rối rắm, đặc biệt là khi áp dụng cho NFT, chúng vẫn có quy tắc rất đơn giản và dựa trên lý lẽ thường tình: đừng sao chép tác phẩm của người khác và phải luôn bảo vệ tác phẩm mình tạo ra. Phòng khi bạn quên mất điều đó thì đã có “ông trùm” Hermès nhắc nhở rồi đó.

Nếu bạn vẫn muốn được cấp phép để sử dụng NFT cho mục đích cụ thể nào đó chứ không phải chỉ để “mua cho vui” nhằm chứng minh sự thừa mứa tiền bạc, thì bạn có thể cân nhắc những cách sau đây:

Mặc dù bản thân bạn không thể sở hữu quyền tác giả đối với NFT, nhưng nếu được sự cho phép của người sáng tạo ban đầu, bạn có thể sử dụng loại tài sản này cho các mục đích phi thương mại, phi lợi nhuận. Các ví dụ bao gồm trưng bày tác phẩm nghệ thuật bạn mua được trong nhà mình hoặc sử dụng nó làm ảnh đại diện trên trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, bạn vẫn phải nhớ rằng bạn sẽ không thể sử dụng NFT của mình để thu lợi thương mại dưới bất kỳ hình thức nào. Còn nếu bạn vẫn muốn có quyền sinh lời thì sao? Chà, bạn có thể tìm mua những NFT mà chủ sở hữu ban đầu của chúng “thoáng tính” hơn.

Có những NFT mà khi mua, bạn có được quyền bán các phiên bản in ra giấy của chúng, tạo sản phẩm ăn theo và thậm chí còn làm thành chương trình truyền hình được nữa. Minh chứng tiêu biểu cho loại hình này là Bored Ape Yacht Club - người mua NFT này không bị giới hạn quyền sử dụng nó cho mục đích thương mại.

Có một điều bạn cần lưu ý là đôi khi người mua NFT phải trả phí tác quyền cho người tạo NFT ban đầu. Như vậy, mỗi khi NFT được bán đi, nó sẽ tạo ra thu nhập thụ động cho chủ sở hữu gốc. Đơn cử như trường hợp của William Shatner, anh này đã bán 125.000 bức ảnh kỹ thuật số trên Blockchain WAX chỉ trong vòng 9 phút và hiện đang hưởng nguồn doanh thu phụ từ những giao dịch này.

Những người khổng lồ tiên phong cho quyền tác giả đối với NFT

Như chúng ta đã thấy ở trên, vụ việc Hermès đã đặt ra án lệ quan trọng cho các thương hiệu lớn liên quan đến việc mua bán NFT trái phép và theo thời gian, tầm quan trọng của nó ngày càng lớn hơn nữa. Các thương hiệu đình đám như Gucci, Louis Vuitton đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực NFT, bằng cách hợp tác với các sàn giao dịch NFT lớn và tự tạo bộ sưu tập kỹ thuật số của họ.

Đây rõ ràng chỉ là vấn đề thời gian, vì một trong các mục đích chính của NFT là xác thực cho sản phẩm chính hãng mà. Công nghệ này còn có tác dụng kéo dài vòng đời sản phẩm, góp phần xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững hơn. Chẳng thế mà các thương hiệu tỏ ra lạc quan về tiềm năng của NFT trong việc thay đổi bộ mặt của toàn ngành và tạo ra cơ hội mới để phát triển và sáng tạo.

Nhìn chung, mặc dù NFT có tiềm năng thay đổi thị trường và dẫn đến những cơ hội kinh doanh mới, thì dù ở cương vị người sáng tạo nội dung độc lập hay là cả một thương hiệu, bạn vẫn cần hiểu rõ quyền tác giả của mình, hiểu rõ bản chất NFT và quan trọng là việc bạn mua NFT không đồng nghĩa với việc sơ hữu luôn cả quyền tác giả.

NFT chỉ đại diện cho quyền sở hữu hoặc những quyền khác đối với một tài sản cụ thể, nghĩa là người tạo ra NFT phải tránh vi phạm quyền tác giả của người khác, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ quyền tác giả của chính mình.

Hiện tại, vì NFT vẫn còn quá mới nên luật pháp điều chỉnh lĩnh vực này ở ngay cả những quốc gia/khu vực có nền pháp lý phát triển nhất như Mỹ hay châu Âu vẫn còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện, vậy nên bạn đừng làm gì hấp tấp hay quá táo bạo.

Hãy nhớ: Bảo vệ tác phẩm có quyền tác giả của bạn, yêu cầu trả phí tác quyền từ việc bán lại NFT nếu có thể, không sử dụng NFT để kiếm lời khi chưa được sự cho phép cần thiết và... đừng dại “đùa giỡn” với những gã khổng lồ như Hermès.

(*) Chuyên gia thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới