Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ mở cửa nhà máy sản xuất chip 4 tỉ đô la ở Singapore

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 12-9, GlobalFoundries (Mỹ), nhà sản xuất gia công chip lớn thứ 3 thế giới, khai trương nhà máy chip bán dẫn mới, trị giá 4 tỉ đô la Mỹ ở Singapore. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng sản xuất trên toàn cầu của GlobalFoundries nhằm tận dụng nhu cầu tăng trưởng trong các sản phẩm chip bán dẫn thiết yếu.

Nhà máy mới của GlobalFoundries (Mỹ) ở Singapore có diện tích 23.000 mét vuông. Ảnh: Singapore Business News

Theo thông cáo báo chí của GlobalFoundries, nhà máy chip rộng 23.000 mét vuông ở Singapore sẽ tăng cường năng lực sản xuất và phục vụ khách hàng trên khắp các địa điểm sản xuất của công ty ở ba châu lục. Thông báo nói rằng, nhà máy sẽ tạo ra 1.000 việc làm “có giá trị cao” ở Singapore, trong đó 95% là kỹ thuật viên thiết bị, kỹ thuật viên xử lý và kỹ sư.

Tan Yew Kong, Tổng giám đốc chi nhánh của GlobalFoundries  ở Singapore, cho biết, nhà máy mới rộng có thể sản xuất 450.000 tấm wafer kích cỡ 300 milimét (mm) mỗi năm khi hoạt động hết công suất. Tầm wafer là mảnh vật liệu bán dẫn mỏng, thường là silic tinh thể, sử dụng làm tấm nền để sản xuất chip.

“Tôi tin tưởng rằng trong thập niên tới, quy mô nhu cầu bán dẫn sẽ tăng gấp đôi ”, Thomas Caulfield, Chủ tịch kiêm CEO của GlobalFoundries, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn trước ngày khai trương nhà máy trên.

Ông giải thích, một số yếu tố xúc tác cho nhu cầu chip bao gồm các ứng dụng mới và quan trọng của trí tuệ nhân tạo ( AI) .

“Nhu cầu chip của ngành công nghiệp ô tô vẫn mạnh mẽ. Nhu cầu chip trong lĩnh vực điện toán đám mây phục vụ AI cũng như vậy”, Caulfield nói.

Các công ty như GlobalFoundries  được các hãng chip ký hợp đồng sản xuất gia công. GlobalFoundries sản xuất các sản phẩm chip do các hãng chip như Qualcomm, MediaTek và NXP thiết kế và đang phục vụ khoảng 200 khách hàng trên toàn cầu.

Chip của GlobalFoundries được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, ô tô, hệ thống thực tế ảo, máy chơi game video, loa thông minh cũng như trong các hệ thống AI và 5G.

Singapore hiện đang cung cấp 11% chip chất bán dẫn của thế giới, theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Singapore. Đảo quốc sư tử này có các chính sách ưu đãi riêng cho công nghiệp nhằm thu hút sản xuất công nghệ cao, đổi mới công nghệ.

GlobalFoundries cho biết, nhà máy mới ở Singapore sẽ triển khai các công cụ AI để cải thiện năng suất như công nghệ nhận dạng mẫu wafer để tự động phân loại và phát hiện lỗi.

Năm 2021, GlobalFoundries công bố kế hoạch mở rộng sản xuất toàn cầu trị giá 6 tỉ đô la trong bối cảnh nguồn cung chip thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã đảo chiều với chip đang dư thừa lớn.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính vẫn đang vật lộn với lượng chip nhớ dư thừa sau khi dự trữ chúng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch Covid-19 để đáp ứng nhu cầu bùng nổ . Tuy nhiên, khi  lạm phát tăng cao, người tiêu dùng phương Tây đã cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng này, khiến giá chip nhớ giảm sâu.

Lợi nhuận quí 2 của các công ty như TSMC và Samsung giảm mạnh do nhu cầu chip nhớ tiếp tục yếu.

Như mọi ngành hàng khác, các nhà sản xuất chip đang hy vọng lạm phát toàn cầu được kiểm soát, cho phép các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, từ đó giúp chi tiêu tiêu dùng phục hồi.

Theo hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, nếu dựa vào doanh thu, TSMC của Đài Loan đang là nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, tiếp theo đó là Samsung của Hàn Quốc và GlobalFoundries của Mỹ.

GlobalFoundries đã mua lại Chartered Semiconductor Manufacturing của Singapore và tiếp quản các nhà máy của công ty này vào năm 2010. Ngoài nhà máy mới nói trên, hãng còn có hai nhà máy khác ở Singapore,  sản xuất lần lượt 720.000 tấm wafer 300mm và 692.000 tấm wafer 200mm mỗi năm.

Theo CNBC, Reuters

 

 

 

 

3 BÌNH LUẬN

    • Toàn nước phát triển họ làm dễ thế thì đầy nước nghèo họ làm rồi trung quốc còn đang loay hoay chip 12 nm kìa con chip mới nhất của 7nm của trung quốc cũng nghi vấn trung quốc mua tấm nền của công ty hà lan,intel cũng loay hoay làm chip 5nm,7nm mà chưa được có khả năng sẽ phải đặt hàng đài loan gia công,giờ vào việt nam lại phải chuẩn bị 5 năm 7 năm đào tạo sinh viên chả lẽ bê hết công nhân,nhân viên sang đây làm thế thì người ta làm ở nước người ta cho lành

    • Không đơn giản như vậy bạn. Chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn là rất dài và phức tạp. Để tham gia vào chuỗi giá trị này cần rất nhiều điều kiện về vốn, công nghệ, nhân lực, điều kiện môi trường và cả yếu tố chính trị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới