Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để xuất khẩu lao động không chỉ là đi… bán sức

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhân lực được rèn luyện tại các nền sản xuất trình độ cao có thể góp phần nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong nước.

Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng lao động lớn cho các nền kinh tế thiếu hụt lao động trẻ, chủ yếu cho các công việc đòi hỏi sức khỏe tốt. Trong ảnh: Một lao động người Việt tại Nhật Bản. Ảnh: ft.com

Gần 143.000 người Việt Nam đi lao động tại khoảng 40 nước trên thế giới năm 2022 và con số này dự kiến vẫn tiếp tục tăng lên với số tiền gửi về quê nhà từ lực lượng lao động (lũy tiến) này hơn 3 tỉ đô la Mỹ/năm, theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Lợi thế dân số vàng, nhân công giá rẻ cũng đã được tận dụng để đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng lao động lớn cho các nền kinh tế thiếu hụt lao động trẻ, chủ yếu cho các công việc đòi hỏi sức khỏe tốt. Một nửa yêu cầu còn lại là làm sao để có được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, nhằm hóa giải vấn nạn thiếu lao động có kỹ thuật, có tay nghề cao đang cản bước Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Xét ở mục tiêu này, khi nhìn về nguồn nhân lực đã được tích lũy kinh nghiệm từ các nền sản xuất phát triển, vấn đề không còn là số tiền gửi về nước hay giải quyết công ăn việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Tận dụng nguồn thực tập sinh từng đi lao động nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước là gợi ý được Giáo sư Trần Văn Thọ (Nhật Bản) đưa ra cách đây nhiều năm. Chỉ riêng lực lượng thực tập sinh tới Nhật Bản, Báo cáo Nghiên cứu tổng thể về Thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam được JICA công bố tháng 5-2022 cho biết, tính đến hết tháng 6-2021, người đến từ Việt Nam chiếm 63,8% trong số khoảng 317.000 thực tập sinh đang cư trú trên khắp Nhật Bản.

Các nghề thu hút nhiều thực tập sinh Việt Nam gồm xây dựng, máy móc, sản xuất dệt may, nông nghiệp, ngư nghiệp, những lĩnh vực đang có nhu cầu về lao động có kỹ thuật cao tại đất nước hơn 122 triệu dân. Nhưng nguồn lao động từ Nhật Bản trở về này lại không dễ tìm được việc làm ở trong nước. Đó là một nghịch lý.

Khảo sát của JICA cho thấy, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước có việc làm chỉ 26,7%, rất thấp so với mức hơn 50% của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Tỷ lệ thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam trở về làm công việc/loại công việc tương tự như họ đã làm ở Nhật Bản thấp hơn so với nhóm ba nước trên.

Từ chiều tuyển dụng, trong số 390 doanh nghiệp trả lời khảo sát được đưa vào báo cáo nêu trên, 43% đang tuyển dụng thực tập sinh có kỹ năng trở về từ Nhật Bản, 33% có nhu cầu với nhóm lao động này trong năm năm tới. Như vậy, mục đích chuyển giao kỹ năng thông qua chương trình thực tập sinh, để một lần nữa kỹ năng được chuyển giao tại môi trường lao động trong nước, dường như không đáp ứng được kỳ vọng.

Nguyên nhân của nghịch lý này có lẽ là ở chỗ phần lớn lao động tham gia vào chương trình thực tập sinh chỉ có năng lực phù hợp với những công việc lao động chân tay, nặng nhọc trong các nhóm ngành xây dựng, máy móc, nông nghiệp và phải tự học thêm các kỹ năng để bắt kịp đồng nghiệp nhưng thường trong phạm vi đơn giản và hạn chế. Khi trở về Việt Nam, họ không có nhiều ưu thế hơn so với lao động trong nước, nhưng lại mong muốn một vị trí và mức lương cao hơn khả năng hiện có.

Tích hợp lực lượng thực tập sinh từ Nhật Bản, Hàn Quốc… trở về vào lực lượng lao động hiện hữu thông qua các hội chợ giới thiệu việc làm là sáng kiến đã được thực hiện trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nỗ lực nói trên vẫn chưa giải quyết được nút thắt về chất lượng nhân lực (xuất ngoại và trở về) và thúc đẩy chuyển giao kỹ năng.

Rõ ràng, để giải quyết nghịch lý trên thì mục tiêu ưu tiên khi đưa lao động ra nước ngoài phải thay đổi, thay vì coi đây như kênh để “xóa đói giảm nghèo”, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động vùng nông thôn với tiêu chí tuyển dụng phải “có sức vóc” để làm được những công việc nặng nhọc, người lao động Việt Nam cần được đào tạo để có thể đảm nhận những vị trí công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng và tay nghề hơn khi ra làm việc ở nước ngoài.

Để làm được điều đó, vấn đề đào tạo trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài là rất quan trọng. Ngôi trường cấp 3 đầu tiên dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản đã vận hành thành công ở Nam Định, được xem như một hình mẫu cho hướng đi này. Học sinh tốt nghiệp, ngoài khả năng ứng tuyển vào các doanh nghiệp FDI nông nghiệp của Nhật Bản, còn có thể tham gia chương trình thực tập sinh như những người có kỹ năng.

Hiện nay, tỷ lệ lao động xuất khẩu có tay nghề cao hay ở cấp chuyên gia của Việt Nam chiếm không quá 10%. Nếu không thay đổi được hiện trạng này thì Việt Nam sẽ chẳng thể biến việc xuất khẩu lao động thành một kênh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, mà chỉ là đi ra nước ngoài để bán sức mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới