(KTSG Online) – Sau động thái thiết lập mức trần giá bán gạo của Philippines, các nhà nhập khẩu ở quốc gia này lập tức xin hủy hợp đồng mua gạo từ Việt Nam vì giá nhập khẩu cao hơn giá bán trong nước. Diễn tiến bất lợi này được dự báo sẽ khiến giá lúa gạo Việt sụt giảm thời gian tới, vì Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Tại lệnh hành pháp số 39 (Executive Order (EO) No. 39) về áp đặt trần giá bắt buộc đối với gạo (mức giá cao nhất được phép bán cho người tiêu dùng - PV), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã quyết định thiết lập mức trần giá gạo ở mức 41 peso/kg, tương đương khoảng 0,738 đô la Mỹ/kg hay 738 đô la Mỹ/tấn (1 peso tương đương 0,018 đô la Mỹ - PV) đối với gạo xay xát thường và 45 peso/kg, tương đương 0,81 đô la Mỹ/kg hay 810 đô la Mỹ/tấn đối với gạo xay xát tốt.
Việc áp đặt trần giá đối với mặt hàng gạo được Tổng thống Philippines quyết định hôm 31-8 (*) sau khi Bộ Nông nghiệp (DA) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) của quốc gia này có báo cáo rằng, đã xảy ra tình trạng “bắt tay” thao túng giá bất hợp pháp của các thương nhân trong nước, làm giá bán lẻ gạo nội địa của quốc gia này tăng vọt.
Tuy nhiên, việc áp đặt trần giá bắt buộc của Philippines đã có những ảnh hưởng đáng kể đối với Việt Nam khi các thương nhân ở quốc gia này lập tức xin huỷ hợp đồng hoặc giãn tiến độ nhận hàng nhằm trông chờ vào chờ quyết định mới của Tổng thống (giá trần bắt buộc này có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Philippines dỡ bỏ - PV).
Nhà nhập khẩu xin hủy hợp đồng vì “càng mua càng thua lỗ”
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO), đơn vị xuất khẩu gạo nằm trong tốp 10 các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thừa nhận, trong ngày 1-9-2023, tức sau khi Philippines có quyết định áp giá trần bắt buộc, hàng loạt đối tác nhập khẩu đến từ quốc gia này đã xin hủy vì mua sẽ bị thua lỗ.
Theo ước tính ban đầu của ông Việt Anh, có khoảng 60-70% trên tổng lượng nhập khẩu từ Việt Nam được thương nhân của Philippines xin ngưng. “Trong khi đó, với lượng hàng đang dang dở ngoài cảng, thì cũng thuyết phục họ (nhà nhập khẩu Philippines) lấy”, ông nói, nhưng cho rằng, khách hàng nhập khẩu đang chấp nhận chịu thêm chi phí tàu do chậm nhận hàng. Bởi lẽ, các hãng tàu cũng chỉ miễn phí được một số ngày nhất định, còn lại họ tính phí mỗi ngày.
Trao đổi với KTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam (xin không nêu tên) cũng xác nhận, các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ Philippines đã gọi điện gấp xin huỷ đơn hàng vì đang trong tình trạng “càng bán càng lỗ” sau khi Tổng thống có chính sách mới như nêu trên.
Theo đó, vị doanh nghiệp này tính toán, mức giá mua tại kho của Việt Nam hiện khoảng 37 peso/kg, tức khoảng 666 đô la Mỹ/tấn. “Nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, thì về đến cảng Philippines là khoảng 50 peso/kg, tức khoảng 900 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá trần là 41-45 peso/kg, tức khoảng 738-810 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn giá nhập khẩu”, vị này dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Việt Anh của ORICO cho biết, trước thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati), tức trước ngày 20-7 vừa qua, các nhà nhập khẩu Philippines mua gạo từ Việt Nam về bán ở mức 44-45 peso/kg là đảm bảo có lợi nhuận. “Nhưng từ sau lệnh cấm (của Ấn Độ- PV), thị trường lúa gạo thế giới tăng cao, bao gồm cả Việt Nam”, ông cho biết.
Chính vì vậy, theo tính toán của ông Việt Anh, với mặt bằng giá xuất khẩu của Việt Nam như hiện nay (trên dưới 700 đô la Mỹ/tấn), sau khi cộng thêm thuế nhập khẩu và cước vận chuyển, thì giá bán lẻ phải ở mức 55-60 peso/kg mới đảm bảo nhà nhập khẩu có lợi nhuận. “Tuy nhiên, Philippines áp giá trần 45 peso/kg khiến các nhà nhập khẩu gạo lỗ nên ảnh hưởng đến Việt Nam”, ông cho biết và tái nhấn mạnh, khách hàng của ORICO và nhiều doanh nghiệp khác xin huỷ hợp đồng rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho rằng, với quyết định nêu trên của Philippines, các nhà nhập khẩu của quốc gia này chắc chắn sẽ không nhận hàng hoặc đàm phán lại hay xin giãn tiến độ. “Tuy nhiên, có một điều đáng lo nữa, đó là các hợp đồng trong kế hoạch đàm phán có khả năng sẽ ngưng”, ông cho biết.
Giá lúa gạo Việt sẽ giảm?
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 4,9 triệu tấn, với trị giá xuất khẩu đạt khoảng 2,62 tỉ đô la Mỹ, tăng trên 20% về lượng và trên 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm trên 40% trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, cho nên, việc xin huỷ hợp đồng của các nhà nhập khẩu gạo ở quốc gia này dự báo sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tính hình thị trường lúa gạo trong nước của Việt Nam. “Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng giá gạo vì 40% là một khối lượng có sự chi phối khá cao”, ông Việt Anh của ORICO nói.
Trong khi đó, ông Thành của Phước Thành IV cũng đưa ra dự báo, sau động thái mới của Tổng thống Philippines, chắc chắn sẽ khiến giá lúa gạo thị trường nội địa của Việt Nam quay đầu giảm. “Nhưng, mức độ giảm ra sao thì chưa thể xác định được”, ông nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn lạc quan khi cho rằng, thị trường lúa gạo trong nước khả năng vẫn tốt. Bởi lẽ, ngoài Philippines, thì nhu cầu mua gạo của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi vẫn khá cao trong khi nguồn cung đang hạn chế do chính sách “siết chặt” thương mại gạo của nhiều nước, nhất là khi dự báo thời tiết bất lợi có ảnh hưởng lớn đến sản xuất lương thực.
Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tại thời điểm trước kỳ nghỉ lẽ 2-9, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 643-647 đô la Mỹ/tấn và chủng loại 25% tấm có giá 628-632 đô la Mỹ/tấn, tiếp tục duy trì ở mức cao so với những ngày trước đó.
Trong khi đó, giá lúa thị trường nội địa trong tuần cuối tháng 8-2023 tiếp tục xu hướng tăng so với tuần trước đó. Trong đó, lúa thường tại ruộng có giá bình quân trên 7.900 đồng/kg và tại kho là trên 9.200 đồng/kg; lúa hạt dài tại ruộng bình quân có giá khoảng 8.200 đồng/kg và tại kho khoảng 9.500 đồng/kg.
Ông Việt Anh của ORICO gọi việc áp giá trần bắt buộc đối với mặt hàng gạo của Philippines là “con dao hai lưỡi”, tức chính quyền nghĩ sẽ “kiềm chế” được giá gạo tăng, nhưng mặt trái là khi các nhà nhập khẩu không mua được gạo sẽ khiến tình hình càng trầm trọng hơn, nhất là khi Philippines là quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu.
------------------------------------
(*) https://pco.gov.ph/news_releases/price-ceiling-on-rice-to-take-effect-tuesday-says-malacanang/
Khó lường ! Nhưng ông bà xưa có nói “Tham thì thâm” và “Ăn ít no dai” !
“ăn (nhai) kỹ no lâu” mà thầy ơi, ăn ít thì đói vàng răng 😄
Không nói trước được việc gì. Manh động là chết. Khi số lượng chúng ta bắt đầu dư thừa, các nước hủy lệnh cấm, vậy là chúng ta ôm xô. Lúc đó khóc không ra hơi.
Theo tôi không vì Philippines làm thế mà chúng ta phải giảm giá theo họ, giờ họ còn lúa gạo họ còn mạnh miệng khi HẾT dự trữ thì có thét giá gấp 5 cũng phải mua, nếu Philippines làm được các nước khác cũng sẽ làm được.
Thương buôn giá cao chứ dân trồng gạo có bao nhiêu
Tình hình lương thực thế giới vẫn còn khó khăn cơ hội bán gạo của chúng ta vẫn tốt!
Phi không nhập được, giá cả rồi lại tăng vọt ở chợ đen thôi. Lam phát tăng vọt, lúc đó còn dám áp giá trần.
Có thể họ đã nhắm được nguồn cung với giá thấp hơn VN.
Chiêu áp giá trần của bên mua không thọ lâu với bên bán được đâu. Gạo nhập về sẽ ít – cung không đủ cầu rồi tất nhiên không đủ gạo cho dân ăn thì tự động giá cả sẽ leo thang, lúc đó không thể ăn tiền thay cơm được- giá cao gấp nhiều lần cũng phải mua. Lợi bất cập hại, gậy ông đập lưng ông lúc đó giá cao hơn nhiều so với trước khi áp giá trần,
Đã là doanh nghiệp thì nói thẳng ra là “lời ăn lỗ chịu”, bên mua thấy bất lợi nên hủy hợp đồng cũng không phải là quyết định gì kỳ lạ. Còn với chúng ta là bên bán, xuất gạo sang Phi gặp khó thì chúng ta tìm cách khai thác thị trường khác.
Ở đây, sự thay đổi chính sách của nước bạn hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, họ thích “đóng” hay “mở” tùy họ. Ngay cả Ấn Độ, nước ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực toàn cầu, cũng “đóng” rồi “mở” đấy thôi, có thấy FAO hay Liên hiệp quốc lên tiếng can thiệp đâu.
Thị trường luôn có biến động không lường trước, đó là vẻ đẹp của thị trường và cũng vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng, cũng từ đó có kẻ thắng người thua.
Những ai đang than khóc lúa gạo tăng cao là dân thành thị. Cứ về nông thôn mà trồng lúa sẽ biết dân làm lúa cực khổ thế nào, cứ đòi đặt giá trần lúa gạo? Tại sao không đặt giá trần thuốc bảo vệ thực vật, phân bón? Sống ở thành thị biết tính toán quá mà sao chỉ suy nghĩ cho bản thân không vậy?
Chỗ tôi giá tại ruộng là 6.200 đồng/kg, phơi khô giá 8.000 đồng/kg. Lấy đâu ra giá cao vậy?
Việc áp giá trần chỉ áp dụng được nếu Phi tự chủ về nguồn cung lúa gạo. Còn thị trường đang cầu vượt cung nên không bán cho Phi thì bán cho nước khác, chứ có gì lo ngại đâu.
Philippines thiết lập mức trần giá bán gạo chỉ là động thái kiềm chế giá trong ngắn hạn. Dài hạn thì phải cân đối được cung cầu, nếu cung thấp hơn cầu thì đây là chính sách con dao hai lưỡi vì nó làm cho tình trạng thiếu cung thêm trần trọng.