Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để doanh nghiệp yên tâm ‘trưởng thành’ sau những biến cố

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nâng cao tính ổn định và khả năng dự đoán được chính sách pháp luật kinh doanh, hạn chế bất bình đẳng trong thực thi chính sách giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước là ba chìa khoá giúp doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực cho hoạt động đầu tư – kinh doanh trong trung – dài hạn, theo các chuyên gia.

Trải qua 3 năm với nhiều biến cố, kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí tạo được đà và thế tăng trưởng, thể hiện qua số liệu về tăng trưởng, ổn định vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài. Với đối tượng doanh nghiệp, khoảng thời gian thời gian này cũng cho thấy năng lực chống chịu, tồn tại giữa bối cảnh nhiều rủi ro bất định.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.

Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài khiến nhiều doanh nghiệp may mặc giảm sức cạnh tranh. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Nền kinh tế và doanh nghiệp ‘ngược pha’

PGS. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho biết doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả giá vốn (lãi suất – PV) với cao hơn 2-3 lần so với các nền kinh tế thị trường khác trên thế giới trong nhiều năm, chưa gồm các “chi phí giao dịch”.

“Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí, trình độ còn thấp và thực lực yếu thì doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế ‘mở’, nhưng họ vẫn tồn tại và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của đất nước”, ông Thiên nói và đặt âu hỏi là với năng lực chống chịu tốt như vậy mà đa số doanh nghiệp vẫn là những thực thể nhỏ bé và yếu kém

Theo chuyên gia này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức” sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp rất đáng lo ngại. Cụ thể, thống kê chính thức cho thấy số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tương ứng khoảng 70-75% số đăng ký thành lập mỗi năm.

“Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt ‘sống thọ’ không nhiều vì một bộ phận lớn doanh nghiệp chưa kịp lớn đã ra đi”, ông Thiên giải thích.

Thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 124.700, bằng 84% số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với mức 68,7% của năm 2022.

Tổng lượng vốn đăng ký giai đoạn 8 tháng đầu năm thấp hơn 19,8% so với cùng giai đoạn năm trước, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu hướng “li ti hóa” của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên.

Một vấn đề cần lưu ý, là doanh nghiệp đóng cửa đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực. Ngược lại, doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại thực và có thể không tồn tại thực.

“Với trường hợp khả dĩ, doanh nghiệp mới thành lập có tồn tại và hoạt động thì đóng góp “thực” của nó cho nền kinh tế cũng chỉ diễn ra từng bước sau khi thành lập ít nhất 3-6 tháng, trong khi doanh nghiệp đóng cửa gây tổn thất cho nền kinh tế ngay lập tức”, ông Thiên nói tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023.

Thực trạng này, theo bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, không phải vì doanh nghiệp muốn "chậm lớn", mà là vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.

Theo bà Tiên, giai đoạn 2021-2022 là khoảng thời gian các doanh nghiệp rơi vào khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, lạm phát, giá xăng dầu, cước vận tải leo thang. Tới đầu 2023 tiếp tục chịu ảnh hưởng từ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, dẫn tới tình trạng bị hủy đơn hàng, doanh số sụt giảm.

“Doanh nghiệp nhỏ, lớn đều gặp khó khăn trước các con sóng dữ của lạm phát và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng”, bà Tiên nói.

Cũng theo vị này, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về thuế và tài chính, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn do lãi suất cho vay sau 4 lần điều chỉnh vẫn còn ở mức cao. Ngoài ra, chưa có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những quy định thiếu thực tế, với các tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết, làm lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Thông tin thêm về những rào cản với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện, nhưng hiện chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Cụ thể, đánh giá của doanh nghiệp giai đoạn 2017-2022 theo thang điểm 6 (1 = “Rất kém” và 6 = “Rất tốt”) cho thấy chất lượng một số hạng mục hạ tầng quan trọng với doanh nghiệp, gồm: đường sá, điện, điện thoại, internet, nước và hạ tầng khu công nghiệp chỉ trong khoảng 3,5-4,5.

Một đánh giá tương tự của Diễn đàn Kinh tế thế giới về chất lượng hạ tầng của các quốc gia cũng cho thấy sự kém cạnh tranh của Việt Nam so với những quốc gia trong khu vực với xếp hạng 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện.

Điển hình thể hiện yếu kém về cơ sở hạ tầng là sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và 6-2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, việc cắt điện luân phiên khiến máy móc, dây chuyền sản xuất không thể sử dụng, làm giảm năng lực sản xuất của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc đáp ứng các đơn hàng theo đúng tiến độ. Mất điện cũng khiến các chi phí sản xuất khác của doanh nghiệp gia tăng đột xuất như việc sắp xếp lại ca làm việc, điều chỉnh nhân sự trong những thời điểm không có điện.

Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Trong đó, tiếp cận vốn là vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Ông Tuấn cho biết nhiều doanh nghiệp phản ánh việc không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp; hoặc phải vay vốn các điều kiện tín dụng bất lợi, thủ tục vay quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp. Thậm chí, có tình trạng cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ hay phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để được vay vốn.

Bên cạnh rào cảnh trên, đại diện VCCI cho biết các doanh nghiệp Việt Nam, tuỳ từng ngành hàng, còn phải nộp thêm các khoản tài chính ngoài ngân sách, khiến doanh nghiệp bị đội chi phí kinh doanh.

“Có tình trạng các bộ ngành khi được giao chủ trì soạn thảo pháp luật của bộ ngành mình thì cố gắng bổ sung các loại phí, khoản thu vào quỹ do mình quản lý. Chẳng hạn Quỹ phòng chống rủi ro thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ bảo trì đường bộ… Đó là chưa kể các khoản vận động, đóng góp từ cơ quan, chính quyền, đoàn thể địa phương mà doanh nghiệp khó có thể chối từ”, ông Tuấn nói.

Cũng theo vị này, rủi ro khi chấp hành chính sách pháp luật của doanh nghiệp không hề nhỏ khi tình trạng lạm dụng ban hành Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật vẫn tồn tại. Điều này thể hiện ở bốn khía cạnh.

Thứ nhất, quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển, như quy chuẩn về chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Thứ hai, quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp như Quy chuẩn 06 về phòng cháy chữa cháy.

Thứ ba, quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực. Điều này khiến hàng hoá bị tắc nghẽn như một số Quy chuẩn về thiết bị 5G.

Thứ tư, có tình trạng lạm dụng ban hành quy chuẩn và đưa vào danh mục hàng hoá nhóm 2 các loại hàng hoá không có khả năng gây mất an toàn như Quy chuẩn 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ về thép không gỉ.

Giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong trung – dài hạn, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần doanh nghiệp công nghiệp trong nước và ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, qua đó đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả.

Hiện các doanh nghiệp FDI giữ vai trò chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bao gồm cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su, nhựa, kim loại cơ bản, các sản phẩm cơ khí và ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ. Với ngành chế biến thực phẩm và đồ uống, doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn hơn, nhưng các doanh nghiệp FDI chiếm vị thế chủ đạo ở ngành đồ uống. Ngoài ra, Việt Nam hiện xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines.

Kết quả, ngành công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Còn tỉ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp, theo báo cáo của Bộ Công Thương. Chẳng hạn, tỉ lệ nội địa hoá với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân 7-10%. Với các ngành điện tử tin học, viễn thông là 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao là 5%, dệt may là 40-45%, da, giày, nguyên phụ liệu là 40% - 45%.

Thực trạng này xuất phát từ việc pháp luật về đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy định về các điều kiện mang tính chất thúc đẩy sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số tiêu chí định tính hoặc định lượng chung, thiếu vắng sự chuyên sâu phù hợp tính chất của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Ngoài ra, chưa có quy định của pháp luật xác định chuỗi giá trị trong từng hệ sinh thái, cụm liên kết ngành, phân ngành công nghiệp để từ đó phân tầng các ưu đãi (ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, ưu đãi khác - PV) cho các dự án, nhất là trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp có đặc thù riêng về tính liên kết.

Pháp luật đầu tư cũng chưa quy định cụ thể về thu hút nguồn lực đầu tư xã hội và tạo ra các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, mang thương hiệu tầm quốc gia, khu vực về sản xuất công nghiệp trong các ngành trọng điểm - là những ngành đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt về công nghệ, nhân lực và các điều kiện đặc thù; ngành tham gia vào phân khúc cao của chuỗi giá trị toàn cầu… mà hiện tập trung chủ yếu vào yếu tố vốn, giải ngân.

Nhưng để tiếp cận vốn thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp bất lợi vì chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả trong khi lại chịu rào cản để có thể tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như việc chưa cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, ông Tuấn cho rằng cần phải có các mức ưu đãi khác nhau với các loại sản phẩm khác nhau. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chuyên xử lý các kỹ thuật sản xuất như mạ, tráng, sơn, nhuộm, thuộc da… là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng của sản xuất công nghiệp, nhưng do không chế tạo ra sản phẩm cụ thể nên hiện không nằm trong danh mục được hưởng ưu đãi.

Với kinh tế số, vị này khuyến nghị hạn chế bất bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, theo hướng “yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để, trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này”, nhằm tránh việc doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Thậm chí còn gây hiện tượng cá nhân ra nước ngoài mở doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp trong nước lập công ty con ở nước ngoài, rồi cung cấp dịch vụ ngược về Việt Nam nhằm né các quy định trong nước.

Với bối cảnh trước mắt, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc Trường đại học Kinh tế Quốc dân, khuyến nghị tinh chỉnh chính sách hỗ trợ về đối tượng và quy mô.

Chẳng hạn, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng sở hữu quy mô vốn nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo, thì cần giải pháp đặc thù trong bối cảnh ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay. Ngoài ra, cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiểu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khuyến nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ những nút thắt "nóng", có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn, lĩnh vực đầu tư công và bất động sản.

Ngoài ả, cần có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội", tạo điều kiện cho DNNVV được tham gia ít nhất 30% vào các dự án đầu tư công để từ đó huy động được đa dạng nguồn lực xã hội.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới